Ủy Ban Châu Á – Thái Bình Dương của giới kinh tế Đức (APA) kêu gọi Liên minh Châu Âu tăng cường sự hiện diện và hợp tác thương mại đầu tư tại Châu Á.
– Châu Âu cần chú trọng và thu hút mọi sự tập trung vào khu vực tăng trưởng kinh tế quan trọng này (Châu Á – Thái Bình Dương) và đa dạng hóa các quan hệ kinh tế với khu vực thông qua chính sách kinh tế đối ngoại linh hoạt và quyết đoán.
– Các chiến lược đầu tư tầm cỡ vào các lĩnh vực trọng yếu như phát triển bền vững và đổi mới sáng tạo sẽ khiến Châu Âu trở thành đối tác tiềm năng của khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.
– Một chiến lược toàn diện dành cho khu vực Châu Á – Thái Bình Dương cần có một lộ trình rõ ràng để nâng tầm quan hệ một cách tương xứng với vị thế ngày càng lớn mạnh, trong bối cảnh cuộc cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc đang diễn ra.
– Việt Nam được giới kinh tế Đức nhận định là một điểm đến đầu tư hấp dẫn, là đối tác quan trọng trong chiến lược đa dạng hóa chuỗi cung ứng tại Châu Á- Thái Bình Dương với lợi thế quan trọng là Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới, toàn diện và chất lượng cao giữa Châu Âu và Việt Nam EVFTA.
“Để duy trì sự tăng trưởng, hùng cường và thịnh vượng của Đức và của Châu Âu, chúng ta cần tăng cường sự hiện diện về kinh tế và nâng tầm vai trò của doanh nghiệp Đức trong quá trình phát triển như vũ bão hiện nay ở Châu Á – Thái Bình Dương. Châu Âu và các quốc gia thuộc khối liên minh cần nhanh chóng thiết lập một chính sách kinh tế chung dành riêng cho khu vực này – khu vực đang trở thành động lực phát triển quan trọng nhất của toàn cầu.” trích lời ông Joe Kaeser, Chủ tịch APA trong buổi họp báo công bố văn bản đề xuất về Chính sách kinh tế của giới doanh nghiệp Đức tại Châu Á – Thái Bình Dương hôm thứ 4 vừa qua, 19/05/2021.
“Đây sẽ là chiến lược quan trọng để nâng tầm quan hệ một cách tương xứng với vị thế ngày càng lớn mạnh của Châu Âu tại khu vực, trong bối cảnh cuộc cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc đang diễn ra.”, ông Kaeser khẳng định.
Ngoài thị trường Trung Quốc, giới doanh nghiệp Đức cần nhìn nhận vị thế chiến lược và quan trọng của các thị trường trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương trong tương lai. Chiến lược đa dạng hóa chuỗi cung ứng không đồng nghĩa với việc di dời sản xuất khỏi Trung Quốc, chiến lược này đòi hỏi Châu Âu cần sớm thiết lập chiến lược phát triển kinh tế toàn diện nhằm tiếp cận các thị trường tiềm năng tại khu vực này một cách hiệu quả nhất. Qua đó, APA kêu gọi Liên minh Châu Âu sớm hoàn thiện chính sách đối ngoại và kinh tế thống nhất, hiệu quả, linh hoạt đối với Châu Á – Thái Bình Dương.
Ngoài các chính sách về kinh tế ngoại thương, APA nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tập trung cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư của Châu Âu. Để thu hút sự quan tâm của giới đầu tư đến từ Châu Á- Thái Bình Dương một cách hiệu quả, Châu Âu cần đẩy mạnh đầu tư vào các ngành công nghiệp của tương lại như Đổi mới Sáng tạo và Phát triển bền vững Trong văn bản đề xuất này, APA cũng khẳng định tầm quan trọng của chính sách phát triển kinh tế của Châu Âu đối với khu vực Châu Á – Thái Bình Dương trong việc nhìn nhận lại vai trò và quan hệ của Trung Quốc đối với Châu Âu.
Việc áp dụng những lệnh trừng phạt lẫn nhau và các thỏa thuận đầu tư được ký kết nhưng không thể thực thi minh chứng cho thấy mối quan hệ giữa Châu Âu và Trung Quốc đang có những diễn biến phức tạp. Chủ tịch APA nhấn mạnh Châu Âu cần duy trì vị thế vững mạnh để hiện thực hóa thành công chính sách đối ngoại đa phương đối với Trung Quốc: “Châu Âu cần tăng cường vị thế địa kinh tế của mình để duy trì mối quan hệ toàn diện và hợp tác bình đẳng với Trung Quốc và Mỹ” ông Kaeser chia sẻ.
“Tư duy nhìn xa trông rộng và thực hiện nhất quán đường lối chính sách kinh tế là những yếu tố cốt lõi. Với thông điệp “Đối tác toàn cầu và đổi mới sáng tạo”, Châu Âu hoàn toàn có thể xây dựng không gian đối thoại và hợp tác vì lợi ích của các bên thông qua các quan hệ hợp tác đa phương.