Đó là chia sẻ của ông Lê Quang Tự Do – Cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) khi Game Online dự kiến bị đánh giá Tiêu thụ Đặc biệt của Bộ Tài chính.
Theo ông Tự Do, Bộ Thông tin và Truyền thông đang làm việc trực tiếp với Bộ Tài chính để không áp thuế Tiêu thụ Đặc biệt với ngành game. “Vì để thúc đẩy một lĩnh vực phát triển thì chúng ta phải nuôi dưỡng và đầu tư chứ không phải tận thu”, ông Tự Do nhấn mạnh.
Đánh giá cho tình hình phát triển doanh nghiệp game, trong 10 năm qua, ngành game chúng ta chọn cách đi một mình để đi nhanh nên chỉ có 1 vài doanh nghiệp phát triển. Hiện nay, Bộ đang cấp phép khoảng 200 doanh nghiệp game nhưng hiện tại thực sự hoạt động chỉ còn khoảng 30 doanh nghiệp. Và nếu 30 doanh nghiệp đó nếu không có những sự hỗ trợ để vực dậy thì ngày càng chết đi.
Về vấn đề này, ông Lã Xuân Thắng, Giám đốc Phát hành Trò chơi Trực tuyến – Công ty Cổ phần VNG cho rằng cần làm rõ đc các vấn đề, truyền thông rõ hơn để cơ quan quản lý có thể đưa ra các biện pháp quản lý phù hợp hơn.
“Hôm trước Bộ Tài chính và các chuyên gia cũng có nói mục đích của đánh thuế game online ko phải để thu thuế mà để điều chỉnh hành vi người dùng. Với mục đích đó thì có nhiều biện pháp khác về mặt kỹ thuật chứ không cần phải thu thuế. Điều này có thể dẫn đến một thực trạng là người Việt Nam hầu hết chơi game nước ngoài, còn doanh nghiệp sản xuất game Việt lại không phải cho người chơi trong nước”, ông Thắng nhận định.
Vì thế, theo ông Thắng, trách nhiệm của các Doanh nghiệp game, các Hiệp hội và Liên minh game cần làm lúc này là báo cáo đầy đủ, rõ ràng các thông tin, số liệu về hoạt động của ngành… để các Cơ quan quản lý có góc nhìn đầy đủ, từ đó, có chính sách ứng xử phù hợp.
Đứng về yếu tố quản lý, ông Tự Do cũng cho biết từ những hạn chế vừa nêu, Bộ Thông tin và Truyền thông đang xây dựng chiến lược phát triển ngành game một cách bài bản và nhất quán để cùng đồng hành.
Cụ thể, Bộ đã đứng ra để thành lập liên minh game. Đây chính là đoàn kết, tập hợp để cùng thúc đẩy ngành phát triển. Bên cạnh đó, vấn đề kết nối đầu tư cũng rất quan trọng khi trong thời gian sắp tới, sẽ có rất nhiều doanh nghiệp trên thế giới đến Việt Nam để hợp tác.
Về vấn đề chấn chỉnh Game không phép, theo Bộ Thông tin Truyền thông, có một hạn chế khách quan là sự gia tăng của Game lậu, Game xuyên biên giới, đặc biệt là khi Game Mobile phát triển thì việc cung cấp xuyên biên giới qua Google và Apple store dễ hơn bao giờ hết. Việc các Game nước ngoài thu tiền của người chơi Việt cũng ngày càng dễ.
“Với vấn đề này, chúng tôi đang đàm phán, đấu tranh với Google và Apple store để gỡ các game lậu và Game không phép. Trong 3 năm vừa qua đã gỡ khoảng 250 Game trên Google store và gần 100 Game trên Apple store cho mục tiêu doanh thu ngành Game tăng 1 tỷ USD so với mức 600 triệu USD ở hiện tại”, ông Tự Do nhấn mạnh.
Trong định hướng lâu dài, việc tăng mạnh về số lượng doanh nghiệp Game luôn được chú trọng. Cụ thể, con số 30 lên 100 thậm chí là 150 doanh nghiệp và thu hút được 400 Startups sản xuất tham gia cộng đồng, đóng góp chung cho sự phát triển ngành cũng là định hướng được đưa ra trong việc phát triển ngành Game Việt.
Song hành với đó, việc đẩy mạnh hợp tác với các trường Đại học, đưa vào giáo trình giảng dạy và trở thành một môn đào tạo chính thống cũng được lên ý tưởng triển khai khi đã đề xuất tạo một chuyên ngành giải dạy về Game cùng Học viện Bưu chính viễn thông, trước khi mở rộng thêm các trường Tôn Đức Thắng, FPT, Bách Khoa… Điều này được xem là tạo đà phát triển cho ngành Game từ nhân sự, chính sách đến cả cộng đồng cho một mục tiêu vươn tầm khu vực.