Thị trường nhạc số Việt Nam đang ở giai đoạn phát triển mạnh mẽ với nhiều tiềm năng. Trong đó, Zing MP3 vẫn là nền tảng nhạc số dẫn đầu thị trường, góp phần thúc đẩy sự phát triển của nền âm nhạc nước nhà.
Theo thông tin mới nhất từ Liên đoàn Công nghiệp ghi âm quốc tế (IFPI), năm 2022, thị trường âm nhạc toàn cầu đạt mức doanh thu 26,2 tỷ đô la Mỹ, tăng 9,0% so với năm trước đó. Đây là năm thứ 8 liên tiếp, doanh thu từ âm nhạc trên thế giới tiếp tục tăng trưởng.
Góp phần cho con số này, tổng lượng phát trực tuyến (bao gồm đăng ký trả phí và có hỗ trợ quảng cáo) vẫn đang tăng trưởng nhanh với mức tăng 11,5%, đạt 17,5 tỷ đô la mỹ. IFPI cho biết doanh thu phát nhạc trực tuyến có trả phí đã tăng 10,3% lên 12,7 tỷ USD, đồng thời cho biết thêm đã có 589 triệu người dùng tài khoản đăng ký trả phí vào cuối năm 2022. Nhìn chung, phát trực tuyến chiếm 67% tổng doanh thu âm nhạc.
Số liệu từ We are social, tính đến đầu năm 2023, Việt Nam có 77,93 triệu người sử dụng Internet, tương đương 79,1% dân số, tăng thêm 5,3 triệu người (tăng 7,3%) so với đầu năm 2022. Khảo sát này cũng cho thấy, 49,2% người dùng sử dụng internet để nghe nhạc với thời gian nghe nhạc trung bình mỗi ngày là 1 giờ 12 phút.
Một khảo sát gần đây cũng cho thấy 75% người Việt cho biết nghe nhạc hàng ngày. Đây cũng là hình thức giải trí phổ biến nhất tại Việt Nam. Trong đó, có đến 93% người được khảo sát sử dụng điện thoại di động để nghe nhạc. Khi tính năng phát trực tuyến ngày càng phổ biến, âm nhạc từ đó cũng dễ tiếp cận hơn, mở ra nhiều cơ hội với cả nghệ sĩ và người nghe.
Tại Việt Nam, bất chấp sự có mặt của các đối thủ quốc tế, các ứng dụng nội địa hiện tại vẫn đang làm chủ cuộc chơi. Với 28 triệu người dùng thường xuyên, Zing MP3 hiện tại vẫn đang dẫn đầu thị trường.
Nền tảng nhạc số này sở hữu kho nhạc khổng lồ với hơn 90% bản quyền nhạc Việt. Đây cũng là ứng dụng nghe nhạc trực tuyến duy nhất lọt top 10 ứng dụng di động có lượng người dùng hoạt động nhiều nhất tại Việt Nam, theo thống kê của We are Social.
Theo Data.ai, tính đến hết Quý 2/2023, Zing MP3 vẫn đang là ứng dụng nghe nhạc miễn phí có số lượng người dùng thường xuyên hàng đầu, được tìm kiếm và tải về nhiều nhất trên nền tảng iOS cùng Android tại thị trường Việt Nam. Cùng với Zalo, Báo Mới,… Zing MP3 là một trong những ứng dụng có trên 10 triệu người dùng theo công bố mới đây của Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam.
Có thể nói, khả năng bản địa hóa là yếu tố giúp Zing MP3 vẫn được nhiều người dùng Việt Nam yêu thích. Bên cạnh việc phát triển dựa theo thói quen nghe nhạc của người Việt, công nghệ cũng được xem là một trong những thế mạnh giúp Zing MP3 vượt qua các ứng dụng nổi tiếng toàn cầu khi mang đến trải nghiệm nghe nhạc ổn định, gợi ý các bài hát, danh sách bài hát theo đúng sở thích, cảm xúc và thời điểm. Hướng tới tối ưu hóa trải nghiệm người dùng, nền tảng này không ngừng nâng cấp các tính năng.
Gần đây, Zing MP3 đã ra mắt giao diện mới theo phong cách thiết kế tối giản, giúp tối ưu hiển thị. Một trong những điểm cộng lớn của giao diện mới là dành toàn bộ sự chú ý của người dùng vào hình ảnh của nghệ sĩ. Với những thay đổi này, trải nghiệm nghe nhạc cũng như tìm kiếm và khám phá âm nhạc của người dùng sẽ được cải thiện rõ rệt.
Người dùng cũng có thể lựa chọn chuyển tiếp giữa các bài hát bằng crossfade hoặc gapless playback. Đây là những kỹ thuật được các nền tảng phát hành âm nhạc chú ý và ứng dụng rộng rãi để duy trì mạch cảm xúc cho người nghe nhạc.
Trong khi crossfade làm mờ và hòa trộn phần cuối cùng bài hát này với phần đầu của bài hát tiếp theo thì gapless playback ngay lập tức phát bài hát mới sau âm thanh cuối cùng của bài hát trước đó mà không có khoảng chờ im lặng nào.
Trước đó, việc tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI) giúp người dùng phát nhạc thông qua ra lệnh bằng giọng nói thay vì gõ phím trên thanh tìm kiếm đã nhận được nhiều phản hồi tích cực.