Trang chủĐời sốngMôi trường làm việc đại diện cho một Việt Nam đương đại...

Môi trường làm việc đại diện cho một Việt Nam đương đại không chỉ có “rừng vàng biển bạc”

Lần đầu tiên tại trung tâm thành phố biển, ra đời một mô hình môi trường làm việc mang tên Toong Gold Coast. Điều đặc biệt, buổi ra mắt của Toong Gold Coast không chỉ giới thiệu một không gian làm việc trải trên diện tích khoảng 1300 m2 với hệ sinh thái tiện ích toàn diện, mà còn giới thiệu một tác phẩm sắp đặt do chính hai nghệ sĩ cảnh quan hàng đầu thế giới Andy Cao và Xavier Perrot sáng tạo riêng cho không gian này, cùng một triển lãm nghệ thuật lớn về chủ về dịch bệnh COVID-2019.

Sau một thời gian ngưng trệ, nền kinh tế của Nha Trang đang dần phục hồi, và hơn lúc nào hết, đây là thời điểm then chốt để thương hiệu của thành phố tái định hình, tạo ra những bước ngoặt phát triển, không chỉ là một điểm đến du lịch xinh đẹp mà còn là một hình mẫu về kinh doanh sáng tạo. 

Nằm cách bờ biển trung tâm chỉ vài trăm mét, thuộc khu phức hợp Gold Coast cao nhất thành phố Nha Trang, môi trường làm việc Toong Gold Coast – như nghệ sĩ gốc Việt Andy Cao nhận xét – “tràn đầy nguồn sinh khí của Việt Nam đương đại”. Đó là một Việt Nam không chỉ sở hữu hay dựa vào rừng vàng biển bạc, cảnh sắc tài nguyên tự nhiên, mà còn sở hữu tài nguyên trí tuệ, tài nguyên sáng tạo vô tận của thế hệ doanh nhân – trí thức – nghệ sĩ.

Là một bước chuyển hóa mới trong ngành văn phòng dịch vụ, Toong Gold Coast ghi dấu lần đầu tiên, Andy Cao và Xavier Perrot – hai nghệ sĩ nổi tiếng từng thực hiện những công trình nghệ thuật công cộng gây tiếng vang tại sân bay Changi (Singapore), White Center (Washington, Mỹ), vịnh San Francisco (Mỹ) công viên trung tâm Grand Prairie (Texas, Mỹ), nhà mốt Kenzo (Paris, Pháp), vườn Luxembourg (Paris, Pháp),… – thực hiện một tác phẩm dành riêng cho một không gian làm việc tại Việt Nam.

Tác phẩm “Quả biển” làm từ inox, xương rồng và gốm Bát Tràng, được lấy cảm hứng từ chính tuổi thơ của tác giả Andy Cao ở Nha Trang, đặt trước khu cửa kính nhìn ra thành phố từ trên cao, tương tác trực tiếp với bầu trời và ánh nắng, xóa nhòa ranh giới giữa nghệ thuật, óc tưởng tượng của con người với cảnh quan có sẵn. Trước đó ở Việt Nam, Cao và Perrot chỉ thực hiện tác phẩm nổi tiếng Mây Pha lê trên đồi mâm xôi ở Mù Cang Chải. 

Nhưng đây không phải “lần đầu tiên” duy nhất của Toong Gold Coast.

Triển lãm nghệ thuật đương đại quy mô lớn đầu tiên tại Nha Trang

Hơn 70 tác phẩm thuộc 10 thể loại. Hơn 40 nghệ sĩ, trong đó có những nghệ sĩ thành danh như Ưu Đàm Trần Nguyễn, Nguyễn Văn Đủ, Hà Huy Mười, có cả những nghệ sĩ quốc tế, những nhân vật được công chúng quan tâm như kiến trúc sư Tăng Quang, họa sĩ minh họa Đạt Phan, cả những nghệ sĩ và cộng đồng sáng tạo tiềm năng. 

Những thông số ấy giúp Rục Rà Rục Dịch, triển lãm đang được trưng bày tại Toong Gold Coast, do cũng đội ngữ xây dựng Toong Gold Coast tổ chức giám tuyển và thực hiện, trở thành một trong những triển lãm nghệ thuật đương đại quy mô lớn đầu tiên ở Nha Trang.

Đáng nói hơn, đây cũng là một trong những triển lãm đầu tiên ở Việt Nam xoay quanh đề tài dịch bệnh. Trước đó, Rục Rà Rục Dịch đã được chia thành nhiều nhóm tác phẩm nhỏ, trưng bày và luân chuyển qua 11 địa điểm tại Hà Nội và TP.HCM, nhưng tại Nha Trang, toàn bộ tác phẩm được tập hợp, giám tuyển thêm các tác phẩm của nghệ sĩ địa phương, tạo thành một câu chuyện hoàn chỉnh, thống nhất, xuyên suốt.

Các doanh nghiệp, cá nhân làm việc tại Toong Gold Coast cũng như công chúng Nha Trang có thể ghé qua và chiêm ngưỡng những tác phẩm độc đáo, có nhiều tác phẩm giá trị, một số từng trưng bày ở nhiều phòng tranh trên thế giới, như loạt tranh Lò Mổ của Nguyễn Văn Đủ, No Vacancy, Chân dung của Rỗng, Thánh Gióng đương đại của Ưu Đàm Trần Nguyễn. Một số tác phẩm từng nhận hàng chục ngàn lượt yêu thích và chia sẻ trên mạng xã hội như bộ tranh ký họa Kỳ cách ly nghỉ dưỡng của Tăng Quang. 

Hòn Ngọc Viễn Đông từng là một danh xưng huyền thoại. Và trong nỗ lực kiến tạo Việt Nam như một “Hòn Ngọc Viễn Đông mới”, cần một thế hệ doanh nhân bứt phá, với tầm nhìn vượt khỏi mọi hình dung thông thường. Và để nuôi dưỡng một cộng đồng doanh nhân như vậy, cũng cần một môi trường làm việc vượt khỏi mọi hình dung thông thường.

Tất cả những “lần đầu tiên” như trên, đều là nỗ lực để tạo nên một môi trường làm việc như vậy, nơi các yếu tố kinh doanh – văn hóa – nghệ thuật, sự phát triển – bản sắc, công nghệ – sinh thái được cân bằng hài hòa. 

“Những yếu tố tinh thần thường là những điều đầu tiên bị gạt đi. Nhưng chúng tôi tin rằng, những khách hàng của mình không chỉ cần một chỗ ngồi để làm xong việc, mà còn cần một môi trường giúp họ nâng cao chất lượng cuộc sống.”, theo chia sẻ của anh Dương Đỗ, nhà sáng lập và CEO của Toong và GốcCreation, những đơn vị đã đồng thực hiện dự án này.

Toong Gold Coast, do Thanh Yến Group đầu tư và Toong cùng GốcCreation phát triển – vận hành, là minh chứng cho sự tiến hóa liên tục của Toong, với chuỗi mô hình môi trường làm việc trải rộng khắp Hà Nội, Sài Gòn, Vientiane, Phnom Penh, và tới đây ngoài Nha Trang còn có Đà Nẵng nữa. Ngay cả vào thời điểm đại dịch, Toong vẫn phát triển không ngừng. Thời điểm này năm ngoái, đơn vị này có 16 địa điểm, đến năm nay con số này là 22. Với mỗi trạm mới, Toong đều mời những nghệ sĩ chuyên nghiệp, tên tuổi để thực hiện riêng một tác phẩm nghệ thuật dành cho cộng đồng làm việc tại đây, như một cách giúp họ khơi mở, tích lũy, hình thành những nguồn cảm hứng sáng tạo vượt bậc.

Và mô hình này, tuy mới, tuy thị trường chưa từng biết đến, nhưng ngay lập tức đã nhận được phản hồi tích cực từ các nhà đầu tư và cộng đồng doanh nghiệp. Ngay cả những doanh nghiệp lớn cũng dần chuyển đổi mô hình làm việc truyền thống, chuyển sang sử dụng dịch vụ của Toong – nơi một văn phòng không chỉ là chỗ làm việc giúp tối ưu chi phí, mà còn là một lợi thế kinh doanh của họ.

Chính những doanh nghiệp, tổ chức này sẽ làm nên một Việt Nam đương đại, một nền kinh tế tri thức, một thế hệ mới không chỉ tự hào về sự giàu có tài nguyên mà thiên nhiên ưu đãi, mà còn có thể tự hào vì những phát kiến và những tiến bộ kinh tế.

Must Read

spot_img