Lê Duy Khánh – Kỹ sư sinh năm 2000 tại Zalo AI đã có nhiều chia sẻ hồi hộp khi bài tham luận được thuyết trình tại Hội nghị khoa học thế giới Interspeech diễn ra ở Hy Lạp từ ngày 1 – 5/9/2024.
Theo Khánh, cảm giác choáng ngợp nhưng thích thú là những từ được kỹ sư GenZ dùng để miêu tả về trải nghiệm của mình tại Hy Lạp trong 5 ngày.
Choáng ngợp vì được chứng kiến hàng nghìn bài phát biểu cũng như diện kiến những tên tuổi lớn trong làng AI thế giới. Thích thú vì đây là cơ hội được học hỏi và trải nghiệm của chàng kỹ sư Zalo trẻ. Duy Khánh chia sẻ.
“Trước chuyến đi, tôi cũng khá là hồi hộp và lo lắng. Đây không chỉ là lần đầu tiên tôi có cơ hội được thuyết trình tại một hội nghị khoa học hàng đầu thế giới trong lĩnh vực công nghệ nói chung và xử lý giọng nói nói riêng, đây còn là lần đầu tiên tôi ra nước ngoài”, Khánh nói.
Về bài thuyết trình tại hội nghị Interspeech, Duy Khánh cho biết, hội nghị diễn ra 5 ngày với khoảng 2.000 bài thuyết trình hội thảo của các kỹ sư, nhà nghiên cứu công nghệ và AI từ khắp nơi trên thế giới. Có 2 hình thức thuyết trình chính bao gồm thuyết trình miệng (oral presentation) và thuyết trình poster (poster presentation).
“Với việc thuyết trình miệng như tôi, mỗi người thuyết trình sẽ có khoảng 20 phút, bao gồm cả thời gian thuyết trình lẫn đặt câu hỏi, để giới thiệu công trình nghiên cứu của mình tới người xem. Với những người chọn thuyết trình poster, họ sẽ có khoảng 2 tiếng đứng cạnh poster của mình và giới thiệu nội dung trên poster tới người tham gia hội nghị.
Bài thuyết trình của tôi diễn ra suôn sẻ. Tôi nhớ có khoảng 100 người ngồi dưới khán phòng. Cuối bài có 2 người đặt câu hỏi, một người hỏi về thuật toán, một người hỏi về tốc độ xử lý. Tôi coi những câu hỏi của mọi người là cách mọi người quan tâm tới nội dung thuyết trình của mình, cũng như có thêm phản hồi để hoàn thiện sản phẩm tốt hơn”, Khánh nói trong sự hân hoan.
Việc tham gia hội nghị Interspeech mang đến cho Duy Khánh nhiều trải nghiệm ý nghĩa. Một trong những điều Duy Khánh tâm đắc nhất sau chuyến đi là niềm tin được củng cố về tầm quan trọng của nghiên cứu AI.
“Tôi có dịp được nhìn thấy những sản phẩm của những công ty lớn như Microsoft hay Meta tại hội nghị Interspeech cũng như được nghe nhiều nghiên cứu mới về AI từ các trường đại học, viện nghiên cứu công nghệ hàng đầu thế giới như đại học Carnegie Mellon, đại học John Hopkins (Mỹ)…. Để các kỹ sư trẻ như chúng tôi nói riêng và ngành công nghệ AI Việt Nam nói chung phát triển, việc đầu tư vào nghiên cứu là điều cần thiết. Làm AI luôn cần có những nghiên cứu, còn nếu hoàn toàn dùng công nghệ có sẵn của những công ty khác thì khó có thể tiến xa”, Khánh bộc bạch.
Kể từ khi bắt đầu hành trình tiên phong trong nghiên cứu AI vào năm 2017, Zalo luôn tin tưởng vào thế hệ những tài năng trẻ như Duy Khánh. Hiện tại, có đến 31% nhân sự Zalo thuộc thế hệ GenZ. Đội ngũ nhân sự trẻ đầy nhiệt huyết và không ngại thử thách này là lực lượng nòng cốt, đảm nhận các vai trò quan trọng làm nên sự thành công của các công nghệ và tính năng AI, với trên 10 triệu người dùng trong hệ sinh thái sản phẩm của Zalo.
Được biết, đây không phải là lần đầu tiên các kỹ sư Zalo AI có bài báo khoa học được công nhận cấp quốc tế. Vào năm 2021, hai đề tài nghiên cứu khác của nhóm kỹ sư Zalo AI liên quan đến công nghệ xử lý tiếng nói cũng đã được công nhận tại Hội nghị châu Á – Thái Bình Dương về Trí tuệ Nhân tạo Quốc tế (PRICAI 2021). Đáng chú ý, các tác giả của hai đề tài này đều là những nhà nghiên cứu trẻ, với độ tuổi chưa đến 30.