Trang chủĐời sốngNgười phụ nữ đầu tiên của Việt Nam chinh phục đỉnh Everest...

Người phụ nữ đầu tiên của Việt Nam chinh phục đỉnh Everest kể về hành trình leo núi

Thanh Nhã (Céline Nha Nguyen) là người phụ nữ Việt Nam đầu tiên lên đỉnh ngọn núi cao nhất thế giới. Ba người Việt trước đó chinh phục nóc nhà thế giới đều là nam giới.

Sáng ngày 16.5, Công ty chuyên tổ chức các tour leo núi Seven Summit Treks ở Nepal xác nhận Thanh Nhã (Céline Nha Nguyen) đã chinh phục thành công đỉnh Everest. Ông Thaneswar Guragai, Quản lý của Seven Summit Treks, cũng cho biết Nhã là người lên đỉnh Everest đầu tiên trong ngày 16.5. Cô leo rất nhanh và khỏe mạnh trong ngày cuối cùng.

Ngày Thanh Nhã trở thành phụ nữ Việt đầu tiên lên đỉnh Everest cũng trùng với ngày 16.5 của 47 năm về trước, tức vào năm 1975, bà Junko Tabei (Nhật Bản) trở thành người phụ nữ đầu tiên trên thế giới chinh phục đỉnh Everest.

Ngày 20.5, Thanh Nhã thông báo trên trang cá nhân cô đã xuống núi an toàn sau hành trình chinh phục thành công đỉnh Everest cao 8.848,86 m.

Theo Nhã chia sẻ, tập đoàn Openasia, nơi cô làm việc đã tổ chức một chuyến company trip thật đặc biệt mà có lẽ chưa có công ty nào ở Việt Nam tiên phong. Đó là tổ chức một team leo núi Everest với hai chặng: chặng 1 trek đến EBC (trạm căn cứ Everest), và chặng 2, leo lên đỉnh núi ở độ cao 8.848,86 m. Team thu hút được khá nhiều thành viên đăng ký, trong đó có nhiều thành viên là đại diện cho 7 công ty thuộc tập đoàn. Tuy là dân văn phòng nhưng mọi người rất yêu thể thao và cùng nhau tập luyện trong suốt gần nửa năm qua cho hành trình này.

Sau 8 ngày leo, cả nhóm đến EBC, nhưng chỉ còn Nhã ở lại để đi tiếp lên đỉnh Everest.

Trước hành trình chinh phục đỉnh Everest, tất cả những người leo núi, trong đó có Nhã phải thực hiện nghiêm túc nghi lễ Puja để xin phép được leo lên đỉnh núi cao 8.848,86 này.

Nghi lễ Puja

Trong văn hóa Tây Tạng, Everest được gọi là Chomolungma, nghĩa là “Nữ thần của núi”. Đỉnh núi là nơi linh thiêng, đòi hỏi tất cả những người leo núi phải xin phép trước khi thực sự leo lên chặng đầu tiên – thác băng Khumbu trong truyền thuyết!

Buổi lễ Puja của đoàn Thanh Nhã được chủ trì bởi một Lạt Ma Phật giáo được trọng vọng để cầu xin bình an và thời tiết tốt cho người leo núi. Ngài cũng xin phép thần linh ban phước cho các thiết bị leo núi. Thanh Nhã mang sẵn đồ nghề áo khoác, rìu phá băng, crampon (móc sắt, một thiết bị kéo được gắn vào giày dép), nón bảo hiểm… ra bàn lễ để xin được phù hộ. Hy vọng leo được và xuống an toàn.

Puja nghi lễ quan trọng phải được hoàn thành trước khi bắt đầu cuộc thám hiểm. Nếu không thực hiện nghi lễ này, không nhà thám hiểm nào dám bước lên thác băng Khumbu và lên camp 1, 2, 3, 4. Đây là truyền thống có từ hàng trăm năm trước và được thực hiện hết sức nghiêm túc và thành tâm, người phương Đông hay phương Tây gì cũng phải làm lễ này.

Kết thúc buổi lễ, mọi người sẽ được phát đồ lễ và ca hát, nhảy múa theo truyền thống của người Nepal.

Đối với người Sherpa, nghi lễ này rất quan trọng và phải được thực hiện hoàn hảo trước khi khởi hành.

Hành trình chinh phục

Sau nghi lễ Puja, nhóm của cô bắt đầu chuyến leo xoay vòng đầu tiên để lên camp 3. Thanh Nhã là 1 trong những người leo núi xuất hiện trễ nhất ở Everest lần này nên vừa đến nơi, hôm sau đã làm lễ Puja và di chuyển leo xoay vòng ngay lên trên.

Chướng ngại vật đầu tiên là thác băng Khumbu khét tiếng. Thác băng mang một vẻ đẹp vừa lạnh lùng, vừa quyến rũ và chết chóc.

Việc đi qua sông băng khá nguy hiểm, những khe nứt to phải dùng đến thang nhôm để băng qua. Những khe băng nhỏ có thể nhảy qua. “Mình chưa bao giờ thoải mái với việc đi trên thang nhôm bằng những cái móng mèo sắt và phải giữ thăng bằng như nghệ sĩ xiếc. Nhưng cũng ráng “nhắm mắt” đi qua. Tuy nhiên, trong một lần băng qua khe băng nhỏ bằng cách nhảy sang bờ bên kia, mình đã bị tuột lại nửa bàn chân và rơi xuống khe băng sâu hút. Nằm treo mình giữa trời trên 1 sợi dây trong một khe băng chờ được cứu. Tiếng thét của mình lúc ấy có lẽ âm lượng vang hết 3 trại 1, 2, 3. “Expedition leader” Arnold Coster và Sonam, Jangbu và các Sherpa có mặt tại thác băng đã tổ chức một cuộc cứu hộ nhỏ để cứu mình lên. Có lẽ trải nghiệm đáng sợ rơi khe băng này ít có người leo núi nào trên Everest “bị” trải nghiệm giống mình”, Thanh Nhã viết.

Hành trình lên đỉnh Everest cao 8.848,86m của Nhã “chỉ gặp vài sự cố nhỏ, song may mắn không gặp chấn thương”.

“Sau khi vượt thác băng lên được trại 1. Mình ngủ 1 đêm trại 1, sáng hôm sau leo lên trại 2, sáng hôm sau nữa leo lên trại 3. Mỗi ngày 1 trại, rồi quay ngược lại xuống basecamp (trại dừng). Chuyến leo xoay vòng của mình ok. Sức khoẻ tốt. Lên đến camp 3 vẫn rất xinh. Chỉ chờ đến ngày thời tiết đẹp nhất trong năm đến thì nhóm mình sẽ leo lại, nhưng từ basecamp lên đỉnh chứ ko dừng ờ trại 3 nữa…”, Nhã chia sẻ về hành trình thử thách của mình trên trang cá nhân.

Như vậy, khi đi trek từ Lukla đến EBC suốt 8 ngày, từ tháng 4.2022, Thanh Nhã bắt đầu dành vài tuần tập leo Everest theo phương pháp xoay vòng lên xuống bắt buộc để cơ thể thích nghi dần với các độ cao. Ngày 11.5, đội mũ bảo hộ có quốc kỳ đỏ sao vàng và tên mình, Thanh Nhã bắt đầu chính thức hành trình chinh phục đỉnh Everest.

Cũng theo cô, “nhờ thời tiết thuận lợi, tôi đi khá nhanh để lên tới đỉnh vào lúc 3h30 sáng 16.5”.

Thanh Nhã, tên đầy đủ là Nguyễn Thị Thanh Nhã. Cô thuộc thế hệ 8X và là một luật sư. Thanh Nhã tốt nghiệp hai bằng thạc sĩ ngành Luật ở Trường ĐH Sorbonne và ĐH Panthenon Assas (Pháp), đồng thời là người sáng lập Công ty luật Celigal (TP.HCM).

Kể từ khi bén duyên với bộ môn leo núi, Nhã đã lần lượt chinh phục 6 đỉnh: Kilimanjaro (ngọn núi cao nhất châu Phi), Aconcagua (cao nhất Nam Mỹ), Elbrus (cao nhất châu Âu), Kim Tự Tháp Carstensz (cao nhất châu Đại Dương), Vinson Massif (cao nhất Nam Cực) và Everest vào ngày 16.5.

Must Read

spot_img