“Khi họ hỏi định hướng về tương lai của mình là gì, mình nói là muốn đem công ty này tới mức định giá 50 triệu USD. Họ bật cười, ha ha ha, giống như bạn vừa chia sẻ một cái gì đó ấp ủ bao nhiêu lâu, mà người ta cười vào mặt. Ức mà mình phải kiềm chế”, Thảo nhớ lại. “Mình chỉ hỏi lại bình thường: Có gì để mà cười đâu. Tới hồi đi ra thang máy, vừa đóng cửa lại bấm nút là mình bật khóc”.
Trong tập Shark Tank Việt Nam phát sóng mới đây, nhiều khán giả ấn tượng bởi Cathy Thảo Trần (Trần Phan Thanh Thảo) – CEO của ứng dụng hỗ trợ tìm nhà trọ Ohana. Mô hình Ohana được đánh giá là ý tưởng tốt, nhưng còn nhiều lỗ hổng, Shark Phú thậm chí còn nói như đinh đóng cột: “Mô hình kinh doanh này anh khẳng định luôn là thất bại”, tuy vậy, vẫn kèm theo chữ nhưng: “Nhưng anh vẫn đầu tư vào em”.
Vậy startup của Thảo có thật là sẽ… chết chắc và được đầu tư chỉ vì có CEO xinh đẹp? Cathy Thảo Trần ngoài đời thực như thế nào, có “bánh bèo” như hình ảnh trên Shark Tank Việt Nam? Chúng tôi đã có cuộc gặp gỡ với Cathy Thảo Trần, nghe cô kể về những nỗ lực trong quá khứ cũng như với Ohana hiện tại.
Thời phổ thông từng ở trạm xe lửa vì hết tiền, ăn socola giảm giá sống qua ngày…
Trần Phan Thanh Thảo sinh năm 1991, học lớp 10 tại chuyên Lê Hồng Phong TPHCM. Năm 16 tuổi, cô rời Việt Nam để tiếp tục học phổ thông tại Úc.
“Mình học lớp 11, 12 bên Úc, lúc đó gia đình chi trả. Nhưng rồi gia đình mình trải qua một thời gian khó khăn về kinh tế, từ lớp 12 trở đi mình phải xin học bổng. Trong quá trình mình học thì có lúc mình đi làm để tự trang trải tài chính”, Thảo kể.
9x cho biết có một thời gian ở Úc cô từ chối sự giúp đỡ của gia đình: “Không có tiền đóng tiền nhà và không có việc làm, mình ở trạm xe lửa trong 1 tuần. Chiều chiều khi hệ thống siêu thị đóng cửa, thải đồ ăn ra, mình đi lấy đồ ăn. Ngoài ra mình còn ăn socola giảm giá bán 99 cent một bịch. Mà điện thoại về nhà thì cứ: Con vẫn ổn”.
Thảo cho hay khoảng thời gian khó khăn đó tạo nên con người cô bây giờ: “Khổ tận cùng luôn, bây giờ mình có phong thái luôn luôn phải chạy, nếu không chạy thì mình sẽ trở lại cái thời gian đó”.
Trần Phan Thanh Thảo
Khi đi học văn học ở Mỹ, Thảo làm thêm nhiều việc, như đi dạy văn, kèm sinh viên trong trường viết luận án. Cô còn từng đi thu mua sách cũ của học sinh vào cuối học kỳ để bán lại vào học kỳ sau với giá cao. “Cũng có thể nói đó là dự án đầu tiên của mình. Chỉ là bản năng sinh tồn thôi”, Thảo nói.
Dự án lớn đầu tiên của Thảo là về gia công phần mềm. “Trong khu mình ở có một nhóm bạn người Việt, làm kỹ sư phần mềm. Mọi người ngồi với nhau, nhận ra là kỹ sư phần mềm ở Việt Nam rất giỏi và chăm chỉ, trong khi những công ty ở Mỹ cần rất nhiều người giỏi như vậy”.
Một công ty nhỏ được thành lập, làm cầu nối giữa 2 bên. Dự án đó kéo dài 2 năm. “Tụi mình có một hợp đồng khá lớn với IBM, giá trị khoảng nửa triệu USD”.
“Mình không muốn sống tới năm 40 tuổi mà không nhìn thấy tầm ảnh hưởng của mình là gì”
Nhưng ăn nên làm ra như thế, tại sao dự án đó lại kết thúc? Thảo cho hay: “Bởi vì mình nhận ra đó không phải là chỗ của mình. Khi làm phần mềm cho người khác, thì chỉ làm cho người khác thôi. Tụi mình lúc nào cũng muốn có một sản phẩm của riêng mình. Mình đưa ra kế hoạch cho nó, phát triển nó, nuôi nó, và để tạo ra một tầm ảnh hưởng với người xung quanh”.
Theo lời Thảo, khi làm trong thế giới gia công phần mềm sẽ rất khó làm chuyện đó, vì không nhìn thấy được đầu ra: “Bạn gửi cái sản phẩm là xong, bạn không nhìn thấy nó nữa. Bạn chỉ thấy là, OK, khách hàng happy”.
“Mình muốn nhìn thấy tầm ảnh hưởng. Mình sống vì những khoảnh khắc như vậy, thấy được mình đang có một tác động đến cuộc sống hàng ngày của người khác”, Thảo nói.
Đi gọi vốn, bị cười vào mặt
Ohana ra đời vào dịp Tết Nguyên Đán năm ngoái, khi Thảo và các bạn vừa kết thúc dự án cũ. Ý tưởng về ứng dụng hỗ trợ được nảy sinh và cả team vô tình đều tâm huyết với vấn đề đó. Bản MVP đầu tiên được hình thành chỉ trong 2 tuần, vậy là bắt đầu.
Rút kinh nghiệm trong quá khứ từng nảy ra 5 ý tưởng cho những sản phẩm khác rồi nhưng đem ra thị trường “không có ma nào xài”, Thảo đặt ra một cột mốc: Nếu trong 1 tháng mà có 500 người sử dụng thì mới tiếp tục.
“Cứ mỗi khi làm cái gì thì mình hay đặt cho mình cái cột mốc như vậy, đạt được cột mốc đó thì mới làm tiếp. Để không đi vô cái sai lầm là làm ra cái gì đó mà không ai xài”, Thảo cho biết.
1 tháng sau đó, số người dùng đạt 2000.
Thảo cho hay 3 tháng sau, Ohana được đầu tư bởi 1 quỹ đầu tư Singapore. Sau đó nữa, qua hàng tháng trời liên tục gọi vốn mà không có kết quả, đến tháng 3/2018, bước ngoặt xảy đến với Ohana khi có một nhà đầu tư thiên thần quan tâm. Tới hiện tại, Ohana đã gọi vốn được 450.000 USD, khoảng chừng 9 tỷ đồng.
Gọi được khoản tiền đó trong chỉ hơn 1 năm, tuy nhiên, Thảo không cho quá trình gọi vốn của mình là “thuận lợi”.
“Khi đi qua trải nghiệm đó thì không thấy thuận lợi. Có nhiều lúc mình thấy cực kỳ bế tắc, cứ không biết tại sao mọi chuyện không tiến triển được”, Thảo nói, “Mình cứ liên tục nói chuyện với hơn 60 người thì mới có 1 cái Yes, trước đó toàn No No No”.
“Nhớ một lần mình đi gọi vốn, mình vô phòng của một quỹ đầu tư có 2 bác trung niên, rất thành công trong lĩnh vực xây dựng. Khi họ hỏi định hướng về tương lai của mình là gì, mình nói là muốn đem công ty này tới mức định giá 50 triệu USD.
Họ bật cười, ha ha ha, giống như bạn vừa chia sẻ một cái gì đó ấp ủ bao nhiêu lâu, mà người ta cười vào mặt, ức mà mình phải kiềm chế”, Thảo nhớ lại.
“Mình chỉ hỏi lại bình thường: Có gì để mà cười đâu. Tới hồi đi ra thang máy, vừa đóng cửa lại bấm nút, là mình bật khóc.
Đấy là cái lần mình nhớ nhất là mình khóc, còn ngoài ra mình không khóc nhiều”, cô nói.
Thảo cho hay cái khó khi đi gọi vốn, đó là vì mặt nhìn trẻ và non, nên tiền không nhận được mà toàn nhận được… lời khuyên.
“Với một gương mặt mà trẻ thì lúc nào đi đâu người ta cũng cho mình lời khuyên hết. Mà những lời khuyên đó có thể đúng có thể sai, có thể áp dụng được có thể không”, Thảo cho hay.
Theo Thảo, đó là giai đoạn khó nhất của cô, vì phải đấu tranh tư tưởng, tự nghi ngờ mình.
“Mình có thực sự thiếu kinh nghiệm hay không, mình có thực sự không biết gì hay không. Mà rõ ràng mình đã tới được chừng nấy người dùng (Ohana lúc đó đã có 35.000 người dùng – PV). Cái đó tạm gọi là tin vô mình, tìm đâu đó trong đây có một cái niềm tin. Tiếp tục đi và mặc cho người khác nói gì”, Thảo nói.
9x cho biết từ khi ngộ ra điều đó, những cuộc gặp mặt với nhà đầu tư trở nên khác đi: “Mình phản biện lại được, mình biết là mình đúng”.
“Tiếp tục đi, mặc cho người khác nói gì”
Khi được hỏi suy nghĩ gì về câu nói của Shark Phú – “Mô hình kinh doanh này anh khẳng định luôn là thất bại”, Thảo cho hay cô đón nhận những nhận xét của chủ tịch Sunhouse “trên tinh thần vui vẻ”.
“Shark Phú là người từng trải trong thương trường. Mình hay xem những chia sẻ của bác ấy về khởi nghiệp, những khó khăn mà bác ấy gặp phải. Nhưng mà khi bác ấy “bổ” cho mình một câu như thế, mình ngạc nhiên. Bản thân bác ấy đã trải qua những khó khăn, có thời gian bị những người xung quanh nói như vậy thì tại sao lại nhận xét như thế với người khác”.
“Nhưng mình hy vọng 1 ngày nào đó có thể gặp lại Shark Phú”, Thảo cười.
Từ chối Shark Phú, Ohana về đội của Shark Dzung và Shark Hồng Anh
Còn về những lỗ hổng của mô hình mà các “cá mập” chỉ ra, như sự bắt tay giữa chủ trọ và người đi thuê, hay khó khăn trong việc thu phí hoa hồng… mà chưa được giải thích thuyết phục trên 15 phút trên Shark Tank, Cathy Thảo Trần nói: “Đó là những lỗ hổng, nhưng về mặt lý thuyết”.
Cô minh họa chuyện chủ nhà bắt tay với người đi thuê: “Thí dụ bạn đi Grab, về mặt lý thuyết thì người đi xe có thể đi luồng hệ thống gặp người lái xe. Nhưng trên thực tế, tần suất xảy ra rất thấp”. Cô cho hay khi Ohana đã tạo được 1 thương hiệu tốt, kèm theo dịch vụ tốt đồng hành với sinh viên thì những điều đó rất ít xảy ra.
Khi được hỏi về sự khác biệt của mô hình Ohana với những ứng dụng hiện có trên thị trường, 9x nói: “Trên thị trường bây giờ, chưa có ứng dụng nào về thuê nhà cả, toàn là đăng tin”.
Thảo cho biết mong muốn mang đến trải nghiệm thuê nhà tốt hơn những ứng dụng khác. Ví dụ như khi người dùng đặt cọc qua Ohana thì sẽ không sợ mất tiền cọc: “Nếu người dùng chuyển vào nhà đã thuê, sau đó có vấn đề nảy sinh thì có thể chuyển sang nhà khác cùng trong hệ thống của cô mà không cần đòi lại tiền cọc từ chủ nhà kia”.
“Mình muốn giảm thiểu những công tác nho nhỏ như vậy thì mình đi thuê nhà sẽ dễ hơn. Về lâu dài thì người dùng sẽ hiểu được vì sao đi thuê nhà trên Ohana sẽ dễ hơn thuê ở những chỗ khác”, Thảo cho biết.
“Hy vọng mình đủ mạnh mẽ. Sự mạnh mẽ đó tiếp tục tăng lên hoài, phải tăng sức chịu đựng của mình”
Còn hiện tại, ngay sau khi Ohana lên sóng Shark Tank Việt Nam chiếu trên TV, công việc của team đang “nặng đô” hơn nhiều vì lượng người dùng tăng lên nhiều lần. Thảo cho hay ngay sau khi chương trình phát sóng, hệ thống Ohana thậm chí còn sập server vì lượng người truy cập quá nhiều.
“Sau lên sóng, lượng user tăng 10 lần. Trước đó thì 400 người/ngày thì bây giờ là 4.000. Sau đã hạ nhiệt và hiện tại là 2.000, và mình không hỗ trợ hết được”, Thảo cho biết.
Hiện cô đang tuyển thêm nhân sự để đáp ứng được lượng người dùng mới, đồng thời thêm các tính năng khác.
Nhưng mở rộng quá sớm trong khi mô hình “còn trẻ” – theo lời Shark Linh – tức chưa hoàn thiện, người dùng và người thuê nhà vẫn sử dụng dịch vụ miễn phí và công ty chưa có doanh thu, thì có phải là một điều mạo hiểm?
“Hiện tại thì Ohana đang gắn hệ thống thanh toán, tức là người dùng sẽ thanh toán được cho tiền cọc nhà trên hệ thống của Ohana”, Thảo giải thích. Theo cô dự tính, khoảng 3 – 4 tháng nữa Ohana sẽ có doanh thu.
Tức là, sau Shark Tank, đội ngũ Ohana đang làm 2 thứ cùng 1 lúc: Vừa hoàn chỉnh mô hình, vừa mở rộng.
“Khó khăn thì đó không phải là khó khăn, mà là có quá nhiều việc để làm, không có thời gian để ngủ”, Thảo nửa đùa nửa thật.
Team Ohana.
Thảo Thảo
Theo Trí Thức Trẻ