Có một loại ‘mỏ trắng’ có quy mô và trữ lượng lớn hơn hoặc không ít hơn bao nhiêu so với các nguồn ngoại tệ khác, đó là chi tiêu thu được do thu hút khách quốc tế đến Việt Nam.
Nhiệm vụ “đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn” đã được đưa ra trong nhiều văn kiện của Đảng và Nhà nước. Trong du lịch, khách quốc tế đến Việt Nam (xuất khẩu dịch vụ du lịch) được quan tâm đặc biệt, bởi vai trò quan trọng nhiều mặt.
Sự quan tâm đặc biệt này xuất phát từ vai trò, hiện trạng của xuất khẩu dịch vụ du lịch và yêu cầu phát triển trong thời gian tới.
Chi tiêu của khách quốc tế đến Việt Nam qua một số năm như sau.
Nguồn: Tổng cục Thống kê
(1) Tác giả dự báo dựa vào kết quả của 6 tháng đầu năm.
Tổng chi tiêu của khách quốc tế đến Việt Nam đã ngày một tăng lên và năm 2018 lần đầu tiên đã vượt lên mức 2 chữ số (trên 10 tỷ USD)- một lượng ngoại tệ rất đáng kể, góp phần cải thiện cán cân thanh toán, tăng dự trữ ngoại hối, ổn định tỷ giá, kiềm soát lạm phát theo mục tiêu…
Vai trò của xuất khẩu dịch vụ du lịch không chỉ ở số tiền trực tiếp thu được từ khách quốc tế, mà còn ở nhiều tác động lớn khác.
Xuất khẩu dịch vụ du lịch là hình thức giới thiệu trực tiếp, sinh động và có hiệu quả về hình ảnh của đất nước. Điều này thể hiện qua nhiều mặt khác nhau, trong đó có thể kể đến 5 khía cạnh cụ thể.
Thứ nhất, đất nước Việt Nam nếu trước đây được biết đến như một cuộc chiến, thì nay là hòa bình; còn là sự ổn định, yên bình; đã chuyển từ chỗ nằm trong mấy nước có thu nhập bình quân đầu người thấp nhất thế giới, sang nhóm nước có thu nhập trung bình (từ cách đây 10 năm), với bộ mặt đất nước có nhiều thay đổi và đang phấn đấu với mục tiêu lớn hơn.
Thứ hai, đất nước có nhiều cảnh quan được xếp hạng cao, di sản lịch sử lâu đời, di sản văn hóa nổi tiếng trải rộng dài khắp đất nước, hấp dẫn khách du lịch, nghỉ dưỡng.
Thứ ba, con người Việt Nam chân thành, cởi mở trong tiếp đón, giúp đỡ người nước ngoài.
Thứ tư, có nhiều đặc sản, ẩm thực hấp dẫn với khách đến từ nhiều nước.
Thứ năm, do “cánh kéo” tỷ giá (giữa tỷ giá hối đoái với tỷ giá sức mua tương đương còn lớn, tức 1 USD ở Việt Nam có sức mua hiện cao gấp 2,85 lần 1 USD tại Mỹ), nên chi tiêu ở Việt Nam còn khá rẻ so với nhiều nước.
Khách quốc tế đến Việt Nam tạo điều kiện cho quan hệ đầu tư, thương mại giữa Việt Nam với thế giới (403 tỷ USD vốn FDI đăng ký và trên 191 tỷ USD thực hiện, có hàng chục tỷ vốn đầu tư gián tiếp, trên 91 tỷ USD ODA được giải ngân, tổng kim ngạch xuất/nhập khẩu hai chiều năm 2018 đạt tới 480 tỷ USD, gần bằng 200% GDP; nhiều tập đoàn đầu tư, thương mại lớn của các nền kinh tế lớn nhất thế giới đã có mặt tại Việt Nam).
Du lịch nói chung và khách quốc tế đến Việt Nam đã góp phần giải quyết công ăn việc làm cho hàng triệu lao động, kể cả ở vùng sâu, vùng xa có các điểm tham quan, du lịch; góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế (bao gồm cả lao động, vốn đầu tư, ngành nghề kinh doanh, dịch vụ).
Hiện trạng xuất khẩu dịch vụ du lịch có một số điểm đáng lưu ý.
Lượng khách đến Việt Nam tăng gần như liên tục qua các năm, năm 2016 tăng 26%, năm 2017 tăng 29,1%, năm 2018 tăng 19,9%, 7 tháng đầu năm 2019 chỉ tăng 7,9% và dự báo cả năm cũng chỉ đạt được tốc độ này, nhưng vẫn tăng và quy mô năm 2019 có thể vượt qua mốc 16,7 triệu lượt người.
Trong 7 tháng 2019, theo phương tiện đến, chỉ có đường bộ tăng cao (25,2%), còn đường hàng không tăng thấp (4,7%), riêng đường biển còn bị giảm (11,3%). Theo nước, khách đến từ Trung Quốc tuy vẫn đông nhất (gần 2,9 triệu lượt người), nhưng giảm 2,8%. Một số nước và vùng lãnh thổ cũng có lượng khách đến giảm (Campuchia, Lào, Phần Lan, Australia…).
“Mật độ” khách quốc tế tính trên 100 dân số Việt Nam đã liên tục tăng, khả năng năm 2019 vượt qua mốc 17,2 khách, nhưng còn thấp xa so với một số nước trong khu vực đã đạt được vào năm 2016 (Thái Lan là 47, Malaysia là 85,6, Singapore là 288).
Tỷ lệ khách quay trở lại lần 2 trong năm còn thấp (chỉ khoảng trên 10%, thấp xa so với tỷ lệ của Thái Lan (82%), Singapore (89%). Tình trạng chèo kéo, vệ sinh môi trường, trình độ ngoại ngữ, cơ sở hạ tầng còn yếu…
Mục tiêu thu hút khách quốc tế đến Việt Nam khá cao, cả về lượng người đến, cả về chi tiêu của khách,.. với mục tiêu tổng quát cùng với du lịch trong nước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Trong lĩnh vực thu hút khách quốc tế đến Việt Nam tới đây có nhiều việc phải làm, với 5 điểm đáng quan tâm.
Cụ thể là, quan tâm đến quy hoạch điểm du lịch và phát triển sản phẩm du lịch. Đa đạng hóa sản phẩm du lịch và thị trường nguồn khách. Phát triển kỹ năng lực lượng lao động, đặc biệt là ngoại ngữ. Tăng cường kết nối chuỗi giá trị du lịch trên cả nước, giữa các địa phương và ở địa phương. Cải thiện quản lý luồng khách. Nâng cao chất lượng và năng lực hạ tầng điểm du lịch. Bảo vệ tài sản văn hóa và môi trường.
Đào Ngọc Lâm
Theo Chinhphu.vn