Trang chủĐời sốngDân số Việt Nam hơn 96,2 triệu người, đứng thứ 3 Đông...

Dân số Việt Nam hơn 96,2 triệu người, đứng thứ 3 Đông Nam Á, thứ 15 thế giới

Vào ngày Dân số Thế giới 11/7, Tổng cục Thống kê công bố kết quả sơ bộ cuộc Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019. Theo đó, dân số Việt Nam ở thời điểm 0 giờ ngày 1/4/2019 là 96.208.984 người.

Trong đó, dân số nam là 47.881.061 người (chiếm 49,8%) và dân số nữ là 48.327.923 người (chiếm 50,2 %).

Theo đó, Việt Nam hiện là quốc gia đông dân thứ 15 trên thế giới và thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á (sau Insonesia và PhiIipines). So với năm 2009, vị trí xếp hạng về quy mô dân số của Việt Nam trong khu vực Đông Nam Á không thay đổi và giảm 2 bậc so với các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Sau 10 năm, dân số Việt Nam tăng thêm 10,4 triệu người, tỷ lệ tăng giai đoạn 2009 – 2019 bình quân 1,14%/năm, giảm nhẹ so với giai đoạn 10 năm trước.

Kết quả điều tra cho thấy, Hà Nội có 8,05 triệu dân; TP.HCM có 8,99 triệu dân.

Dân số ở thành thị gần 33,1 triệu người; ở nông thôn là 63,1 triệu người. Quy mô dân số lớn nhất đang ở khu Đồng bằng sông Hồng với hơn 22,5 triệu người; thấp nhất là khu vực Tây Nguyên với hơn 5,8 triệu người.

Mật độ dân số ở nước ta đã tăng từ 259 người/km (năm 2009) lên 290 người/km năm 2019. Trong đó ở TP HCM, mât độ dân số năm 2019 là 4.363 người/km2, còn Hà Nội là 2.398 người/km2.

Tuy nhiên, trong tổng số 26,9 triệu hộ dân cư trên cả nước, vẫn còn 4.800 hộ không có nhà ở. Hầu hết hộ người dân ở Việt Nam đang sống trong các ngôi nhà kiên cố hoặc bán kiên cố (93,1%). Tỉ lệ này tăng mạnh từ 63,2% năm 1999, lên 84,2% năm 2009 và đạt 93,1% vào năm 2019.

Diện tích nhà ở bình quân đầu người năm 2019 là 23,5m2/người, cao hơn 6,8m2/người so với 10 năm trước. Cư dân thành thị có diện tích nhà ở bình quân đầu người cao hơn cư dân nông thôn, tương ứng là 24,9 m2/người và 22,7m2/người. Không có sự chênh lệch đáng kể về diện tích nhà ở bình quân đầu người giữa các vùng kinh tế – xã hội.

Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, kết quả Tổng điều tra năm 2019 cho thấy trải qua 10 năm, quy mô dân số nước ta tăng với tốc độ chậm hơn so với giai đoạn trước. Trình độ dân trí đã được cải thiện, tỷ lệ dân số từ 15 tuổi trở lên biết đọc biết viết tăng mạnh. Thế nhưng, toàn quốc vẫn có 3% dân số từ 15 tuổi trở lên chưa biết đọc biết viết. Tỷ lệ dân số trong độ tuổi đi học phổ thông nhưng hiện không đi học là 8,3%, trong đó ở nông thôn chiếm tỷ lệ cao hơn.

Đề xuất:

spot_img