Trang chủĐời sốngHội quán với sự phát triển của người Hoa ở Thành phố...

Hội quán với sự phát triển của người Hoa ở Thành phố Hồ Chí Minh

Người Hoa là một thành phần của cư dân các dân tộc ở Tp. HCM. Các quận huyện của Tp. HCM đều có người Hoa cư trú và sinh sống. Các quận 5, 6, 10, 11 – thuộc khu vực Chợ Lớn trước đây – là những địa phương có đông người Hoa. Theo số liệu điều tra năm 2019, Tp. HCM có khoảng 450.000 người Hoa, chiếm khoảng 8% dân số toàn thành phố.

“Hội quán” trong chữ Hán có nghĩa là ngôi nhà chung của một tổ chức, đoàn thể hoặc một nhóm người đồng nghiệp, đồng hương. Hội quán xuất hiện khá sớm trong lịch sử Trung Quốc, ít nhất cũng từ thế kỷ XVI dưới thời nhà Minh.

Ở vùng đất Nam Bộ, nơi có đông người Hoa di cư từ các địa phương duyên hải Nam Trung Hoa tìm đến định cư và mưu sinh, cộng đồng người Hoa cũng đã sớm thiết lập các hội quán.

Theo sách Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức thì một số hội quán của người Hoa đã được hình thành từ cuối thế kỷ XVIII hoặc đầu thế kỷ XIX. Hội quán Phúc Châu, hội quán Quảng Đông đã có ở Cù lao Phố, Biên Hòa, Đồng Nai vào cuối thế kỷ XVIII, nơi một cộng đồng người Hoa do Trần Thượng Xuyên lãnh đạo đến Nam Bộ khoảng năm 1679.

Năm chiếc lư đồng ở giếng trời trước Chính điện Chùa Bà Thiên Hậu

Ở khu vực Chợ Lớn (thuộc Tp. HCM hiện nay) các hội quán của các nhóm Hoa cũng sớm được xây dựng vào đầu thế kỷ XIX như hội quán Phúc Châu, Quảng Đông, Triều Châu… Hội quán Ôn Lăng của nhóm người Hoa quê ở phủ Tuyền Châu (Phúc Kiến) đã có từ năm 1740.

Thực tế, trước khi các nhóm Hoa ở duyên hải Nam Trung Hoa sang định cư ở Nam Bộ, từ Mạc Cửu, Trần Thượng Xuyên thì đã có một số người Hoa thuộc cộng đồng Minh Hương đã đến Nam Bộ trước đó. Những nhóm Hoa Minh Hương sớm hội nhập vào cộng đồng các dân tộc Việt Nam; ở một số địa phương Nam Bộ, họ thành lập “Minh Hương Hội quán” như ở Chợ Lớn (Sài Gòn), Rạch Giá (Kiên Giang).

Một đặc điểm đáng lưu ý về việc thành lập các hội quán của người Hoa ở Tp. HCM là mối liên quan giữa hội quán với các đền, miếu của người Hoa. Ở Tp. HCM hầu hết các hội quán của người Hoa đều gắn với các miếu, đền, hoặc nằm trong khuôn viên miếu, đền.

Miếu của người Hoa (người Việt quen gọi là “chùa Hoa”) thờ các vị thần bảo trợ cho cộng đồng Hoa. Phổ biến các cộng đồng Hoa ở Tp. HCM và khu vực Nam Bộ thờ các vị thần, thánh như Thiên Hậu Thánh Mẫu, Quan Công (tức Quan Thánh đế quân), Phúc đức Chính thần (ông Bổn) và một số vị thần khác, kể cả Đức Phật Bà Quan Âm. Như vậy, giữa hội quán và các miếu đền của người Hoa có mối quan hệ khá mật thiết, tương hỗ, đáp ứng cho nhu cầu của bà con người Hoa trên cả hai phương diện vật chất lẫn tinh thần.

Vẻ trầm mặc của Hội quán Tuệ Thành, còn gọi là Chùa Bà Chợ Lớn

Tại Tp. HCM và một số địa phương ở Nam Bộ thường các miếu, điện, cung… của người Hoa có trước, rồi sau đó hoặc cùng lúc các hội quán được thành lập trong khuôn viên các miếu đền này. Các hội quán của nhóm người Hoa gốc Quảng Đông như Tuệ Thành Hội quán ở Chùa Bà, Nghĩa An Hội quán của nhóm người Hoa gốc Triều Châu (Chùa Ông) … là những cơ sở được thành lập sau khi có các miếu một thời gian ngắn.

Theo một số tư liệu, đặc biệt là các bia ký ở các hội quán và đền miếu của người Hoa, thì phần lớn các hội quán được xây dựng vào khoảng giữa thế kỷ XIX. Đây cũng là thời gian bà con người Hoa tập trung định cư ở khu vực Chợ Lớn.

Do số lượng di dân từ Trung Hoa đến vùng đất Nam Bộ Việt Nam vào cuối thế kỷ XVIII khá đông, để quản lý những di dân người Hoa này, nhà nước phong kiến Việt Nam cho phép người Hoa thành lập các “Bang”. Bang là tổ chức của những người Hoa cùng quê quán ở Trung Hoa, hoặc cùng ngôn ngữ.

Dưới thời Gia Long (1802-1820) có 07 Bang của người Hoa là Phúc Kiến, Hải Nam, Triều Châu, Quỳnh Châu, Phúc Châu, Hẹ, Quảng Đông. Về sau, năm 1885, chính quyền thuộc địa của thực dân Pháp tổ chức lại thành 5 Bang: Quảng Đông, Triều Châu, Phúc Kiến, Hải Nam, Hẹ (Haka). Đến năm 1960, dưới thời chính quyền Việt Nam Cộng hòa, Ngô Đình Diệm đã tuyên bố xóa bỏ tổ chức Bang của người Hoa.

Tuy nhiên, trên thực tế, cộng đồng người Hoa ở Nam Bộ vẫn còn nhiều ảnh hưởng của tổ chức Bang mà các hội quán của người Hoa là một dẫn liệu rõ nét. Sự hình thành tổ chức Bang của người Hoa ở Nam Bộ là cơ sở để xuất hiện các hội quán. Đây cũng là nét riêng của hội quán người Hoa ở Tp. HCM và một số địa phương Nam Bộ. Những hội quán của người Hoa ở các nước Đông Nam Á và của Trung Quốc trước đây chủ yếu là nơi nghỉ ngơi, gặp gỡ của những thương nhân hoặc sĩ tử lên kinh ứng thí. Còn các hội quán của người Hoa ở Sài Gòn trước đây, ban đầu là nơi tập hợp các cộng đồng người Hoa theo các Bang (và một số theo Hội).

Hội quán có thể nói là trụ sở (hoặc công sở) làm việc của tổ chức Bang. Người đứng đầu (còn gọi là Bang trưởng) của mỗi Bang do các thành viên trong Bang bầu chọn. Đó phải là những người có uy tín, hiểu biết, được sự tín nhiệm của các thành viên trong Bang. Ông ta phải là người có tài sản, có tài kinh doanh để đảm bảo thuận lợi cho hoạt động của Bang.

Bang trưởng được sự chuẩn y của chính quyền địa phương, là cầu nối giữa cộng đồng người Hoa với chính quyền. Trách nhiệm của Bang trưởng là giữ an ninh, trật tự trong cộng đồng người Hoa theo quy định của nhà nước, truyền đạt các mệnh lệnh, ý kiến của chính quyền đến các thành viên trong Bang. Ông cũng là người đứng ra thu các loại thuế của thành viên trong Bang để nộp lại cho chính quyền.

Hội quán Nghĩa An, còn gọi là Chùa Ông Chợ Lớn

Bang trưởng còn có một trách nhiệm nặng nề khác là xử lý và giải quyết các tranh chấp trong nội bộ Bang và giữa các Bang với nhau, gìn giữ mối quan hệ đoàn kết, giúp đỡ, tương trợ giữa các thành viên trong và ngoài Bang. Để thực hiện các nhiệm vụ đó, Bang trưởng có một số người giúp việc, trong đó quan trọng nhất là người trông coi về tài chính và tư vấn cho Bang trưởng các công việc để có kinh phí lo cho hoạt động của Bang. Như vậy, ngoài yếu tố mang tính “ngôi nhà chung”, thì một trong những nét riêng của hội quán người Hoa ở Tp. HCM là công sở của tổ chức Bang, bên cạnh một số chức năng khác.

Trước hết là chức năng về kinh tế:

Đây là một trong những chức năng quan trọng của các hội quán ở Trung Quốc. Tuy nhiên, ở Sài Gòn xưa, chức năng kinh tế của các hội quán có phần khác biệt. Hội quán là nơi gặp gỡ của các thương nhân trong cùng Bang để bàn việc doanh thương, giúp nhau tìm kiếm nguồn hàng, thị trường, phương thức mua bán hàng hóa. Hội quán của người Hoa ở Sài Gòn còn là nơi gặp gỡ giữa các thương nhân của Bang người Hoa với các thương nhân Trung Hoa đồng hương, đồng phương ngữ để giao dịch, hỗ trợ việc buôn bán.

Những thương nhân đồng hương từ Trung Hoa theo thuyền chở hàng hóa sản xuất ở Trung Hoa như đồ gốm sứ, vải tơ, thuốc Bắc … tìm đến các hội quán để làm nơi giao dịch. Tại đây, các thương nhân hoặc người của Bang sẽ nhận trách nhiệm bao tiêu, phân phối hàng hóa. Những thương nhân của Bang trong hội quán cũng sẽ đáp ứng yêu cầu của thương nhân Trung Hoa muốn mua các loại sản vật ở Nam Bộ, các vùng miền ở Việt Nam như trầm hương, mật ong, đường mía, cau hạt v.v… để xuất khẩu sang Trung Quốc hoặc các nước Đông Nam Á.

Chức năng về mặt xã hội:

Với ý nghĩa là ngôi nhà chung của người trong Bang, hội quán của người Hoa ở Tp. HCM thực tế là nơi gặp gỡ, tụ hội không chỉ của giới thương nhân, kỹ nghệ gia, mà còn là nơi các thành viên trong Bang tìm đến để trao đổi, bàn bạc, chia sẻ công việc, giải quyết khúc mắc,… Trong thời kỳ số lượng người nhập cư từ Trung Hoa đến Sài Gòn hoặc các địa phương Nam Bộ tăng cao thì hội quán là nơi những người nhập cư đồng hương tìm đến tá túc, tạm trú một thời gian để tìm việc làm, hoặc nhờ sự giúp đỡ của Ban quản trị hội quán. Ban quản trị hội quán, mà trực tiếp là Bang trưởng, sẽ là người đứng ra chịu trách nhiệm với chính quyền sở tại về nhân thân và bảo lãnh về hành vi của những người Hoa nhập cư.

Hội quán còn là nơi giúp đỡ, bảo trợ những thành viên nghèo, gặp hoạn nạn trong Bang. Các hội quán đều có khoản kinh phí để làm các hoạt động từ thiện. Những gia đình nghèo khó, nhất là những gia đình cô quả, sẽ được hội quán giúp đỡ, chu cấp tiền bạc, vật dụng lúc khó khăn. Những gia đình nghèo khi có người quá cố, hội quán sẽ đứng ra lo liệu mọi việc tang ma. Phần nhiều các hội quán của người Hoa ở Sài Gòn xưa đều có nghĩa trang riêng. Hội quán đã được người Hoa xem như một chỗ dựa quan trọng trong cuộc mưu sinh lâu dài trên đất Sài Gòn xưa.

Chức năng về mặt văn hóa:

Nét khác biệt giữa hội quán của người Hoa ở Sài Gòn – Tp. HCM so với Trung Quốc và một số nước Đông Nam Á là hội quán luôn gắn với một cơ sở tín ngưỡng. Tùy theo điều kiện của mỗi Bang mà hội quán được xây dựng trước hoặc sau khi xây dựng các miếu, đền. Phần nhiều hội quán của người Hoa ở Tp. HCM được xây dựng sau các đền miếu một thời gian ngắn.

Chức năng văn hóa của các hội quán người Hoa ở Tp. HCM là việc kết hợp các hoạt động tín ngưỡng, lễ hội của cộng đồng các Bang vào hoạt động của hội quán. Do nằm trong khuôn viên các miếu (còn gọi là chùa Hoa) nên những cơ sở của hội quán thường có 2 cách gọi. Ngoài tên gọi chính thức của hội quán, còn có thể gọi tên “chùa”, hoặc kết hợp cả hai như Hội quán Tuệ Thành còn gọi là Chùa Bà Chợ Lớn hoặc Hội quán Tuệ Thành Chùa Bà Chợ Lớn, Hội quán Nghĩa An còn gọi là Chùa Ông Chợ Lớn hoặc Hội quán Nghĩa An Chùa Ông Chợ Lớn.

Sự gia tăng số lượng người Hoa nhập cư và thế hệ con em người Hoa sinh ra tại Sài Gòn – Chợ Lớn đã đặt ra những nhu cầu mới về cuộc sống, như việc học tập cho lớp trẻ, việc chữa bệnh, nhu cầu văn hóa, thể thao… Các hội quán của người Hoa đã đứng ra đảm trách việc đáp ứng những nhu cầu mới này. Hầu hết các Bang của người Hoa ở Sài Gòn – Chợ Lớn đã tìm cách xây dựng các trường học, bệnh viện, cơ sở luyện tập thể dục thể thao cho các thành viên trong Bang.

Trước năm 1975 hệ thống trường học của con em người Hoa vừa dạy theo chương trình phổ thông, vừa dạy tiếng Hoa của các phương ngữ. Các hội quán cũng kêu gọi các thương nhân, nhà giàu góp tiền, góp đất để xây các bệnh viện, và cả nghĩa trang cho người trong Bang.

Nét riêng khác của hội quán của người Hoa ở Tp.HCM đó là chức năng tạo điều kiện để người Hoa hội nhập vào cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Người Hoa hôm nay là công dân của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Trong quá trình lịch sử, các hội quán của người Hoa đã có những đóng góp nhất định cho sự hội nhập đó. Một nhà nghiên cứu nước ngoài về Hội quán của người Hoa ở Tp. HCM đã có nhận xét: “Điều lý thú là từ một tổ chức mang nặng tính Trung Hoa, hội quán trong vùng Sài Gòn – Chợ Lớn đã trở thành chiếc cầu văn hóa quan trọng liên kết người Hoa với người Việt. Điều này rất đặc biệt trong vùng Đông Nam Á”.

Hội quán của người Hoa phần nhiều tập trung ở quận 5 Tp. HCM, khu vực Chợ Lớn cũ, bởi lẽ nơi đây là khu vực có đông người Hoa cư trú từ khá sớm, và là trung tâm hoạt động thương nghiệp của người Hoa. Hiện nay ở Tp. HCM các hội quán gắn với các Bang còn hoạt động, một số hội quán gần như chỉ còn trên danh nghĩa, hoặc chuyển giao cho người Việt quản lý như hội quán Lệ Châu. Theo một số thống kê, hiện nay ở Tp. HCM còn 12 hội quán của người Hoa.

Hội quán của người Hoa ở Sài Gòn – Chợ Lớn xưa, Tp. HCM nay, xuất hiện khá sớm, từ gần hai thế kỷ trước. Hội quán gắn với quá trình định cư và phát triển của cộng đồng người Hoa ở Tp. HCM. Từ chỗ là nơi gặp gỡ, lưu trú tạm thời của các thương nhân, hội quán người Hoa đã đảm nhiệm thêm nhiều chức năng kinh tế, văn hóa, xã hội. Hội quán đã là chỗ dựa về vật chất và tinh thần cho cộng đồng người Hoa trong nhiều thập kỷ.

Hội quán không chỉ gắn kết bà con người Hoa cùng địa phương, cùng ngôn ngữ, mà rộng hơn với tất cả những người Hoa đang sinh sống ở Tp. HCM. Hơn nữa, Hội quán đã góp phần tích cực trong việc gắn kết giữa bà con người Hoa với cộng đồng người Việt (Kinh) ở thành phố và nhiều địa phương ở Nam Bộ. Thực tế, đó cũng là vai trò của hội quán trong quá trình hội nhập của bà con người Hoa vào cộng đồng các dân tộc Việt Nam trong quá khứ cũng như hiện tại ở Sài Gòn.

PGS.TS Phan An/ Viện Khoa học Xã hội vùng Nam Bộ

Bài đăng Tạp chí Truyền thống và Phát triển số 15 tháng 06/2021

Đề xuất:

spot_img