Trang chủĐời sốngGiá thịt heo tăng, người nuôi vẫn ngại tái đàn vì nhiều...

Giá thịt heo tăng, người nuôi vẫn ngại tái đàn vì nhiều “nỗi lo”

Giá heo hơi liên tục tăng nhưng đa số người chăn nuôi vẫn chưa dám mạnh tay trong tái đàn vì đầu tư vào chăn nuôi heo trong giai đoạn hiện nay dễ gặp rủi ro về thị trường và nhất là nguy cơ tái phát dịch tả heo châu Phi còn quá lớn. Cùng với đó là những “nỗi lo” muôn thuở của nghề nuôi heo qua câu chuyện của ông Nguyễn Khắc Thanh – chủ trại heo tại Bầu Đá, Bắc Sơn, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai. 

Ông Nguyễn Khắc Thanh – chủ trại heo tại Bầu Đá, Bắc Sơn, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai

Giá heo tăng cao

Khảo sát tại Đồng Nai, hiện giá heo hơi xuất tại trại dao động từ 90-92 ngàn đồng/kg, tăng từ 4-6 ngàn đồng/kg so với tuần trước. Giá heo ở các tỉnh miền Trung, miền Bắc còn tăng cao hơn với cùng lý do là nguồn cung vẫn khan hiếm. 

Theo một số thương lái kinh doanh heo tại Đồng Nai, giá heo hơi tăng cao do thiếu hụt nguồn cung không phải là cơ sở để đảm bảo mặt hàng này sẽ mãi ở giá cao. Việc giá heo hơi tăng quá cao như hiện nay là bất lợi rất lớn với ngành chăn nuôi trong nước vì giá cao là nguyên nhân khiến sức tiêu thụ mặt hàng này chậm lại. Đây cũng là cơ hội cho thịt heo đông lạnh và gần đây là heo sống từ Thái Lan nhập khẩu tăng mạnh vào thị trường Việt Nam.

Về các giải pháp “giải cứu” khi mặt hàng heo hơi rớt giá cũng như đang đứng ở mức quá cao như hiện nay theo cả doanh nghiệp và người chăn nuôi. Nhà nước nên để cho quy luật cung – cầu tự chi phối lẫn nhau. Ở đây, cách làm căn cơ nhất là phải thay đổi từ ý thức sản xuất của người chăn nuôi về việc đầu tư con giống tốt, tham gia chuỗi, chăn nuôi an toàn, sản phẩm truy xuất được nguồn gốc… để tăng sức cạnh tranh.

Còn theo nhiều chủ trại heo, khó khăn không nhỏ trong việc tái đàn hiện nay là đàn giống giảm quá mạnh và không dễ phục hồi trong một sớm một chiều. Người chăn nuôi nhỏ lẻ hiện không đủ điều kiện và cũng không còn nguồn vốn để gầy dựng lại đàn heo. Thực tế, chỉ một vài trang trại quy mô vừa và nhỏ tham gia tái đàn nhưng vẫn “đếm trên đầu ngón tay” vì tình hình tái phát dịch tả heo châu Phi còn rất phức tạp.

“Nỗi lo” nghề nuôi heo

Một chủ trại heo có nhiều năm gắn bó với nghề là ông Nguyễn Khắc Thanh (ngụ tại Bầu Đá, Bắc Sơn, Trảng Bom, Đồng Nai) cho biết giá heo hơi thời gian này tăng, thương lái giành nhau mua nên ông khá phấn khởi. Mặc dù “nỗi lo” muôn thuở của người chăn nuôi là giá cám, thực phẩm, heo giống, lãi vay ngân hàng… cũng ở mức rất cao. Nhưng với giá heo hiện nay thì người chăn nuôi đã vớt lại được chút vốn và có lời, không phải bán lỗ nặng, heo bán đổ bán tháo như trước kia.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Khắc Thanh, nghề nuôi heo hiện nay như “đánh bạc” mà người nuôi không cầm chắc phần thắng. Do giá heo giống tăng quá cao, nguồn vốn để tái đàn hay đầu tư một trại chăn nuôi mới tăng gấp đôi, gấp ba so với trước đây. Thực tế, một số chủ trại lại trắng tay khi vừa tái đàn, heo bất ngờ chết hàng loạt vì dịch bệnh. 

“Người nuôi heo rất sợ tái diễn như thực trạng năm 2017, khi đó tình hình chăn nuôi biến động, giá cả heo thấp đến mức không đủ để tính lời. Chính bản thân tôi khi đó đã lâm vào cảnh trắng tay khi giá heo mỗi ngày một xuống, buộc phải bán heo khi giá còn 28 ngàn đồng/kg”, ông Nguyễn Khắc Thanh cho biết. 

Cũng theo ông Thanh, hiện nay nghề nuôi heo còn gặp phải khó khăn về mặt bằng chăn nuôi ngày càng bị thu hẹp. “Mấy năm trước, khi thực hiện chính sách xây khu đô thị mới, phường mở chiến dịch “xanh – sạch” nơi tôi đang nuôi heo. Thông báo tạm ngưng hoạt động nuôi heo tư nhân trong khu vực khiến tôi mất đi trang trại chỉ bán được bầy heo đang nuôi dở, chẳng biết bắt đầu từ đâu”, ông Thanh bùi ngùi chia sẻ.

Cùng với đó là nỗi lo về sự tụt hậu trong công nghệ chăn nuôi, vì theo ông Thanh: “Các công ty, tập đoàn lớn nuôi heo bằng máy móc dây chuyền, cám công nghiệp thì tôi nuôi heo bằng việc mỗi ngày đến công ty lấy thức ăn thừa, pha thêm công thức rồi nấu lên cho heo ăn. Người ta nuôi heo 4 tháng đã bán được đợt heo, còn tôi thì phải tận 6 tháng”. 

Tuy nghề nuôi heo vất vả và bấp bênh, nhưng với những chủ trại heo như ông Nguyễn Khắc Thanh nó là ân nhân giúp thoát nghèo và tạo nguồn thu nhập nuôi sống gia đình. “Hơn 35 năm thăng trầm với nghề nuôi heo, tôi tin rằng ai có đam mê và tâm huyết thì sẽ vượt qua. Ngay như tôi cũng có lần thất bại, nhưng cũng có khi được “trời thương” cho con heo Nái (heo mẹ đẻ rồi) đẻ đến 17 lứa…”, ông Thanh kể.  

Thiết nghĩ, để chăn nuôi trong nước không bị yếu thế khi bước vào hội nhập, Nhà nước cần có nhiều chính sách hỗ trợ như cho vay vốn với lãi suất thấp, hỗ trợ về mặt kỹ thuật và thú y, có các giải pháp về thị trường đảm bảo cho người chăn nuôi có lợi nhuận đủ để tái tạo sản xuất và phát triển.

Hồng Hạnh

Đề xuất:

spot_img