Trang chủĐời sốngCao tốc Phan Thiết – Dầu Giây sẽ khởi công vào tháng...

Cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây sẽ khởi công vào tháng 7/2020

Được biết, tiến độ chung của dự án là đến tháng 5/2019 sẽ cắm cọc và bàn giao mốc mới cho địa phương để giải phóng mặt bằng, tháng 9/2019 tổ chức tuyển chọn nhà thầu, tháng 7/2020 khởi công cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây.

Ban Quản lý dự án Thăng Long (thuộc Bộ GTVT) vừa có buổi làm việc với UBND tỉnh Đồng Nai và các địa phương về công tác giải phóng mặt bằng tuyến cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây. Dự kiến ban đầu là cuối năm 2019 dự án sẽ khởi công, tuy nhiên do chưa có mặt bằng thực hiện nên dự án sẽ khởi công vào tháng 7- 2020.

Bên cạnh đó, Ban quản lý dự án Thăng Long kiến nghị với UBND tỉnh cho thực hiện theo hồ sơ cũ. Cụ thể, thu hồi đất trước 4 làn xe theo mốc đã cắm, 2 làn xe tiếp theo sẽ thu hồi đất sau.

Tuy nhiên, đại diện Sở Tài nguyên – Môi trường tỉnh Đồng Nai, cùng các địa phương cũng như sở, ngành liên quan cho rằng phương án này sẽ dẫn đến tình trạng trên cùng một thửa đất, cùng một dự án lại thu hồi 2 lần theo 2 giá khác nhau, người dân sẽ không đồng ý; hồ sơ đã hoàn thành cách đây hơn 3 năm, hiện tại giá bồi thường cũng như hiện trạng đã thay đổi, cần phải làm lại từ đầu.

Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Quốc Hùng, việc giải phóng mặt bằng sẽ làm theo phương án thu hồi đất 1 lần; để đảm bảo tiến độ, chủ đầu tư cần đẩy nhanh công tác bàn giao mốc mặt bằng mới trong quý I/2019; phải chuẩn bị kinh phí để kịp thời chi trả ngay cho dân.

Đại diện Ban Quản lý dự án (QLDA) Thăng Long cho biết số tiền đền bù cho dự án được tính toán trên 2.000 tỉ đồng. Trong đó, đoạn qua Đồng Nai hơn 1.420 tỉ đồng. Hiện Ban QLDA Thăng Long đã đăng ký vốn giải phóng mặt bằng cho hai địa phương Đồng Nai và Bình Thuận trong năm 2019 là 1.200 tỉ đồng để triển khai công việc.

Tuyến cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây có chiều dài gần 99km, trong đó phần thuộc địa phận Đồng Nai là 51km, qua các địa phương gồm: huyện Thống Nhất, TX.Long Khánh, huyện Cẩm Mỹ và huyện Xuân Lộc.

Theo đó, diện tích đất phải giải phóng mặt bằng nhiều nhất là thuộc huyện Xuân Lộc, đây là huyện có chiều dài cao tốc chiếm một nửa tại Đồng Nai.

Đồng thời, theo UBND tỉnh cho biết, tuyến cao tốc này đi qua địa bàn tỉnh, chủ yếu chạy trên diện tích đất nông nghiệp và cao su, không qua các khu dân cư nên việc phải bố trí tái định cư là không nhiều.

Theo đó, cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây đã được điều chỉnh quy hoạch với quy mô 6 làn xe, vận tốc thiết kế 120 km/giờ. Trong giai đoạn 1, dự án sẽ xây dựng 4 làn xe có chiều rộng từ 25-27m. Tổng mức đầu tư giai đoạn 1 của dự án hơn 18.100 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng khoảng 11 ngàn tỷ đồng. Dự án dự kiến hoàn thành trong 36 tháng xây dựng.

Để hoàn vốn, nhà đầu tư được thu giá với mức giá 1.500 đồng/km/PCU với lộ trình tăng giá là 12%/3 năm trong thời gian 17 năm 1 tháng.

Được biết, đoạn cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây cùng với đoạn Hà Nội-Vinh nằm trong dự án đường cao tốc Bắc-Nam là những đoạn quan trọng, có tốc độ phát triển kinh tế năng động bậc nhất cả nước nên cần đầu tư trước để kết nối giao thông, tạo thuận lợi giao thương hàng hóa, phát triển kinh tế xã hội.

Đề xuất:

spot_img