Theo Lãnh đạo UBND TP HCM và lãnh đạo UBND tỉnh Tây Ninh, tuyến đường từ Sài Gòn đến cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) sẽ xóa thế độc đạo của quốc lộ 22 hiện hữu.
Ngày 23-4, lãnh đạo TPHCM và tỉnh Tây Ninh đã có cuộc làm việc kế hoạch thực hiện dự án cao tốc TPHCM – Mộc Bài.
Công trình đường cao tốc được đề xuất đầu tư theo 2 giai đoạn theo hình thức đối tác công – tư (PPP) với kinh phí dự kiến hơn 10.000 tỷ đồng.
Giai đoạn 1 đoạn từ TPHCM đến Trảng Bàng (có lưu lượng giao thông lớn) xây dựng 4 làn xe tiêu chuẩn; đoạn còn lại từ Trảng Bàng đến Mộc Bài xây dựng quy mô 4 làn xe hạn chế.
Giai đoạn hoàn chỉnh: đoạn từ TPHCM đến Trảng Bàng xây dựng quy mô 8 làn xe; đoạn còn lại từ Trảng Bàng đến Mộc Bài xây dựng quy mô 6 làn xe.
Toàn tuyến có chiều dài 53,5 km bắt đầu từ đường Vành đai 3 (huyện Hóc Môn, TP HCM) đi song song đường sắt Tân Chánh Hiệp – Trảng Bàng (Tây Ninh). Đến khu vực ga đường sắt Gò Dầu rẽ phải, cắt qua quốc lộ 22B rồi tiếp tục rẽ phải, vượt sông Vàm Cỏ đi về phía quốc lộ 22 kết nối với cửa khẩu Mộc Bài.
THeo đó, UBND TP.HCM và tỉnh Tây Ninh cũng thống nhất gửi văn bản kiến nghị Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng cho phép TP.HCM có thẩm quyền tổ chức triển khai dự án, phối hợp thực hiện cùng Tây Ninh.
Về kinh phí bồi thường, TP.HCM và Tây Ninh đề xuất được tự lo kinh phí bồi thường (phía TP HCM khoảng 2.000 tỷ đồng, Tây Ninh 1.000 tỷ); phần kinh phí xây lắp, đầu tư còn lại gần 8.000 tỷ kiến nghị Chính phủ cho đấu thầu hoặc chỉ định thầu.
Cao tốc TP HCM – Mộc Bài được xây dựng nhằm phá thế độc đạo của quốc lộ 22, rút ngắn hành trình từ Sài Gòn đến cửa khẩu quốc tế Mộc Bài, tăng cường kết nối vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với hành lang kinh tế Đông – Tây, hệ thống đường xuyên Á qua cao tốc Phnom Penh – Bavet của Campuchia, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
Tuyến cao tốc này cũng được kỳ vọng kéo giảm tình trạng ùn tắc và tai nạn giao thông trên quốc lộ 22; tạo điều kiện phát triển các khu công nghiệp, khu chế xuất dọc tuyến trên địa bàn tỉnh Tây Ninh, đặc biệt là Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài.
Được biết, lãnh đạo UBND tỉnh Tây Ninh vừa có buổi làm việc với Tập đoàn Sungroup và doanh nghiệp này đề nghị sẵn sàng tham gia cùng với 2 địa phương là Tây Ninh và TPHCM để đẩy nhanh dự án cao tốc TPHCM – Mộc Bài.