Năm 2018, hàng không Việt Nam đã có sự phát triển vượt bậc hơn những năm trước, đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế của đất nước. Cũng từ đây, hàng không Việt Nam đã đón nhận được nhiều tin vui nhưng bên cạnh đó cũng lắm scandal.
Vietnam Airlines
Ngày 29/4, chuyến bay VN7344 của Vietnam Airlines, chở 203 hành khách từ Thành phố Hồ Chí Minh đi Cam Ranh (Khánh Hòa) đã đáp xuống đường cất hạ cánh số 02 tại Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh. Đường cất hạ cánh số 02 chưa được đưa vào khai thác. Theo đó, nguyên nhân gây ra vụ việc này một phần do lỗi của tổ bay gồm cơ trưởng và cơ phó cũng như đường băng.
Vào ngày 28/7 chuyến bay VN1544 từ Huế đi Hà Nội, máy bay Airbus A321 của Vietnam Airlines đã hạ cánh lệch vị trí quy định tại sân bay Nội Bài trong điều kiện thời tiết xấu. Bụng và càng máy bay có nhiều vét cày xước mạnh và hư hỏng nhẹ.
Vào tối ngày 16/7, Chiếc Airbus 321 của Vietnam Airlines bị nổ 1 lốp phía trước khi hạ cánh xuống đường băng Cảng Hàng không quốc tế Vinh. Sự cố khiến sân bay này phải đóng cửa suốt 12 tiếng. Chiếc máy bay đã gặp trục trặc kỹ thuật, bị nổ 1 lốp bên phải ở càng trước khi đáp xuống đường băng.
Sở Giao dịch Chứng khoán Tp. Hồ Chí Minh (HOSE) vừa có thông báo về việc tiếp nhận hồ sơ đăng ký niêm yết của CTCP Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines – Mã CK: HVN). Theo đó, Vietnam Airlines thực hiện đăng ký niêm yết hơn 1.418,3 triệu cổ phiếu HVN, tương đương mức vốn điều lệ 14.183 tỷ đồng. Tổ chức tư vấn đăng ký niêm yết là CTCP Chứng khoán ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC).
Vietjet của nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo lắm thăng trầm
Về phía Vietjet, lúc 23h3, ngày 29/11, chuyến bay VJ356 xuất phát từ TPHCM đi Buôn Ma Thuột đã gặp sự cố bánh mũi trong quá trình hạ cánh. Tàu bay dừng lại trên đường cất hạ cánh. Toàn bộ 207 hành khách đều an toàn.
Sáng này 26/12, chuyến bay VietJet của hãng hàng không Vietjet từ Hà Nội đi Đà Nẵng tiếp tục gặp sự cố khi đang tăng tốc cất cánh. Hành khách phải xuống khỏi máy bay và chờ đợi 3 giờ để khởi hành lại.
Ngày 25/12, máy bay mang mã hiệu VJ689 đã bị trục trặc ngay sau khi cất cánh khỏi sân bay Cam Ranh. Đội bay đã xin quay đầu để hạ cánh khẩn cấp, nhưng lại hạ nhầm đường băng chưa đưa vào khai thác. Đây là sự cố thứ 2 của hãng này trong ngày 25/12.
Ngày 24/12, một máy bay của hãng này khởi hành từ sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất đi Incheon (Hàn Quốc) cũng đã phải hạ cánh khẩn cấp xuống sân bay ở Đài Bắc (Đài Loan) vì cảnh báo khói giả.
Trước những sự cố trên, Cục quyết định dừng tăng chuyến để rà soát đánh giá lại vấn đề khai thác sau hàng loạt sự cố hàng không của hãng này trong thời gian qua. Đồng thời Cục Hàng không thực hiện giám sát đặc biệt với VietJet tại 4 cảng hàng không quốc tế.
Cục hàng không Việt Nam từng báo cáo, Vietjet là đơn vị có số lượng chuyến bị hủy, chậm nhiều nhất so với các hãng khác.
Chào đón hãng bay mới
Cụ thể, 6/12, ông Trần Trọng Kiên, Chủ tịch HĐQT Thiên Minh Group (TMG) kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Hàng không Hải Âu và ông Tony Fernandes, Sáng lập kiêm CEO của AirAsia, vừa ký biên bản ghi nhớ để cùng xây dựng hãng hàng không giá rẻ mới tại Việt Nam.
Bamboo Airways được Tập đoàn FLC thành lập với vốn điều 1.300 tỷ đồng với mục tiêu phát triển Bamboo Airways trở thành một trong những hãng bay hàng đầu Việt Nam.
Mới đây, lãnh đạo của hàng hàng không này cho biết, thay vì kế hoạch bay thử vào ngày 27 đến 29/12 như công bố trước đó, hãng hàng không Tre Việt (Bamboo Airways) cho biết kế hoạch khai thác thương mại bằng máy bay A321 NEO dự kiến sẽ diễn ra vào trung tuần tháng 1/2019 nhằm chuẩn hóa mọi công tác khai thác và phục vụ hành khách.
Jetstar Pacific lần đầu tiên báo có lợi nhuận
Cụ thể, trong năm nay, Jetstar Pacific đã vận chuyển 6,2 triệu lượt khách, tổng doanh thu dự kiến đạt 9.100 tỷ đồng, tăng 21% (hơn 161 tỷ đồng) so với kế hoạch đặt ra hồi đầu năm.
Tổng số chuyến bay khai thác tăng 10,8%, đạt trên 40.000 chuyến với tỷ lệ an toàn tuyệt đối 100%. Hệ số sử dụng ghế tăng hiệu quả thêm 2% và doanh thu hành khách tăng trưởng 27,6 % so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, trong quý 3/2018 Jetstar Pacific ghi nhận lượng khách nội địa tăng 31,7%, khách quốc tế tăng 18,5%. Dự kiến, giai đoạn cao điểm Tết 2019, lượng khách của hãng dự kiến tiếp tục tăng khoảng 12% .
Quyết định mở cảng hàng không quốc tế Vân Đồn
Thủ tướng Chính phủ vừa ký ban hành quyết định số 1834/QĐ-TTg về việc mở Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn trong địa giới hành chính thuộc địa phận xã Đoàn Kết, huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh.
Dự kiến, Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn sẽ chính thức đi vào hoạt động vào ngày 30/12 tới. Chuyến bay thương mại đầu tiên sẽ là của hãng hàng không Vietnam Airlines.
Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn chính thức khởi công từ tháng 3/2016 theo hình thức BOT do Tập đoàn SủnGoup làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư khoảng 7.700 tỷ đồng. Công suất thiết kế sân bay giai đoạn đầu là 2 triệu khách/năm và sẽ tăng lên 5 triệu khách/năm vào năm 2030.
13 vụ gây rối nhân viên hàng không
Trong năm 2018, đã có khoảng 13 vụ hành khách hoặc người đi đón, tiễn ở sân bay đánh nhân viên hàng không hoặc đánh lẫn nhau, tăng 3 vụ so với nưm 2017 (là 10 vụ). Trong đó, có khoảng 5-6 vụ hành khách hoặc người qua đường gây rối, dùng lời nói để cãi lộn, lăng mạ nhân viên làm nhiệm vụ, từ đó dẫn tới đánh nhau.
Vụ gây rối hàng không gần đây nhất là tại Cảng hàng không Thọ Xuân xảy ra vụ việc vụ 3 thanh niên hành hung nhiều nhân viên hàng không với tính chất rất nghiêm trọng, đe dọa sức khỏe, tính mạng của nhân viên hàng không, ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự, uy hiếp đến an ninh sân bay.
Đến ngày 25/11, tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, một hành khách đi chuyến bay VJ316 đến trễ so với giờ ra máy bay quy định trên vé cũng đã nổi nóng định hành hung nhân viên hàng không.
Vận chuyển khách đạt khoảng 106 triệu lượt
Thị trường hàng không Việt Nam năm 2018 tiếp tục có sự tăng trưởng ổn định, theo đó, sản lượng hành khách thông qua ước đạt 106 triệu lượt hành khách tăng 12,9% và sản lượng hàng hóa ước đạt gần 1,5 triệu tấn hàng hóa tăng 7,7% so với năm 2017. Vận chuyển của các hãng hàng không Việt Nam đạt trên 50 triệu hành khách tăng 14% và gần 400 nghìn tấn hàng hóa tăng 26% so với năm 2017.
68 hãng bay, khai thác 130 đường bay quốc tế
Hiện thị trường hàng không Việt Nam có sự tham gia khai thác của 68 hãng hàng không nước ngoài từ 25 quốc gia/vùng lãnh thổ và 4 hãng hàng không Việt Nam là Vietnam Airlines, VietJet Air, Jetstar Pacific Airlines và VASCO.
Tại thị trường quốc tế, 68 hãng hàng không nước ngoài và 3 hãng hàng không Việt Nam đang khai thác gần 130 đường bay quốc tế giữa Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc, Hải Phòng và 28 quốc gia/vùng lãnh thổ.
Đối với thị trường nội địa, 4 hãng hàng không Việt Nam hiện đang khai thác 48 đường bay nội địa nối Hà Nội, Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh với 18 sân bay địa phương theo hệ thống mạng đường bay trục-nan, liên vùng, nội vùng rộng khắp toàn quốc.
Tỷ lệ bay đúng giờ là 86,3%
So với tỷ lệ chuyến bay khai thác đúng giờ trung bình trên thế giới (75%-78%), có thể thấy tỷ lệ chuyến bay khai thác đúng của các hãng HKVN ở mức độ khá, 11 tháng năm 2018, tỷ lệ khai thác các chuyến bay đúng giờ của các hãng hàng không đạt 86,3%.