Ngày 28/10, liên danh phát triển dự án điện gió ngoài khơi La Gàn công suất 3,5GW bao gồm tập đoàn Copenhagen Infrastructure Partners (CIP), Công ty Cổ phần Năng lượng Dầu khí châu Á và Công ty TNHH Novasia Energy, đã ký kết hai hợp đồng khảo sát địa điểm chính trị giá khoảng 5 triệu USD bao gồm: Hợp đồng LiDAR Nổi và hợp đồng Đánh giá Tác động Môi trường và Xã hội (ESIA). Lễ ký kết có sự chứng kiến của Đại sứ Đan Mạch và đại diện các cơ quan ban ngành tại Việt Nam.
Hợp đồng LiDAR Nổi được trao cho AXYS Technologies, một công ty công nghệ hàng đầu thế giới với 46 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực giải pháp dữ liệu gió và đại dương. AXYS sẽ hợp tác với các số nhà thầu phụ Việt Nam, bao gồm Petrosetco, Cảnh sát biển Việt Nam và Rynan Technologies để thực hiện hợp đồng. Thông qua hợp đồng này, dự án La Gàn sẽ bắt đầu triển khai lắp đặt thiết bị đo sóng và gió công nghệ tiên tiến nhất ở ngoài khơi tỉnh Bình Thuận và sẽ trở thành một trong những dự án quy mô lớn đầu tiên đo điều kiện sóng và gió trong khu vực.
Hợp đồng Đánh giá Tác động Môi Trường và Xã hội (ESIA) được trao cho tập đoàn NIRAS, một tập đoàn có công ty mẹ tại Đan Mạch với nhiều kinh nghiệm đánh giá các tác động môi trường và xã hội cho các dự án điện gió ngoài khơi trên toàn cầu. NIRAS sẽ hợp tác chặt chẽ với các nhà thầu phụ Việt Nam bao gồm Công ty Cổ phần Tư vấn Xây dựng Điện 3 (PECC3), Viện Dầu khí Việt Nam – Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển An toàn và Môi trường Dầu khí (VPI-CPSE), Công ty TNHH Dịch vụ Nghiên cứu & Du lịch Hoang dã (Bird Việt Nam) và Trung tâm Hỗ trợ Giá trị Bản địa và Môi trường Bền vững (CHIASE). NIRAS và các nhà thầu phụ Việt Nam sẽ cùng thu thập dữ liệu, mô hình hóa kết quả và thiết kế các giải pháp để giảm thiếu tối đa bất kỳ tác động tiêu cực nào của dự án La Gàn lên môi trường và xã hội, đồng thời đảm bảo dự án được thực hiện theo các tiêu chuẩn quốc tế cao nhất.


Ông Kim Højlund Christensen, Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam phát biểu “Tôi rất vui mừng khi chứng kiến việc ký kết hợp đồng LiDAR nổi và hợp đồng ESIA hôm nay. Việc ký kết này đánh dấu bước ngoặt quan trọng không chỉ đối với dự án điện gió ngoài khơi La Gàn, mà còn đối với sự phát triển không ngừng của ngành năng lượng tái tạo tại Việt Nam. Tôi tin rằng sự hợp tác giữa các công ty quốc tế có kinh nghiệm hàng đầu thế giới và các công ty Việt Nam uy tín sẽ góp phần to lớn vào việc chuyển giao kiến thức trong lĩnh vực điện gió ngoài khơi tại Việt Nam. Một trong những khuyến nghị chính trong Báo cáo ‘Lộ trình Phát triển Điện Gió Ngoài Khơi tại Việt Nam’ của Cục Năng lượng Đan Mạch là Chính phủ Việt Nam nên cho phép triển khai một vài dự án thí điểm trên quy mô lớn theo giai đoạn để kích hoạt ngành công nghiệp này. Dự án điện gió ngoài khơi La Gàn với công suất ước tính 3,5 GW chắc chắn là một lựa chọn tốt để Chính phủ Việt Nam đưa vào Quy hoạch Phát triển Điện 8, không chỉ để tạo động lực khởi đầu tốt cho cả ngành công nghiệp mà còn thể hiện sự quan tâm tích cực và mạnh mẽ của Chính phủ trong nỗ lực chuyển đổi ngành năng lượng Việt Nam theo hướng xanh và bền vững hơn.”
Vào đầu năm nay, dự án đã đệ trình lên cơ quan chức năng đơn xin cấp giấy phép để tiến hành các hoạt động khảo sát trên bờ và ngoài khơi. Từ đó đến nay, dự án đã tiến hành các hoạt động gọi thầu dịch vụ từ các nhà cung cấp nước ngoài và Việt Nam. Việc ký kết hai hợp đồng quan trọng này cho thấy dự án đã sẵn sàng bắt đầu công việc ngay khi được chính phủ Việt Nam cấp giấy phép.


‘Việc hiểu rõ các đặc điểm tại nơi thực hiện dự án là rất quan trọng để hoàn thiện ý tưởng thiết kế và đảm bảo hướng phát triển đúng đắn của một dự án điện gió ngoài khơi. Chúng tôi rất vui mừng khi ký kết hợp đồng LiDAR Nổi và ESIA với AXYS và NIRAS, những chuyên gia hàng đầu thế giới trong lĩnh vực điện gió ngoài khơi. Chúng tôi cũng rất ủng hộ sự tham gia của các nhà thầu phụ Việt Nam như Petrosetco, Cảnh sát biển Việt Nam, PECC3 và VPI-CPSE, nhằm phát triển chuỗi cung ứng địa phương và tạo điều kiện cho việc chuyển giao kiến thức. Việc ký kết các hợp đồng khảo sát thực địa trị giá hàng triệu đô la ngày hôm nay là minh chứng cho sự cam kết nghiêm túc của CIP, Asiapetro và Novasia trong việc phát triển dự án gió ngoài khơi La Gàn. Với sự hỗ trợ của các đối tác và nhà thầu trong nước, chúng tôi tự tin sẽ phát triển một dự án gió ngoài khơi đẳng cấp thế giới theo tiêu chuẩn cao nhất của ngành công nghiệp này tại Việt Nam’, ông Michael Hannibal, thành viên sáng lập CIP cho biết.
Kể từ khi ký Biên bản ghi nhớ với Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Thuận vào tháng 7 năm 2020, dự án điện gió ngoài khơi La Gàn đã tích cực đẩy mạnh các hoạt động, bao gồm cả việc chuẩn bị cho công tác khảo sát thực địa, cũng như xin bổ sung vào Quy hoạch Phát triển Điện 8 và phê duyệt giấy phép khảo sát. Với vốn đầu tư ước tính lên tới 10 tỷ USD và công suất 3,5 GW, dự án này là một trong những dự án điện gió ngoài khơi quy mô lớn đầu tiên tại Việt Nam. Dự án sẽ tạo cơ hội việc làm đáng kể cho cả Bình Thuận và Việt Nam, đồng thời sẽ là tiền đề thu hút các nhà đầu tư nước ngoài khác vào các dự án điện gió ngoài khơi tại Việt Nam.
Các thông tin tham khảo
Chương trình Đối tác Năng lượng Đan Mạch-Việt Nam
- Năm 2013, Việt Nam và Đan Mạch đã ký một thỏa thuận hợp tác dài hạn với mục đích thúc đẩy quá trình chuyển đổi ở Việt Nam sang nền kinh tế ít các-bon. Chương trình do chính phủ Đan Mạch tài trợ và Cục Năng lượng Đan Mạch quản lý.
- Cục Năng lượng Đan Mạch hợp tác với Bộ Công Thương tại Việt Nam thông qua Chương trình Hợp tác Đối tác Năng lượng (DEPP) giữa Việt Nam và Đan Mạch. Giai đoạn hai của chương trình bắt đầu từ năm 2017 đến năm 2020 sẽ bao gồm các hoạt động hợp tác trong các lĩnh vực tiết kiệm và sử dụng năng lượng hiệu quả trong các ngành công nghiệp, tích hợp năng lượng tái tạo vào lưới điện và mô hình kịch bản dài hạn cho lĩnh vực năng lượng.
- Giai đoạn tiếp theo DEPP III sẽ là một chương trình 5 năm (2020-2025) được dự định bắt đầu từ tháng 11 năm 2020. Giai đoạn này sẽ có một hợp phần điện gió và một chuỗi các công việc tập trung vào phát triển các cơ chế khuyến khích kinh tế để cải thiện việc sử dụng năng lượng có hiệu quả trong các ngành công nghiệp tại Việt Nam.
- Trung tâm Hợp tác Toàn cầu của Cục Năng lượng Đan Mạch là đối tác với 16 quốc gia, nơi sản sinh hơn 60% tổng lượng khí thải CO₂ toàn cầu. Mục đích là để chia sẻ kinh nghiệm của Đan Mạch về việc hình thành một hệ thống năng lượng kết hợp giữa nguồn cung cấp năng lượng xanh, ít carbon, đáng tin cậy với tăng trưởng kinh tế.
Để biết thêm thông tin về các hoạt động của Đan Mạch tại Việt Nam, vui lòng truy cập: http://vietnam.um.dk/; https://www.facebook.com/dkvietnam
Dự án điện gió ngoài khơi La Gàn
Ngày 22 tháng 7 năm 2020, Copenhagen Infrastructure Partners (CIP), thay mặt quỹ CI New Markets Fund I, cùng với Asiapetro và Novasia Energy, đã ký Biên bản ghi nhớ (MOU) với Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Thuận để phát triển dự án điện gió ngoài khơi tỉnh Bình Thuận, La Gàn với công suất dự kiến 3,5 GW. Việc ký kết diễn ra trong khuôn khổ Diễn đàn Cấp cao về Năng lượng Việt Nam 2020 và có sự chứng kiến của nhiều lãnh đạo cấp cao thuộc các cơ quan bộ ban ngành Trung ương và cộng đồng doanh nghiệp.
CIP là nhà đầu tư hàng đầu thế giới trong lĩnh vực điện gió ngoài khơi và đã huy động được hơn 12 tỷ đô la Mỹ thông qua một số quỹ tập trung vào năng lượng tái tạo, bao gồm quỹ CI IV gần đây nhất, đã được lập ra với mục tiêu trở thành quỹ năng lượng tái tạo lớn nhất thế giới. Với Quỹ Thị trường mới I (CI New Markets Fund I), CIP nhắm vào các nền kinh tế mới, đang phát triển nhanh và hiện đang tập trung mạnh vào Việt Nam.
Với công suất tiềm năng là 3,5 GW, dự án điện gió ngoài khơi La Gàn là một trong những dự án điện gió ngoài khơi quy mô lớn đầu tiên tại Việt Nam. Dự án rất có thể sẽ nâng tầm vị thế của Việt Nam trong lĩnh vực năng lượng tái tạo trong khu vực và trên thế giới.
Copenhagen Infrastructure Partners (CIP)
Copenhagen Infrastructure Partners là một tập đoàn Đan Mạch chuyên đầu tư và phát triển các cơ sở hạ tầng năng lượng. Được thành lập vào năm 2012, CIP hiện là tập đoàn dẫn đầu thế giới, nhà tiên phong trên thị trường toàn cầu và nhà đầu tư lớn nhất với các dự án tập trung vào cơ sở hạ tầng năng lượng chuyên dụng. CIP có khoảng 110 nhân viên với các văn phòng tại Copenhagen, New York, London, Utrecht và Tokyo.
CIP điều hành bảy quỹ với tổng giá trị nhiều tỷ USD vốn cam kết. Các quỹ hiện đã thực hiện hơn 20 danh mục đầu tư vào các tài sản cơ sở hạ tầng năng lượng quy mô lớn với tổng công suất gần 8GW trên khắp Hoa Kỳ, Anh, Đức, Tây Ban Nha và Đài Loan. Ngoài ra, quỹ cũng đang có hơn 15 dự án cơ sở hạ tầng năng lượng đang trong quá trình chuẩn bị quyết định đầu tư cuối cùng và dự kiến sẽ khởi công trong vòng 2-3 năm tới.
Để biết thêm thông tin về CIP, vui lòng truy cập: http://cipartners.dk/about/