NANNING, Trung Quốc, 16/09/2023 /PRNewswire/ — Phóng viên China News Service phân xã Quảng Tây: Hoàng Diễm Mai
Vườn khoa học quốc tế Trung Quốc-Malaysia trong Khu công nghiệp Khâm Châu Trung Quốc-Malaysia. Ảnh do Ban quản lý khu công nghiệp Khâm Châu Trung Quốc-Malaysia cung cấp.
Bước vào Khu công nghiệp Khâm Châu Trung Quốc-Malaysia thuộc thành phố Khâm Châu, Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, Trung Quốc, bạn sẽ thấy những con đường rộng rãi, xe cộ tấp nập, những chiếc cần cẩu làm việc cần mẫn, tiếng máy móc rầm rầm, quang cảnh nhộn nhịp của các công trình xây dựng bày ra trước mắt.
Khu công nghiệp Khâm Châu Trung Quốc-Malaysia là khu công nghiệp quốc tế thứ ba do chính phủ Trung Quốc hợp tác với chính phủ nước ngoài xây dựng. Kể từ khi được khởi công vào năm 2012, khu công nghiệp này cùng với Khu công nghiệp Kuantan Malaysia-Trung Quốc ở Kuantan, thủ phủ bang Pahang trên bờ biển phía đông của Malaysia, đã tạo nên một điển hình về sự sáng tạo trong hợp tác kinh tế giữa hai nước theo mô hình “Hai nước, hai khu công nghiệp”.
Đây là sự phản ánh sinh động về mối quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại ngày càng sâu rộng giữa Quảng Tây với các nước ASEAN. Là tỉnh duy nhất của Trung Quốc tiếp giáp với ASEAN trên đất liền và cả trên biển, cũng là cửa ngõ biên giới trao đổi, hợp tác giữa Trung Quốc và các nước ASEAN, Quảng Tây đã tận dụng được lợi thế vị trí “Một vịnh gắn kết 11 nước, tương tác tích cực Đông Tây Trung” của mình để tăng cường hợp tác kinh tế với các nước ASEAN, đẩy nhanh việc xây dựng chuỗi sản xuất và chuỗi cung ứng xuyên biên giới.
Thành phố Sùng Tả, Quảng Tây là thành phố có nhiều cảng biên giới nhất ở Trung Quốc và là “cửa ngõ phía Nam” thuận lợi nhất từ Trung Quốc vào ASEAN. Thành phố này đang đẩy mạnh xây dựng chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng xuyên biên giới hướng tới ASEAN, hợp tác sáng tạo với Việt Nam xây dựng mô hình “Hai nước, hai khu công nghiệp” Trung-Việt đầu tiên, mở ra hướng đi mới cho hợp tác đôi bên cùng có lợi giữa hai nước. Trong đó, khu công nghiệp phía Trung Quốc có tổng diện tích khoảng 1.200 mẫu, tổng vốn đầu tư theo kế hoạch là 7,5 tỷ nhân dân tệ, chủ yếu phát triển các ngành như công nghệ thông tin, tương tác giọng nói thông minh, thiết bị đầu cuối máy tính, thiết bị internet, … Hiện tại, khá nhiều doanh nghiệp đã đến khu công nghiệp này rót vốn đầu tư.
Nam Ninh, thủ phủ của Quảng Tây, là tỉnh lỵ gần ASEAN nhất của Trung Quốc, cũng là thành phố trung tâm của hợp tác Trung Quốc-ASEAN. Thành phố này đã đề xuất tận dụng lợi thế vị trí địa lí và việc mở cửa thị trường, đẩy mạnh các ngành nghề có tính bổ sung cho nhau trong chuỗi sản xuất với các nước ASEAN, đồng thời thúc đẩy xây dựng Khu hợp tác phát triển kinh tế xuyên biên giới Trung Quốc-ASEAN. Thành phố sẽ tập trung vào các ngành nghề như năng lượng mới, xe ô tô sử dụng năng lượng mới, thông tin điện tử, … Về phía tây và nam, phát triển song song với khu công nghiệp cảng biên giới Quảng Tây thông qua Hành lang kinh tế Nam Ninh-Việt Nam và Vành đai kinh tế kênh Bình Lục. Về phía đông, tăng cường hợp tác với khu vực miền Đông đồng bằng sông Trường Giang và đồng bằng sông Châu Giang, như Thượng Hải và Thâm Quyến, từ đó hình thành nên mô hình “Nghiên cứu và phát triển trong nước + sản xuất ở Nam Ninh + lắp ráp tại ASEAN”.
Trung Quốc và ASEAN là những công xưởng sản xuất quan trọng của thế giới. Sự tăng trưởng mạnh mẽ của quan hệ thương mại song phương sẽ đem lại triển vọng lớn cho sự hội nhập mạnh mẽ của chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị trong khu vực. Ông Chương Thiếu Cương, Phó Chủ tịch Ủy ban Xúc tiến Thương mại Quốc tế Trung Quốc, gần đây đã tuyên bố tại Diễn đàn Đổi mới và Phát triển Chuỗi Cung ứng xuyên biên giới Trung Quốc-ASEAN tổ chức tại Nam Ninh rằng, mối quan hệ kinh tế và thương mại giữa Trung Quốc và ASEAN đang ngày càng trở nên sâu sắc, ASEAN đã trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong 3 năm liên tiếp, hình thành nên cục diện hợp tác “Tôi ở trong bạn, bạn ở trong tôi”. Cả hai bên đều có nền tảng vững chắc và nhu cầu cấp thiết là xây dựng chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng Trung Quốc-ASEAN ổn định, hiệu quả.
Đại diện chính quyền Quảng Tây tuyên bố, Quảng Tây sẽ thực hiện chiến lược nâng cấp khu thí điểm thương mại tự do, phát triển mạnh mẽ kinh tế biển, đẩy nhanh xây dựng vành đai kinh tế kênh đào, tăng cường xây dựng Cảng thông tin Trung Quốc-ASEAN, Khu kinh tế hàng không Nam Ninh kiểu mẫu và các nền tảng mở khác, đồng thời thúc đẩy nâng cấp Hội chợ triển lãm Trung Quốc-ASEAN, Hội nghị thượng đỉnh kinh doanh và đầu tư Trung Quốc-ASEAN, đẩy mạnh xây dựng Khu hợp tác phát triển kinh tế xuyên biên giới Trung Quốc-ASEAN. Ngoài ra, Quảng Tây sẽ xây dựng cụm dự án mẫu thực hiện Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) với chất lượng cao, đẩy nhanh xây dựng chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng xuyên biên giới kết nối hiệu quả với các nước ASEAN. (Hết)