Trang chủĐời sốngChủ tịch FPT Soft Hoàng Nam Tiến: Các bạn startup nếu không...

Chủ tịch FPT Soft Hoàng Nam Tiến: Các bạn startup nếu không thành công có thể về làm cho chúng tôi, còn thành công sẽ phải làm 20h/ngày, bị vợ giận, người yêu bỏ


Chủ tịch Fsoft Hoàng Nam Tiến vốn là gương mặt không mấy xa lạ trong giới công nghệ và khởi nghiệp công nghệ. Trong chương trình Quốc gia khởi nghiệp cách đây không lâu, khi được hỏi về tỷ lệ thành công khi startup, ông Tiến cho con số là 3/1.000.

Startup tỷ lệ thành công rất thấp

“Tôi không cho rằng tỷ lệ thành công 3/1000 của startup là bi quan đâu. Tôi có chia sẻ với các bạn startup là rất không may khi thành công. Nếu không thành công các bạn có thể về làm cho chúng tôi cũng được, còn thành công các bạn sẽ phải làm 20 tiếng một ngày, sẽ không có ngày thứ 7 chủ nhật, thậm chí bị vợ giận, người yêu bỏ. Bởi vì tình yêu đối với startup rất khác biệt, nó hơi ‘điên điên’ “, Chủ tịch FPT Soft thẳng thắn.

Quan điểm này của người đứng đầu FPT Soft cũng từng được nữ lãnh đạo Facebook Việt Nam Lê Diệp Kiều Trang chia sẻ tương tự. Trong một buổi giao lưu với giới du học sinh, một trong những câu hỏi cô nhận được khá nhiều đó là “Du học sinh về nước có nên khởi nghiệp không?”.

Với kinh nghiệm khởi nghiệp của mình, nữ doanh nhân này cho rằng khởi nghiệp không phải con đường duy nhất và cũng không phải là con đường dễ dàng nhất để đem đến thành công.

Chủ tịch FPT Soft Hoàng Nam Tiến: Các bạn startup nếu không thành công có thể về làm cho chúng tôi, còn thành công sẽ phải làm 20h/ngày, bị vợ giận, người yêu bỏ - Ảnh 1.

Không chỉ những gương mặt nổi tiếng trong giới công nghệ mới có nhận xét phũ phàng về thực tế khởi nghiệp, ngay cả vua hàng hiệu Johnathan Hạnh Nguyễn cũng từng bàn luận về quan điểm này.

Trong mớ xổ số 1000 số cũng có 1 số trúng thì cũng có 1 anh thành công khởi nghiệp. Công nghệ là lĩnh vực dễ thành công bởi nó đa dạng lắm. Mấy ông tỷ phú Mỹ thành công phần lớn từ công nghệ. Nhưng cái đó cũng khó nuốt lắm”, doanh nhân này thẳng thắn.

Tất nhiên những chia sẻ thẳng thắn từ các doanh nhân này không có nghĩa là dập tắt đi ước mơ của những người trẻ. Mà theo họ, chỉ nên khởi nghiệp khi xem đó là sự thể hiện cao độ nhất cho niềm tin, ước mơ của mình cũng như dám dấn thân và cảm thấy thực sự hạnh phúc với lựa chọn của mình.

Cái giá phải trả khi startup không hề nhỏ

Không chỉ khó thành công, cái giá của một startup thành công cũng được chủ tịch Fsoft Hoàng Nam Tiến hé lộ không hề nhỏ: Phải làm 20 tiếng một ngày, sẽ không có ngày thứ 7 chủ nhật, thậm chí bị vợ giận, người yêu bỏ.

Tất nhiên chưa có thống kê về tỷ lệ rạn vỡ trong cuộc sống gia đình hay tình yêu của những người startup nhưng cách ví von của chủ tịch Hoàng Nam Tiến cũng không hẳn vô căn cứ.

Tình yêu hay sự nghiệp? – đó là những lựa chọn đau đớn mà nhiều người trẻ nói chung và những ai khởi nghiệp nói riêng đều có thể thấy mình ở 2 nhân vật chính trong bộ phim La La Land. Thậm chí họ còn phải học cách hy sinh để đạt được mục đích, buộc phải tìm ra thứ ưu tiên của mình.

Chủ tịch FPT Soft Hoàng Nam Tiến: Các bạn startup nếu không thành công có thể về làm cho chúng tôi, còn thành công sẽ phải làm 20h/ngày, bị vợ giận, người yêu bỏ - Ảnh 2.

Ở La La Land, sự đánh đổi là cách Seb chọn tham gia ban nhạc The Messenger, chơi thứ nhạc anh vốn khinh bỉ để kiếm tiền nuôi giấc mơ có một ban nhạc riêng. Đó là cách Mia sau trăm lần thất bại, khi cơ hội đến cũng đã chọn Paris đuổi theo đam mê diễn xuất từ bé. Mia cũng chọn đánh đổi tình yêu với Seb để bắt đầu xây những viên gạch đầu tiên cho sự nghiệp.

Hoa hồng hay bánh mỳ? Tình yêu hay sự nghiệp? Những quyết định đánh đổi mà bất kỳ ai cũng phải đối mặt. Các nhà kinh tế học tổng kết rằng sự đánh đổi – từ bỏ một thứ để có được thứ khác – là nguồn gốc của mọi chi phí cơ hội.

Nó là trọng tâm của hoạt động điều hành và là thứ rất mâu thuẫn. Càng thành công, bạn càng phải đối mặt với nhiều chi phí cơ hội. Thực ra, thước đo thành công chính là khả năng dám đánh đổi của nhà điều hành hay bất kỳ ai, thứ có thể khiến họ sợ hãi và đau khổ. Mọi chi phí đều là những cơ hội bị mất đi dù theo cách này hay cách khác, nhưng không phải cơ hội bị mất nào cũng rõ ràng.

Các nhà kinh tế học có rất nhiều cách kỳ lạ để định nghĩa và tính toán các loại chi phí. Thay vì đưa ra những câu hỏi như: Tôi mất bao nhiêu chi phí cho nó? Hay tôi phải trả bao nhiêu tiền cho nó? Thì họ lại luôn đặt ra câu hỏi: Tôi phải mất gì để có nó? Với những người startup, điều này còn đúng hơn khi con đường họ đi vốn đầy rủi ro và cần nhiều dũng cảm đưa ra nhiều quyết định lựa chọn khốc liệt.


Thảo Nguyên

Theo Trí Thức Trẻ

Đề xuất:

spot_img