Trang chủĐời sốngXây dựng Văn hóa doanh nghiệp là linh hồn và tài sản...

Xây dựng Văn hóa doanh nghiệp là linh hồn và tài sản vô giá của doanh nghiệp để phát triển đất nước

Vừa qua, Ban tổ chức Cuộc vận động “Xây dựng văn hóa doanh nghiệp Việt Nam” (BTC 248) và UBND TP.HCM chủ trì, Hiệp hội Phát triển Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam và BNI Việt Nam đã phối hợp tổ chức hội nghị triển khai cuộc vận động đến 8 tỉnh miền Đông Nam Bộ và TP.HCM vào ngày 4-10-2019. Cuộc vận động có các tỉnh thành tham gia: Bình Dương, Tây Ninh, Bình Phước, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Thuận, Ninh Thuận. Đại diện nhiều ban ngành của Quốc Hội, Chính Phủ và đông đảo cộng đồng doanh nghiệp đã đến hưởng ứng cuộc vận động do Thủ tướng Chính phủ phát động.

“Cuộc vận động đã được tổ chức tại các vùng Đông Bắc Bộ, Tây Bắc Bộ, miền Trung, Tây Nguyên, miền Tây Nam Bộ. Hôm nay, với hội nghị của 8 tỉnh, thành miền Đông Nam Bộ, đã phủ sóng đầy đủ 63 tỉnh, thành trên cả nước. Chúng tôi muốn gửi tới lãnh đạo 8 tỉnh, thành miền Đông Nam Bộ và đại diện các doanh nghiệp trong khu vực thông điệp: Xây dựng văn hóa doanh nghiệp là nền tảng để phát triển bền vững, là lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp là linh hồn của thương hiệu, đó chính là tài sản vô giá của doanh nghiệp”, ông Hồ Anh Tuấn (Ban Tổ chức 248, Nguyên Thứ trưởng Bộ VHTTDL) phát biểu tại hội nghị, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp hiện nay trong thời kì hội nhập toàn cầu. Và làm sao để văn hóa doanh nghiệp trở thành “tài sản” vô hình vô giá của doanh nghiệp Việt, tạo động lực đưa doanh nghiệp phát triển bền vững – đó là những gì ban tổ chức cuộc vận động luôn trăn trở, chia sẻ và hỗ trợ cùng các doanh nghiệp.

Ông Hồ Anh Tuấn, Trưởng Ban tổ chức 248 phát biểu triển khai cuộc vận động

Cuộc vận động xây dựng Văn hóa doanh nghiệp (VHDN) do Thủ tướng Chính phủ phát động đã được BTC 248 triển khai đến tất cả các địa phương trong cả nước cùng nhiều nội dung. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc từng nhấn mạnh doanh nghiệp chú trọng xây dựng VHDN là đang tạo dựng nền tảng cốt lõi để phát triển bền bỉ, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Và phải chú tâm xây dựng VHDN để phát huy tích cực, đẩy lùi tiêu cực trong hoạt động sản xuất, doanh nghiệp, kiên quyết nói không với hành vi vi phạm pháp luật và xâm hại đạo đức kinh doanh gây tổn thất cho xã hội. Đồng thời tạo môi trường kinh doanh lành mạnh với tinh thần thượng tôn pháp luật và khuyến khích tinh thần khởi nghiệp sáng tạo, tuân thủ các chuẩn mực quốc tế thời kỳ hội nhập…

Các Đại biểu và cộng đồng doanh nghiệp tham dự

Hội nghị lần này cũng trở nên sôi nổi với phần tọa đàm về xây dựng văn hóa doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững đất nước. Tại đây, các chuyên gia đã trả lời rất nhiều câu hỏi của các đại biểu, đăc biệt là những vấn đề liên quan đến xây dựng văn hóa trong thời kỳ 4.0. Hội nghị đặt ra các vấn đề sát thực về tiêu chí đánh giá doanh nghiệp đạt chuẩn trong xây dựng văn hóa doanh nghiệp, về sự phối kết hợp giữa Ban tổ chức 248 với chính quyền địa phương trong tổ chức, triển khai các hoạt động tiếp theo sau hội nghị này và cách thức xây dựng sự gắn kết các thành viên trong tổ chức…Cộng đồng doanh nghiệp tại hội nghị cũng cho rằng VHDN phải bắt nguồn từ văn hóa của người đứng đầu doanh nghiệp – người thuyền trưởng. Và văn hóa doanh nghiệp là phải tạo giá trị bản sắc riêng qua các nguyên tắc nhất định: không làm ăn gian dối, không lợi dụng kẻ hở của pháp luật để trốn thuế, luôn chú tâm có trách nhiệm với người lao động, tạo môi trường sống của cộng đồng cư dân nơi doanh nghiệp hoạt động tốt lên bằng thực tiễn chứ không phải hô khẩu hiệu sáo rỗng.

Ông Hồ Quang Minh (Chủ tịch BNI Việt Nam), người nhiều năm miệt mài kết nối cộng đồng doanh nghiệp tâm huyết chia sẻ rằng bên cạnh mục tiêu phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh thì việc xây dựng phát triển VHDN là điều mọi doanh nghiệp cần hết sức chú trọng. Thế nhưng, nhiều doanh nghiệp trong nước chưa nhìn thấy hết tầm quan trọng nên chưa quan tâm đến xây dựng VHDN. Do đó, cần khảo sát thực trạng VHDN tại các địa phương để có đánh giá cụ thể. Trên cơ sở đó, xây dựng tiêu chí và hỗ trợ đào tạo, tập huấn, chia sẻ kinh nghiệm xây dựng VHDN cho cộng đồng doanh nghiệp để họ có kiến thức thực sự áp dụng vào thực tế.

Tại hội nghị, ông Lê Doãn Hợp, nguyên Bộ trưởng Bộ Văn hóa – Thông tin, Thường trực BTC 248 cũng liên tục nhận được sự “thắc mắc” từ phía doanh nghiệp. Những chia sẻ chân thành xoay quanh vấn đề xây dựng văn hóa doanh nghiệp thiết thực từ thực tiễn của ông khiến nhiều doanh nghiệp rất đồng tình. Vị cựu bộ trưởng cũng trăn trở bên cạnh việc xây dựng và phát triển VHDN thì các cơ quan quản lý liên quan phải mạnh tay, kiên quyết xử lý nghiêm những doanh nghiệp cố tình làm ăn gian dối, vi phạm pháp luật, xâm hại đến môi trường… Và cũng cần tôn vinh những doanh nghiệp đề cao trách nhiệm xã hội, giữ gìn đạo đức kinh doanh, chăm lo tốt đời sống người lao động, phát triển doanh nghiệp gắn với mục tiêu phát triển Quốc gia.

Nhân dịp này BTC 248 và đại diện lãnh đạo UBND 8 tỉnh thành khu vực miền Đông Nam Bộ cũng đã ký kết kế hoạch phối hợp thực hiện triển khai Cuộc vận động ” Xây dựng Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam” do Thủ tướng Chính phủ phát động.

Đề xuất:

spot_img