Trang chủĐời sốngGiải bài toán nhà ở giá rẻ cho người lao động thu...

Giải bài toán nhà ở giá rẻ cho người lao động thu nhập thấp

Tại Hội thảo “Phát triển nhà ở giai đoạn 2021-2025: Phân khúc nào phù hợp?” do Hiệp hội Bất động sản Việt Nam chủ trì, Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam tổ chức ngày 24/12 tại TP.HCM, ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam đánh giá tại TP.HCM, phân khúc nhà ở giá rẻ (dưới 25 triệu đồng/m2) đã biến mất, còn tại Hà Nội, tỷ trọng của phân khúc này cũng rất thấp (khoảng 10%).

Báo cáo của Hiệp hội bất động sản Việt Nam cho thấy, tại TPHCM, trong quý 3/2020, giá căn hộ tăng mạnh từ 15-20% so với quý 2/2020. Ở phân khúc trung cấp, nếu so với quý 4/2018 thì quý 3/2020, giá bán tăng 1,43 lần. Thậm chí, tại một số dự án, giá còn tăng gấp gần 2 lần. Tính chung 9 tháng đầu năm 2020, TPHCM có hơn 16.000 sản phẩm bất động được giao dịch, tỉ lệ hấp thụ trung bình đạt 75%. Điều này đã tạo nên cơn sốt cho thị trường khu vực.

Theo ông Nguyễn Mạnh Hà, trong khoảng thời gian rất ngắn, mặt bằng giá mới tại TPHCM đã được thiết lập. Các dự án thuộc phân khúc bình dân đã biến thành phân khúc trung cấp, dự án thuộc phân khúc trung cấp biến thành cao cấp… Đáng nói ở đây, sự thay đổi phân khúc là vì tăng giá chứ không phải vì tăng chất lượng của dự án cho phù hợp.

Với thực trạng trên, đại bộ phận người dân – là những người có thu nhập thấp như cán bộ, công nhân viên, người lao động đang mất dần khả năng sở hữu nhà ở.

Để giải bài toán nhà ở giá rẻ cho người lao động thu nhập thấp, ông Huỳnh Thanh Khiết, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM cho biết, trong 5 năm tới thành phố sẽ đa dạng hóa các phương thức đầu tư xây dựng; ưu tiên sử dụng vốn ngân sách để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội thuộc sở hữu nhà nước để cho thuê. TPHCM cũng rà soát, sử dụng quỹ đất 20% quỹ đất ở trong các dự án nhà ở thương mại trên 10 ha để thúc đẩy triển khai đầu tư xây dựng, tạo lập quỹ nhà ở xã hội cho thành phố.

Bên cạnh đó, để phát triển nhà ở cần chuyển đổi mô hình nhà ở từ thấp tầng sang nhà ở cao tầng hiện đại. Khuyến khích bằng cơ chế và chính sách mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng nhà ở, đặc biệt đối với nhà ở xã hội.

Đưa ra giải pháp về vấn đề liên quan đến tài chính, TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho biết, không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới, người nghèo vẫn là đối tượng khó tiếp cận nhà ở nhất.

Chính vì vậy, nhiều nước phải thành lập cơ quan nhà ở quốc gia. Việt Nam cũng nên quan tâm đến động lực cho nguồn cung và quan tâm đến nhà cho thuê chứ không chỉ bán. Hơn nữa, cần phải đưa chương trình phát triển nhà ở thương mại giá rẻ vào trong chiến lược phát triển dài hạn.

Đề xuất:

spot_img