Trang chủĐời sốngChatGPT có thật sự hữu ích cho doanh nghiệp để đưa vào...

ChatGPT có thật sự hữu ích cho doanh nghiệp để đưa vào vận hành?

Đó là vấn đề được quan tâm tại tọa đàm “ChatGPT và Quản trị doanh nghiệp” vừa được Viện Quản trị Công nghệ FSB (Đại học FPT) tổ chức với sự tham gia của gần 400 khách mời tham dự.

Theo TS. Trần Thế Trung – Viện trưởng Viện nghiên cứu công nghệ FPT, Phó Giám đốc Trung tâm sản phẩm AI (FPT Smart Cloud), ChatGPT gồm hai thành phần: “GPT” – một mô hình ngôn ngữ lớn, được xây dựng bởi các thuật toán xử lý ngôn ngữ tự nhiên – và “Chat” – nghĩa là biến đổi mô hình đó trở thành cuộc hội thoại giữa máy và con người.

Nhờ vào lượng dữ liệu khổng lồ 175 tỷ tham số và khả năng xử lí hàng tỷ từ chỉ trong 1 giây, hệ thống Chatbot siêu thông minh này có thể đưa ra câu trả lời dạng văn bản cho gần như bất cứ vấn đề thuộc mọi lĩnh vực theo yêu cầu của người dùng, với cách thức trình bày tự nhiên, mạch lạc như một cuộc hội thoại bình thường giống với con người.

“Điểm xuất sắc nhất của ChatGPT là đa nhiệm vụ, đa lĩnh vực, đa ngôn ngữ, bao gồm cả ngôn ngữ người và ngôn ngữ máy. Nó cũng nắm được ngữ cảnh dài, đưa ra những câu từ tự nhiên, gia tăng mức độ hài lòng cho người sử dụng”, TS.Trần Thế Trung nhấn mạnh.

Về vấn đề ứng dụng vào doanh nghiệp, theo TS.Trần Thế Trungvới những ứng dụng cơ bản nói trên, ChatGPT có thế mạnh nổi trội trong một số lĩnh vực về vận hành doanh nghiệp như Marketing truyền thông, Chăm sóc khách hàng, Lập trình, Quản trị.

Theo đó, ChatGPT có thể gợi ý lập kế hoạch Marketing đối với một số sản phẩm dịch vụ cụ thể, sáng tạo nội dung với thời gian gần như tức thời, viết code hoặc giúp tìm lỗi trong code.

Với những doanh nghiệp đã tích hợp tổng đài tự động, doanh nghiệp có thể trích rút từ văn bản lưu trữ các cuộc gọi thoại của tổng đài viên với khách hàng lấy thông tin quan trọng, góp phần gia tăng năng suất và chất lượng hoạt động chăm sóc khách hàng.

Đối với các nhà lãnh đạo doanh nghiệp, ChatGPT có thể giúp nâng cao nhận thức của các nhà lãnh đạo về việc ứng dụng công nghệ nói chung và AI nói riêng trong quản trị doanh nghiệp.

Dù có nhiều lợi thế, TS. Trần Quang Huy – Giảng viên Viện Quản trị Công nghệ FSB (Đại học FPT) cũng cho rằng ChatGPT vẫn còn rất nhiều vấn đề mà các doanh nghiệp nên lưu tâm khi vấn đề con người được xem là nhân tố quyết định.

Cụ thể, TS. Trần Thế Trung cho biết, do mô hình không thể truy được nguồn gốc thông tin, không có quy tắc suy luận logic, dữ liệu cung cấp cho ChatGPT mới dừng ở thời điểm năm 2021 trở về trước, nên hoàn toàn có thể đưa ra thông tin sai lệch mà người dùng không biết được.

Đồng quan điểm với TS.Trung, TS.Trần Quang Huy khẳng định, nhược điểm của ChatGPT là khó kiểm soát tính chính xác, khó thực hiện những yêu cầu đòi hỏi logic. Và hiện tại, công cụ này cũng chưa hỗ trợ người dùng doanh nghiệp mà hướng nhiều đến cá nhân.

Nếu trong tương lai OpenAI có thể sẽ cho ra mắt phiên bản ChatGPT dành cho doanh nghiệp. Và vấn đề rào cản lớn đối với hầu hết doanh nghiệp là vấn đề chi phí, TS.Trung cho biết khi nhận định rằng ChatGPT được đánh giá là tốc độ xử lý chậm và chi phí cao hơn nhiều so với các dịch vụ AI đã sẵn có hiện nay.

Đề xuất:

spot_img