Ngày 09/09/2024, VNG chính thức chạm mốc 20 tuổi. Nhân dịp VNG20, CEO Lê Hồng Minh đã có bài viết “Chúng tôi làm công nghệ và trưởng thành”, Saigonbiz xin được lược đọc để gửi đến cộng đồng.
Chúng tôi làm công nghệ
VNG bắt đầu năm 2007 với nhiều sản phẩm ‘web’ – tin tức, blog, mạng xã hội, forum, chat, email, search, nhạc, video… Ra mắt vào thời điểm tháng 8/2007, portal Zing.vn đã vượt qua Yahoo trở thành website có lượt truy cập lớn nhất Việt Nam chỉ sau 4 tháng ra mắt.
Cuối 2010, Zing me – mạng xã hội kết hợp ’chơi game’ đạt gần 10 triệu MAU, vượt Facebook trở thành mạng xã hội lớn nhất Việt Nam với những tựa game đình đám như Nông trại vui vẻ, Khu vườn trên mây và Gunny Web.
Với chiến lược kiên định đầu tư vào đội ngũ kỹ sư và phát triển sản phẩm, VNG hiện tại gần như là công ty công nghệ duy nhất ở Việt Nam hoàn toàn sở hữu và làm chủ toàn bộ các sản phẩm của mình mà không phụ thuộc bất kỳ đối tác nào. Từ Zalo, ZingPlay đến các mảng kinh doanh mới như Zalopay, Cloud và AI, tất cả đều được xây dựng và kiên trì đi theo nguyên tắc này.
Giai đoạn 2012, nhận thấy tiềm năng to lớn của thị trường ứng dụng di động, VNG đã quyết định từ bỏ mảng kinh doanh béo bở VAS (Value Added Services) để tập trung phát triển các sản phẩm như Zalo, Báo Mới và Zing MP3 cũng như bắt đầu ra mắt các Mobile Games.
Giai đoạn năm 2016 – 2017, khi mảng Mobile Games bắt đầu bùng nổ doanh thu thì VNG mới bắt đầu tự tin về mặt tài chính. Đến năm 2019, doanh thu mảng Mobile chiếm hơn 90% tổng doanh thu (so với 0% vào năm 2013).
Cột mốc này đánh dấu sự chuyển mình thành công của VNG từ công ty chuyên về PC sang một công ty Mobile Internet – vốn là điều mà rất ít công ty công nghệ trên thế giới làm được. Trong khi đó, Yahoo – tượng đài Internet một thời và là mục tiêu của VNG, đã không còn vào thời điểm 2019.
Từ năm 2019, VNG đẩy mạnh nghiên cứu để đặt nền móng cho các mảng kinh doanh mới như Thanh toán tài chính, Điện toán đám mây; đầu tư vào các công ty game và công nghệ trên toàn cầu; liên tục tăng trưởng về số lượng nhân sự và chiêu mộ những chuyên gia lão làng từ thị trường quốc tế.
Đầu năm 2023, VNG đã phải cắt giảm hàng loạt nhân sự, rất nhiều dự án thử nghiệm và ‘thắt lưng buộc bụng’ trước tất cả khoản chi phí phát sinh. Tổng kết lại, VNG đã mất một khoản tiền lớn đầu tư không hiệu quả trong 5 năm trước đó, và để lại nhiều kinh nghiệm ‘thương đau’.
Chúng tôi trưởng thành
Bước vào tuổi 20, VNG không còn là một công ty start-up non trẻ. VNG năm 2024 là một công ty công nghệ lớn, doanh thu gần mức 10.000 tỷ đồng (gấp 5 lần so với 2014) với hơn 4.000 Starter làm việc ở 14 văn phòng trên thế giới. Các mảng kinh doanh chủ lực – Game, Zalo, Fintech, Digital Business đang phục vụ hơn 100 triệu người dùng cá nhân và hàng chục ngàn khách hàng doanh nghiệp.
Thời điểm 2018 khi Data Center của VNG bị ’sập nguồn’. Đội ngũ VNG đã nỗ lực để hồi phục toàn bộ hoạt động chỉ sau 12 tiếng. Sau sự cố đó, VNG đã quyết tâm đầu tư vào Data Center Tân Thuận, hiện nay là một trong những Data Center hiện đại nhất Việt Nam.
Giai đoạn 2019 khi Zalo đứng trước rất nhiều áp lực và nghi ngờ từ các cơ quan quản lý. VNG đã kiên trì làm việc và minh bạch hoá toàn bộ source code và hệ thống vận hành để khẳng định Zalo là sản phẩm của người Việt. Sau đó, Zalo tiếp tục phát triển mạnh mẽ trở thành nền tảng liên lạc lớn nhất cho tất cả người Việt Nam, vượt xa các đối thủ nước ngoài lớn.
Đến thời điểm hiện tại, Zalo trở thành ứng dụng tin nhắn số 1 Việt Nam vì Zalo kiên trì tập trung vào giá trị cốt lõi sản phẩm – nhanh, ổn định, an toàn, tiện dụng – và không bị áp lực ‘kiếm tiền’.
VNG cũng tự hào khi Zalo Connect đã kết nối và tạo điều kiện cho người dùng có thể giúp đỡ hàng trăm ngàn hoàn cảnh khó khăn trong những năm dịch Covid-19, cũng như gửi hàng trăm triệu tin nhắn cảnh báo thiên tai, bão lũ trong nhiều năm qua.
Bên cạnh đó, UpRace đã kết nối và vận động hàng trăm ngàn người Việt Nam tham gia chạy bộ, vừa làm thiện nguyện, vừa nâng cao sức khoẻ. VNG thật sự tự hào trong năm 2023, một năm khó khăn, công ty vẫn là một trong 30 doanh nghiệp tư nhân đóng góp thuế lớn nhất Việt Nam.