Trong quyển sách “Sự trỗi dậy của phái đẹp”, Sally Helgesen & Marshall Goldsmith đã chỉ ra rằng, việc phụ nữ phấn đấu trở thành phiên bản hoàn hảo chính là tự đặt bản thân trong “cái bẫy cầu toàn”. Dám chấp nhận sai lầm và đặt gánh nặng trên vai xuống là cách kỳ diệu để bạn sống đơn giản và hạnh phúc hơn.
Sally Helgesen và Marshall Goldsmith, là những chuyên gia huấn luyên kỹ năng quản trị hàng đầu ở Mỹ. Trong quyển sách “Sự trỗi dậy của phái đẹp”, tác giả nhận thấy rằng, trong hơn ba mươi năm qua, phụ nữ đã có những bước tiến phi thường và nhanh chóng ở hầu hết mọi lĩnh vực. Nhưng phụ nữ thường tự áp đặt vào những thói quen tiêu cực, để rồi, mắc kẹt lại trong những chướng ngại vật. Thay vì trói buộc mình trong những thói quen tiêu cực, bạn có quyền lựa chọn “cởi trói” bản thân. Buông bỏ và bắt đầu thói quen mới để tiến bước xa hơn trong sự nghiệp, bởi lẽ, “phụ nữ có thể nắm giữ những vị trí quyền lực và tạo ảnh hưởng tích cực cho tổ chức và cộng đồng, nếu họ dám phá vỡ mọi giới hạn mà bản thân đang bó buộc”.
Cảm giác hổ thẹn
Ngay cả trên đỉnh cao vinh quang của sự nghiệp, nhiều phụ nữ hiện đại vẫn dễ mắc phải “cái bẫy cầu toàn”, niềm tin cho rằng, họ sẽ thành công nếu hoàn thành công việc một cách hoàn hảo. Việc phấn đấu trở nên hoàn hảo sẽ tạo ra căng thẳng cho chính phụ nữ và cho những người xung quanh.
Theo khảo sát của Viện Xã hội học chỉ ra rằng, nam giới đánh giá đời sống tinh thần của họ (chiếm 4.02%) cao hơn so với nữ giới (3.87%). Từ những số liệu thống kê, có thể thấy, nữ giới thường có nhiều áp lực cuộc sống hơn nam giới. Những người phụ nữ đang là nhà khoa học, giám đốc, doanh nhân thành đạt… thường theo đuổi hình mẫu lý tưởng. Đó là ngoài học thức cao, kiếm tiền giỏi, lãnh đạo tốt, phụ nữ còn phải đảm đang việc bếp núc, chăm chồng, nuôi con khỏe… Họ cảm thấy day dứt, hổ thẹn khi không thể nấu cho chồng, cho con những bữa ăn đều đặn khi công việc ngập đầu.
Đã từng có quãng thời gian rất dài, phụ nữ Á Đông hiện đại và phụ nữ Việt Nam cũng từng theo đuổi tiêu chuẩn “giỏi việc nước, đảm việc nhà”. Và nhiều phụ nữ thành công tự định nghĩa chính mình khi phải “làm tốt cả hai việc” và đó là một thói quen bắt nguồn từ mong muốn được trở nên hoàn hảo và bị những định kiến về giới “trói buộc”. Tệ hại hơn, nếu không hoàn thiện hai tiêu chí ấy, phái đẹp cảm thấy thất vọng, tự trách bản thân chỉ biết dành hết tâm sức cho sự nghiệp mà thiếu trách nhiệm với gia đình.
Câu hỏi đặt ra là, vậy tại sao phụ nữ lại thường bị dày vò khổ sở và dễ quy phục trước khát vọng trở nên hoàn hảo? Theo kinh nghiệm và nghiên cứu của Sally Helgesen và Marshall Goldsmith, việc phụ nữ dễ rơi vào “cái bẫy cầu toàn” có hai lý do: Những kỳ vọng theo giới bắt nguồn từ khi còn nhỏ và mức độ những kỳ vọng ấy được thể hiện tại nơi làm việc.
Tác giả Sally & Marshall chia sẻ rằng, những bất bình đẳng giới vẫn còn hiện hữu trong xã hội khi tự “mặc định” và gán lên phụ nữ định kiến. Các bé gái thường được khen khi là những đứa con gái ngoan, chăm chỉ, biết vâng lời, cư xử phép tắc đúng mực. Trong khi, bé trai được phép hành xử thoải mái hơn. “Những kỳ vọng đó thúc đẩy các bé gái tìm kiếm sự chấp thuận bằng cách phấn đầu để làm đúng mọi thứ, tránh mắc sai lầm, chú trọng đến mọi tiểu tiết. Nói cách khác là cố gắng để trở nên hoàn hảo…”, Sally & Marshall cho biết.
Chính những “cái bẫy cầu toàn” từ định kiến về giới đã ngấm ngầm, khiến phụ nữ vẫn bị kìm kịp từ cuộc sống đời thường đến chốn công sở. Chẳng hạn, nếu trong những cuộc họp với ban lãnh đạo, đàn ông thường thoải mái đưa ra những phát biểu (bộc trực, hơi ngông cuồn hoặc ngốc ngếch) thì được coi là dám nghĩ, dám làm. Ngược lại, phụ nữ nếu vạ miệng phát biểu điều gì đó ngốc ngếch thì bị xem là thiếu đúng đắn, kém chuyên nghiệp… Hay những tiêu chuẩn “ăn sâu bén rễ” như, phụ nữ phải đi đứng khép nép, nói năng nhỏ nhẹ, việc ăn to nói lớn có thể bị coi là thô lỗ, kệch cỡm… Chính những định kiến và tiêu chuẩn xã hội dè nặng khiến phái đẹp cảm thấy tội lỗi khi mắc sai lầm. Mọi hành động và lời nói của phái nữ phải tỉ mỉ và đạt đến mức hoàn hảo…
Buông bỏ gánh nặng trên vai
Với những hạn chế của con người thì việc cố gắng trở thành người hoàn hảo chính là một cái bẫy. Điều này kéo theo việc bạn phấn đấu trở thành “người vì mọi người”, khiến mọi người xung quanh cảm thấy vui vẻ. Đây được coi là thói quen làm hài lòng người khác. Một mặt, phụ nữ được khuyến khích “hãy giành lấy” và “khát khao được theo đuổi sự nghiệp”. Mặt khác, họ được cảnh báo về hậu quả của việc bỏ lỡ những hoạt động liên quan đến gia đình, con cái. Và cái gọi là tiểu chuẩn “đảm việc nước, giỏi việc nhà”, giờ đây, nó được định nghĩa với cụm từ “cân bằng công việc – cuộc sống”.
Trong quyển sách “Sự trỗi dậy của phái đẹp”, tác giả đã dẫn chứng câu chuyện về Nancy, một quản trị viên cấp cao tại trung tâm y tế ở nước Mỹ. Với sự thông minh, làm việc hiệu quả, nhiệt tình giúp đỡ bệnh nhân, sau hai năm làm việc ở vị trí lễ tân, Nancy được tiến cử vị trí quản lý hỗ trợ chăm sóc bệnh nhân. Trong suốt hai mươi năm, sự nghiệp của cô đã “thăng hoa”. Ở độ tuổi 30, cô trở thành trưởng phòng đối ngoại của toàn bộ hệ thống, phụ trách toàn bộ các dịch vụ chăm sóc sức khỏe bệnh nhân. Nhưng ngay khi đạt được đỉnh cao này, Nancy bắt đầu gặp phải những khó khăn. Bởi vì, ở cấp bậc quản lý, cô ôm đồm quá nhiều việc từ người khác mà không biết cách từ chối. Các bệnh nhân từng điều trị ở trung tâm y tế trước kia gọi điện nhờ cô hỗ trợ. Các y tá và bác sĩ thỉnh thoảng nhờ cô can thiệp khi gặp vướng mắc…
Việc phấn đầu trở nên hoàn hảo, “bạn tốt của mọi người” là một sai lầm, ngoài công việc ở văn phòng, Nancy còn ráng sức để đảm bảo chu toàn, chăm sóc cho chồng, cho con… Cô dành thời gian “không lương” từ chuyện quần áo, ăn mặc, tóc tai cho đến xe cộ, đi đứng, học hành… đều do cô lo liệu, thu xếp. Trước những chuyến công tác cả tuần, Nancy đã phải tất bật với hằng trăm thứ việc không tên tuổi. Nào là chợ búa, mua sắm thực phẩm, chế biến thức ăn rồi phân ra từng hộp nhựa, dán nhãn cẩn thận từng loại để các thành viên ở nhà cứ theo thực đơn dán sẵn trên tủ lạnh biết ngày nào phải ăn món gì. Đó là chưa kể hàng chục sticker với đủ màu sắc dán khắp nơi từ phòng khách, phòng ngủ, cho đến gian bếp, bàn ăn thậm chí cả trong… nhà tắm nữa…
Phụ nữ thành công không phải “có được tất cả” từ gia đình, sự nghiệp, tình yêu… Nó quá hoàn hảo đến mực cực đoan. Nancy đã chia sẻ cách cô vượt qua nỗi lo tiêu cực phấn đấu trở nên hoàn hảo trong mắt mọi người: “Tôi là một người cầu toàn đúng mực nhưng biết cách kiểm soát nó. Tôi học cách trao quyền cho các đồng nghiệp đảm nhận các công việc đúng chuyên môn của họ, sắp xêp các ưu tiên và thoải mái đón nhận những rủi ro. Mỗi thời điểm, tôi thực sự tập trung 100% vào một thứ. Tôi phải chấp nhận thực tế là mình không phải người hoàn hảo và cho gia đình tôi biết lịch trình công việc để mỗi thành viên trong gia đình cùng nhau thu xếp làm phần của họ. Bây giờ, trong công việc và cuộc sống, tôi cảm thấy rất thoải mái. Cân bằng đôi khi chỉ cần làm tốt một việc mà thôi. Việc tìm cách đặt gánh nặng của mình xuống là điều thiết yếu hơn bao giờ hết”.
Một người phụ nữ không cần phải cân bằng giữa sự nghiệp và gia đình. Hoặc không phải những gì sẽ làm hài lòng người khác, không phải những gì bạn làm sẽ khiến mọi người nghĩ bạn là người tuyệt vời nhất. Từ trong sâu thẳm trái tim mình, điều bạn mong muốn trở thành và đạt được trong cuộc sống mới là điều quan trọng.
Nếu có khuynh hướng cầu toàn, việc tốt nhất bạn có thể làm để phục vụ cho lợi ích lâu dài của chính mình là học cách trao quyền cho đồng nghiệp, người thân… để đặt gánh nặng của mình xuống. Khổ đau không phải do số phận hay người khác tạo ra mà do chính mình, biết buông bỏ, bạn sẽ sống đơn giản và hạnh phúc hơn.