Trang chủĐời sốngTòa tuyên Grab phải bồi thường cho Vinasun 4,8 tỷ đồng

Tòa tuyên Grab phải bồi thường cho Vinasun 4,8 tỷ đồng

Từ các chứng cứ có trong hồ sơ vụ án cũng như quá trình tranh luận tại tòa, HĐXX đã tuyên rằng, chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của Vinasun. Cụ thể, buộc Grab bồi thường cho Vinasun hơn 4,8 tỷ đồng. Không chấp nhận khoản tiền hơn 36 tỷ đồng mà Vinasun yêu cầu Grab bồi thường.

Ngày 28/12, TAND TPHCM tiếp tục mở phiên tòa xét xử vụ án dân sự về việc tranh chấp “bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng” giữa  nguyên đơn là Công ty Cổ phần Ánh Dương Việt Nam ( Vinasun ) và bị đơn là Công ty TNHH Grab (Grab).

Tòa yêu cầu Grab bồi thường 4,8 tỷ cho Vinasun. Ảnh Báo Tiền Phong

Theo đó, tháng 6 năm ngoái, Vinasun kiện Grab “vi phạm Đề án 24 của Bộ GTVT, gây náo loạn thị trường”. Theo Vinasun, Grab chỉ đăng ký cung cấp ứng dụng công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải nhưng thực tế hoạt động như doanh nghiệp kinh doanh vận tải taxi – lĩnh vực cùng ngành nghề với Vinasun.

Vinasun cho rằng hoạt động vi phạm pháp luật của Grab đã gây nhiều hệ lụy cho công ty này. Cụ thể, trong năm 2016 và nửa đầu năm 2017 Vinasun bị thiệt hại gần 76 tỷ đồng, trong đó do Grab gây ra là gần 42 tỷ nên yêu cầu đơn vị này bồi thường.

Tại tòa, đại diện VKSND TPHCM đã nêu quan điểm rằng Grab là doanh nghiệp Việt Nam có trụ sở tại TP.HCM nên thẩm quyền thụ lý thuộc Tòa Kinh tế TAND TP.HCM. Việc triệu tập các cơ quan như Bộ GTVT đến tòa, HĐXX cho rằng không cần thiết. Công ty giám định Cửu Long đã được tòa triệu tập nhiều lần nhưng không đến, việc này là vi phạm pháp luật.

Xét hoạt động của Grab trong văn bản gửi các cơ quan thẩm quyền, Grab tự nhận là công ty công nghệ, không phải nhà cung cấp vận tải, chỉ cung cấp giao dịch ứng dụng điện tử, cung cấp công nghệ miễn phí cho khách hàng thông qua hợp đồng điện tử… đã được Bộ Giao thông Vận tải chấp thuận.

Nhưng thực tế, Grab quản lý lái xe, đưa ra cước phí. Khách hàng khi đặt xe đều chuyển khoản qua Grab, hoặc trả cho tài xế sau đó chiết khấu. Việc thưởng, phạt lái xe do Grab quyết định – trái với Đề án 24.

Theo luật, việc kinh doanh vận tải bằng ôtô phải bảo đảm số lượng, chất lượng, nhân viên phục vụ, có hợp đồng lao động, nhân viên phải được tập huấn an toàn giao thông, không sử dụng lái xe trong thời kỳ bị cấm, có nơi đậu xe phù hợp với quy mô của doanh nghiệp; doanh nghiệp phải đóng bảo hiểm cho người lao động,… Tuy nhiên hoạt động kinh doanh của Grab không tuân thủ quy định này, cũng như không nộp thuế.

Bên cạnh đó, theo đại diện VKSND TPHCM, trong vụ án này, phía Vinasun không đưa ra được chứng cứ chứng minh hành vi vi phạm của Grab là nguyên nhân duy nhất gây ra thiệt hại.

Do đó, theo VKSND giữ quyền công tố tại tòa, không đủ cơ sở chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của Vinasun khi yêu cầu Grab bồi thường 41,2 tỷ đồng.

Theo đó, HĐXX chấp nhận một phần yêu cầu của Vinasun đòi Grab là bồi thường 4,8 tỷ đồng; bác bỏ yêu cầu đòi Grab 36,3 tỷ đồng.

Tòa cho biết, Grab phải chịu án phí sơ thẩm với số tiền 112 triệu đồng, Vinasun chịu phí 144 triệu đồng. Grab phải trả cho Vinsun chi phí giám định với số tiền 347 triệu đồng.

Từ đó, HĐXX kiến nghị Bộ Giao thông vận tải cần xem Đề án 24 để có những chỉnh sửa, thay đổi cho phù hợp. Bộ Tài chính xem xét để có khung pháp lý quản lý về giá cước của các loại hình kinh doanh vận tải mới này. Đồng thời kiến nghị cơ quan ban ngành xem xét có chính sách quản lý cơ chế đóng bảo hiểm cho người lao động khi tham gia kinh doanh mô hình này.

Đề xuất:

spot_img