Sáng 26-4, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) đã tiến hành Đại hội đồng cổ đông thường niên 2019, thông qua hàng loạt phương án phân phối lợi nhuận 2018, kế hoạch kinh doanh, các hoạt động đầu tư 2019.
Năm 2020 sẽ là một trong những ngân hàng thương mại mạnh
Kết thúc năm 2018, lợi nhuận trước thuế hợp nhất của Sacombank là 2.247 tỷ đồng, vượt 22,3% so với kế hoạch đã được Đại hội đồng cổ đông giao.
Tổng tài sản đạt 406.041 tỷ đồng, tăng 10% so với đầu năm.
Năm 2019, Sacombank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 2.650 tỷ đồng, tăng 18% so với năm 2018.
Tổng tài sản dự kiến đạt 455.500 tỷ đồng, tăng tối thiểu 12% so với năm 2018. Tổng nguồn vốn huy động dự kiến đạt 423.500 tỷ đồng, tăng trên 14%, trong đó huy động từ tổ chức kinh tế và dân cư đạt 418.600 tỷ đồng, tăng 17%.
Tổng dư nợ tín dụng đạt 298.100 tỷ đồng, tăng xấp xỉ 16%, trong đó cho vay khách hàng đạt 297.600 tỷ đồng, tăng 16%.
Trong đó, theo báo cáo tài chính của quý 1/2019, tổng thu nhập thuần của Sacombank đạt 3.542 tỷ đồng, tăng 51,1% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, thu nhập lãi thuần đạt 2.458 tỷ đồng, tăng 47%.
Các hoạt động kinh doanh khác cũng có sức tăng trưởng ấn tượng, thu dịch vụ đạt 642 tỷ đồng, tăng 18%; thu kinh doanh ngoại hối đạt 113 tỷ đồng, tăng 108,6%. Thu từ hoạt động khác tăng tới gần 4,5 lần, đạt 304 tỷ đồng.
Ông Dương Công Minh cho biết, qua hơn hai năm tái cấu trúc, Sacombank đang từng bước lấy lại vị thế trên thị trường, vì thế đã giảm được lãi suất huy động, tăng lãi suất cho vay, thể hiện qua kết quả kinh doanh quý I/2019 khả quan. Sacombank sẽ tiếp tục tập trung xử lý tài sản không sinh lời, nợ xấu và giúp Ngân hàng tăng trưởng cao hơn.
Năm 2019 là giai đoạn ổn định của Sacombank để từ năm 2020 là giai đoạn tăng tốc.
Về vấn đề chia cổ tức, ông cho biết hiện Sacombank còn 2.700 tỷ đồng lợi nhuận để lại, ngân hàng đã chỉnh sửa Đề án tái cấu trúc để đề nghị NHNN cho chia cổ tức sớm hơn. Bên cạnh đó, ông cũng cam kết sẽ đẩy mạnh các hoạt động để ngân hàng giảm nhanh nợ xấu và rút ngắn quá trình tái cấu trúc.
Phát biểu chỉ đạo tại Đại hội, ông Võ Văn Thuần – Phó Cục trưởng Cục Thanh tra giám sát NHNN cho biết NHNN ghi nhận những nỗ lực của Ban lãnh đạo Sacombank trong suốt thời gian qua. Những nỗ lực này đã nhận được sự tin tưởng của các tổ chức kinh tế cũng như sự đồng lòng gắn bó của các khách hàng. Bên cạnh đó, NHNN yêu cầu Sacombank tiếp tục thực hiện đề án tái cơ cấu, tập trung xử lý nợ xấu và hạn chế phát sinh nợ xấu trong tương lai.
Đã bắt đầu giảm tỷ lệ nợ xấu
Theo báo cáo, năm 2018 là năm thành công của ngân hàng khi các chỉ số tài chính, nợ xấu đều hoàn thành vượt kế hoạch.
Đặc biệt, ở lĩnh vực xử lý nợ xấu, tính đến 31.12.2018, tỉ lệ nợ xấu của ngân hàng chỉ là 2,11%; giảm mạnh 2,48 điểm % so với năm trước đó và hoàn thành kế hoạch dưới mức 3% mà đại hội đồng cổ đông đề ra.
Tổng giá trị xử lý nợ của Sacombank trong năm 2018 (bao gồm thu hồi nợ xấu, lãi dự thu và tài sản được cấn trừ) là trên 11.700 tỷ đồng.
Lũy kế từ khi triển khai Đề án tái cơ cấu, ngân hàng thu được 31.336 tỷ đồng.
Ngoài ra, Sacombank cũng đã tái sắp xếp thành công bộ máy tổ chức và nguồn nhân lực, gia tăng hiệu quả hoạt động của hệ thống mạng lưới. Bên cạnh đó, Sacombank cũng đã đẩy nhanh tiến trình thực hiện dự án Basel 2 với mục tiêu hoàn thành vào năm 2019 theo lộ trình cam kết với NHNN, song song với việc triển khai thành công các dự án công nghệ thông tin như nâng cấp hệ thống ngân hàng lõi T24 và phiên bản mới Internet banking, Mobile banking; xây dựng hệ thống quản lý quan hệ khách hàng CRM; thực hiện phần mềm khởi tạo, phê duyệt và quản lý cấp tín dụng LOS; ra mắt ứng dụng quản lý tài chính Sacombank Pay… nhằm gia tăng năng lực quản trị rủi ro cũng như mang đến các giải pháp tài chính trọn gói và ưu việt cho khách hàng. Tổ chức định mức tín nhiệm Moody’s cũng đã nâng mức đánh giá triển vọng từ “tiêu cực” lên “ổn định”.
Ông Võ Văn Thuần cho biết sau khi Ngân hàng Phương Nam sáp nhập vào Sacombank, ngân hàng vẫn đang tiếp tục tái cơ cấu. Dù năm 2017, Sacombank đạt lợi nhuận sau thuế 1.484 tỉ đồng, năm 2018 đạt 2.067 tỉ đồng nhưng ngân hàng vẫn còn khoảng 40.000 tỉ đồng nợ xấu đã bán cho Công ty quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) và phải trích lập dự phòng mỗi năm.
Theo đó, hiện nay Sacombank đã bán nợ xấu cho VAMC, nay còn 40.000 tỷ đồng vẫn phải trích lập dự phòng rủi ro. Về tài sản đảm bảo nợ xấu nữa vẫn khó xử lý khi nhiều con nợ chây ỳ, đưa ra tòa đến 2-3 năm.
Nợ bán cho VAMC bán hơn 3.000 tỷ đồng. Xử lý 9.000 tỷ đồng ở KCN Đức Hòa, còn KCN Phong Phú đang xử lý tiếp. HĐQT của Sacombank còn phải làm việc hết mình để xử lý nợ xấu và tái cơ cấu Sacombank.