Ngày 31/10/2018, Vietnam Report và VietNamNet chính thức công bố Top 10 Công ty uy tín ngành thực phẩm – đồ uống năm 2018.
Top 10 Công ty uy tín ngành thực phẩm – đồ uống năm 2018 được xây dựng dựa trên các nguyên tắc khoa học và khách quan. Các công ty được đánh giá, xếp hạng dựa trên 3 tiêu chí chính: (1) Năng lực tài chính thể hiện trên báo cáo tài chính năm gần nhất (tổng tài sản, tổng doanh thu, lợi nhuận, hiệu quả hoạt động,hiệu quả sử dụng vốn,… ); (2) Uy tín truyền thông được đánh giá bằng phương pháp Media Coding – mã hóa các bài viết về công ty trên các kênh truyền thông có ảnh hưởng; (3) Khảo sát người tiêu dùng về mức độ nhận biết và sự hài lòng với các sản phẩm/ dịch vụ của công ty;Khảo sát chuyên gia đánh giá vị thế của các công ty trong ngành; và Khảo sát doanh nghiệp được thực hiện trong tháng 9/2018 về quy mô thị trường, lao động, vốn, tốc độ tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận, kế hoạch hoạt động trong năm 2018,…
Danh sách Top 10 Công ty thực phẩm uy tín năm 2018 – nhóm ngành: Đường, sữa, bánh kẹo
Danh sách Top 10 Công ty thực phẩm uy tín năm 2018 – nhóm ngành: Thực phẩm đóng gói, gia vị, dầu ăn,…
Danh sách Top 10 Công ty thực phẩm uy tín năm 2018 – nhóm ngành: Thực phẩm tươi sống, đông lạnh
Bức tranh toàn cảnh ngành thực phẩm – đồ uống Việt Nam năm 2018
Việt Nam hiện được đánh giá là một trong những thị trường có sức tiêu thụ thực phẩm – đồ uống rất tiềm năng. Chỉ số tiêu thụ của ngành sản xuất chế biến thực phẩm và sản xuất đồ uống trong 9 tháng đầu năm 2018 tăng lần lượt 8,1% và 10,2% so với cùng kỳ năm trước (theo GSO).
Số liệu khảo sát của Vietnam Report cũng chỉ ra rằng, thực phẩm – đồ uống hiện đang chiếm tỷ lệ cao nhất trong cơ cấu chi tiêu hàng tháng của người tiêu dùng (chiếm khoảng 35% mức chi tiêu).
Hình 1: Cơ cấu chi tiêu trung bình hàng tháng của người tiêu dùng Việt Nam
Đánh giá về tiềm năng tăng trưởng, ngành thực phẩm và đồ uống hiện chiếm khoảng 15% GDP và có xu hướng tăng lên trong thời gian tới. BMI dự đoán, tốc độ tăng trưởng ngành thực phẩm và đồ uống sẽ cao hơn trong giai đoạn 2016 – 2019, trong đó khả năng Việt Nam sẽ đứng ở vị trí thứ ba Châu Á.
Bên cạnh đó, với tỷ lệ dân số trẻ ngày một cao (ước tính khoảng trên 50% dân số Việt Nam dưới 30 tuổi), mức thu nhập được cải thiện và thói quen mua sắm thực phẩm chế biến sẵn ngày càng phổ biến, sự phong phú cùng với sự dồi dào các sản phẩm nông nghiệp – nguồn nguyên liệu thô cung ứng cho hoạt động chế biến thực phẩm, đồ uống… đang là những lợi thế để các doanh nghiệp trong ngành đa dạng hóa chủng loại sản phẩm nhằm đáp ứng với nhu cầu liên tục thay đổi của người tiêu dùng, và là những điều kiện thuận lợi góp phần giúp Việt Nam trở thành thị trường tiêu thụ thực phẩm – đồ uống tiềm năng trong khu vực.
Bia, đồ uống không cồn và thực phẩm là 3 nhóm tăng trưởng nhanh nhất trong ngành FMCG (Ngành hàng tiêu dùng nhanh)
Hình 2: Đóng góp và tăng trưởng giá trị của một số nhóm trong ngành FMCG
Về tiềm năng xuất khẩu, đa số chuyên gia được Vietnam Report hỏi đều cho rằng, Việt Nam hiện đã có những doanh nghiệp tương đối mạnh, có tên tuổi, có sức cạnh tranh, thường xuyên dẫn đầu tại thị trường trong nước, đủ cơ sở để xuất khẩu ra nước ngoài. Do đó, khi thời điểm Hiệp định Thương mại tự do EU – Việt Nam (EVFTA) sắp đi đến ký kết chính thức, các doanh nghiệp đều đặt kỳ vọng đây sẽ là cơ hội lớn để thương hiệu Việt xuất hiện tại nhiều quốc gia hơn trên thế giới. Thủy sản, cà phê, bánh kẹo được dự đoán sẽ là 3 ngành hàng có tiềm năng xuất khẩu lớn trong thời gian tới.
Hoạt động M&A trong ngành thực phẩm – đồ uống cũng diễn ra rất sôi động trong thời gian qua, cả về số lượng và chất lượng, tạo nên những “ông lớn” của ngành thực phẩm – đồ uống, điển hình như Masan, Thành Thành Công, Kido, Pan Group… Các tên tuổi lớn trong ngành FMCG đến từ Thái Lan, Hàn Quốc với lợi thế về tài chính, kinh nghiệm và công nghệ cũng tích cực đầu tư vào Việt Nam. Theo nghiên cứu của BMI, cơ hội đầu tư cho ngành chế biến thực phẩm của Việt Nam vẫn còn khá lớn, đặc biệt trong ngành đồ uống, thực phẩm chế biến và sữa.
Nhận diện các thương hiệu uy tín ngành thực phẩm – đồ uống giai đoạn 2017-2018
Khảo sát người tiêu dùng của Vietnam Report được thực hiện trong tháng 9/2018 đã điểm mặt một số thương hiệu tiêu biểu được người tiêu dùng lựa chọn nhiều nhất (phân theo nhóm sản phẩm) bao gồm: Vissan (Thực phẩm tươi sống), mỳ Hảo Hảo (Thực phẩm ăn liền), Nam Ngư (Gia vị), Simply (Dầu ăn), Vinamilk (Sữa), Bibica (Bánh kẹo), Heineken (Bia rượu), Pepsi (Nước ngọt), Lavie (Nước khoáng), G7 (Cà phê).
Hình 3: Các thương hiệu thực phẩm – đồ uống được người tiêu dùng lựa chọn nhiều nhất năm 2018 (phân theo nhóm sản phẩm)
Theo nhận định của Vietnam Report, truyền thông có vai trò quan trọng trong việc kết nối trực tiếp giữa nhà sản xuất và người tiêu dùng, giúp người tiêu dùng nhận diện thương hiệu uy tín tốt hơn khi đưa ra quyết định mua sắm. Tuy nhiên, kết quả phân tích truyền thông cho thấy, sự hiện diện trên truyền thông của các doanh nghiệp ngành thực phẩm, đồ uống hiện còn hạn chế. Chỉ 22,9% số doanh nghiệp được nghiên cứu có lượng thông tin đạt ngưỡng nhận thức (xem thêm box ghi chú), trong đó 44% có tần suất xuất hiện tối thiếu 1 lần/ 1 tháng. Về độ đa dạng thông tin, 27,4% số doanh nghiệp có thông tin bao phủ 10/24 số nhóm chủ đề có liên quan tới hoạt động của doanh nghiệp. 3 nhóm chủ đề thường được đề cập đến nhiều nhất: Tài chính/ Kết quả kinh doanh, Cổ phiếu, Sản phẩm.
Về chất lượng thông tin, doanh nghiệp được đánh giá là “an toàn” khi đạt tỷ lệ chênh lệch thông tin tích cực và tiêu cực so với tổng lượng thông tin được mã hóa ở mức 10%, tuy nhiên ngưỡng “tốt nhất” là trên 20%. Trong ngành thực phẩm – đồ uống, hiện có khoảng hơn 40% số doanh nghiệp đạt mức 10% này.
Hình 4: 10 doanh nghiệp có tỷ lệ chênh lệch thông tin tích cực/tiêu cực cao nhất trên truyền thông trong giai đoạn từ tháng 9/2017 đến tháng 9/2018
Nhìn chung, không chỉ các doanh nghiệp trong ngành thực phẩm – đồ uống mà phần đông các doanh nghiệp Việt đều khá dè dặt với truyền thông bởi thiếu khả năng kiểm soát thông tin. Đây cũng là bài toán khó cho các doanh nghiệp đặc biệt trong bối cảnh công nghệ hiện đại và thông tin đa chiều như hiện nay.
Ba xu thế chủ đạo trong phong cách tiêu dùng thực phẩm – đồ uống mới
Thứ nhất, nhu cầu sử dụng các loại thực phẩm tự nhiên,hữu cơ (organic)
Trong bối cảnh thu nhập đầu người tăng lên, người tiêu dùng có xu hướng lựa chọn các thực phẩm sạch, có nguồn gốc hữu cơ và thân thiện với môi trường, và sẵn sàng chi trả khoản tiền cao hơn cho bữa ăn hàng ngày. Hơn 86% người tiêu dùng tại 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh khi được hỏi đã lựa chọn các sản phẩm tự nhiên và hữu cơ, hoặc các sản phẩm đúng mùa vụ để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.
Thời gian qua, có khá nhiều công ty đã mạnh dạn đầu tư vào lĩnh vực này, đặc biệt có cả sự tham gia của những các ông lớn ngành bán lẻ (với lợi thế sẵn có các kênh bán hàng: siêu thị, cửa hàng tiện lợi,…)
Thứ hai, tái định nghĩa lại thực phẩm tiện lợi
Trong cuộc sống hiện đại, quan điểm về gia đình, đặc biệt ở khu vực thành thị đã có sự thay đổi: số lượng người trong một gia đình thường chỉ có 4-5 người, tỷ lệ người sống độc thân tăng…, do đó nhu cầu với nhóm hàng hóa tiêu dùng nhanh cũng có sự khác biệt so với trước đây.
Để phục vụ cho các đối tượng này, các công ty thực phẩm – đồ uống đã thay đổi quy cách và trọng lượng hàng hóa đóng gói sản phẩm nhỏ, sử dụng phù hợp với nhu cầu của cá nhân và dễ dàng mang theo sử dụng trên đường đi. Ngoài ra, các công ty cũng hướng tới cung cấp các Bữa ăn tươi (ready meals)nhằm mang đến cho người tiêu dùng không chỉ là những sản phẩm đóng gói/ ăn liền khô, mà còn là những sản phẩm tươi, ngon, bổ dưỡng, an toàn và tiện lợi.
Thứ ba, công nghệ làm thay đổi trải nghiệm ẩm thực của người tiêu dùng
Giới trẻ Việt Nam đa phần là những bạn trẻ năng động, thích trải nghiệm và sẵn sàng chi trả đề được thưởng thức các loại thực phẩm – đồ uống ngon và lạ. Cùng với sự phát triển của công nghệ, họ có thể dễ dàng truy cập các xu thế ẩm thực mới nhất, hot nhất qua mạng xã hội vàđặt hàng thông qua các ứng dụng cho phép tìm kiếm địa điểm ăn uống (Foody), giao đồ ăn (deliveryNow) và đặt bàn (TableNow)… khiến thị trường ẩm thực trở nên sôi động hơn. Theo nhận định của Nielsen, thực phẩm và đồ uống là 2 trong 10 sản phẩm được giao dịch trên mạng nhiều nhất trong năm 2017.
Đối với các công ty sản xuất, họ cũng qua đó nắm bắt được xu thế tiêu dùng thực phẩm- đồ uống để đa dạng hóa và cải thiện các dòng sản phẩm sao cho phù hợp với khẩu vị của người tiêu dùng hiện đại (ví dụ: trà sữa đóng gói, ngũ cốc ăn liền…)
Rõ ràng rằng, cơ hội để phát triển của các thương hiệu thực phẩm – đồ uống tại Việt Nam là rất lớn. Khi các doanh nghiệp nước ngoài tích cực có mặt tại thị trường Việt Nam sẽ mở ra nhiều cơ hội hợp tác đầu tư sản xuất tại các khu công nghiệp, tạo công ăn việc làm cho người lao động, chuyển giao công nghệ, đưa sản phẩm trở nên đa dạng hóa và tiện ích. Song song với đó, tính cạnh tranh được đẩy lên, một mặt kích thích các doanh nghiệp trong nước thích nghi đổi mới để hòa vào “sân chơi” thương mại chung. Tuy nhiên, một thương hiệu mạnh là chưa đủ, đó còn phải là một thương hiệu uy tín. Vì vậy trong thời gian tới, các doanh nghiệp ngành thực phẩm – đồ uống cần đầu tư hơn nữa cho việc quảng bá và phát triển hình ảnh và ghi tên mình trên bản đồ thực phẩm – đồ uống thế giới.
Top 10 Công ty uy tín ngành thực phẩm – đồ uống là kết quả nghiên cứu độc lập của Vietnam Report được công bố từ năm 2017. Từ năm 2012, Vietnam Report đã sử dụng phương pháp Media Coding (mã hóa dữ liệu báo chí) để tính điểm uy tín của các doanh nghiệp trên truyền thông. Kể từ đó đến nay, nhiều bảng xếp hạng Top 10 thuộc các ngành trọng điểm và có tiềm năng tăng trưởng cao của Việt Nam cũng đã được định kỳ công bố thường niên như: Bất động sản, Xây dựng, Công nghệ thông tin, Ngân hàng, Bảo hiểm, Dược, Du lịch, Doanh nghiệp niêm yết.
Phương pháp nghiên cứu phân tích truyền thông để đánh giá uy tín của các công ty dựa trên học thuyết Agenda Setting về sự ảnh hưởng, tác động của truyền thông đại chúng đến cộng đồng và xã hội được 2 giáo sư Maxwell McCombs và Donald L. Shaw chính thức công bố vào năm 1968, được Vietnam Report và các đối tác hiện thực hóa và áp dụng. Theo đó, Vietnam Report đã sử dụng phương pháp Branch Coding (đánh giá hình ảnh của công ty trên truyền thông) để tiến hành phân tích uy tín của các công ty thực phẩm và đồ uống tại Việt Nam.
Vietnam Report tiến hành mã hóa (coding) các bài báo viết về ngành thực phẩm – đồ uống được đăng tải trên các đầu báo có ảnh hưởng trong thời gian từ tháng 9/2017 đến tháng 9/2018. Tổng số có 1.375 bài báo, với tương ứng 2.996 coding unit (đơn vị mã hóa) được đánh giá theo cấp độ câu chuyện (story – level) về 24 khía cạnh hoạt động cụ thể của các công ty từ sản phẩm, kết quả kinh doanh, thị trường… tới các hoạt động và uy tín của lãnh đạo công ty. Các thông tin được lựa chọn mã hóa (coding) dựa trên 2 nguyên tắc cơ bản: Tên công ty xuất hiện ngay trên tiêu đề của bài báo, hoặc tin tức về công ty được đề cập tối thiểu chiếm 5 dòng trong bài báo, đây được gọi là ngưỡng nhận thức – khi thông tin được đánh giá là có giá trị phân tích. Các thông tin được đánh giá ở các cấp độ: 0: Trung lập; 1: Tích cực; 2: Khá tích cực; 3: Không rõ ràng; 4: Khá tiêu cực; 5: Tiêu cực. Tuy nhiên, thống kê lại, nhóm nghiên cứu đưa ra 3 cấp bậc để đánh giá cuối cùng, bao gồm: Trung lập (gồm 0 và 3), tích cực (1 và 2), và tiêu cực (4 và 5).
Những nhận định trong thông cáo mang tính tổng quát và tham khảo cho các doanh nghiệp, đối tác; không phải nhận định cá nhân và không phục vụ mục đích hay nhu cầu của bất cứ nhà đầu tư cụ thể nào. Do đó, các bên liên quan nên cân nhắc kỹ tính phù hợp của các thông tin trên trước khi sử dụng để đưa ra quyết định đầu tư và hoàn toàn chịu trách nhiệm trong việc sử dụng các thông tin đó.
Vietnam Report