Trang chủĐời sốngLương Văn Can: Người thầy đầu tiên của giới doanh nhân Việt...

Lương Văn Can: Người thầy đầu tiên của giới doanh nhân Việt Nam

“Văn minh càng tiến bộ, buôn bán càng thịnh đạt. Việc buôn bán thịnh suy có quan hệ đến quốc dân thịnh suy như thế, ta coi thường xem khinh được sao”, “Kinh doanh cần có thương phẩm, cần biết ngoại ngữ”, “Bí quyết thành công của nhà kinh doanh là trung thực”, … 

Tư tưởng về kinh thương ấy của Lương Văn Can từ hơn một thế kỷ trước nay vẫn còn nguyên giá trị thực tiễn, phù hợp với đạo lý của dân tộc Việt Nam cũng như tư duy kinh doanh của thời đại. Chính vì vậy, Lương Văn Can đã được vinh danh là “Người thầy đầu tiên của giới doanh nhân” Việt Nam.

Nhân kỷ niệm 5 năm ngày Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam (10/11/2016 – 10/11/2021), ngày 10/11/2021 vừa qua Tạp chí Doanh nhân Sài Gòn đã phối hợp với Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Trường ĐH KHXH&NV), ĐHQG-HCM tổ chức hội thảo khoa học Tư tưởng kinh doanh của Lương Văn Can.

Hội thảo đã nhận được 24 tham luận của các nhà nghiên cứu là những nhà khoa học, chuyên gia hàng đầu thuộc nhiều trường đại học trên cả nước thảo luận về thân thế, sự nghiệp và tư tưởng đạo đức kinh doanh của Lương Văn Can – người được xem là “người thầy đầu tiên của giới doanh nhân Việt Nam”.

PGS.TS Hà Minh Hồng – Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG-HCM nhận định: “Trọng nông ức thương trở thành truyền thống cố hữu trong chính sách kinh tế của các vương triều, tư tưởng này không chỉ trói chặt triều đình xoay quanh vấn đề ruộng đất và sở hữu địa tô mà cũng làm cho người nông dân không thể xa rời ruộng đất và nơi cư trú. Mặc dù đô thị phát triển nhưng nơi này cũng chỉ là trung tâm chính trị văn hóa, không phải là nơi để kinh tế hàng hóa phát triển”.

Đầu thế kỷ XX, cụ Lương Văn Can và các nhà sĩ phu thành lập Đông Kinh Nghĩa Thục, in ấn, phát hành sách và tài liệu học tập, giúp việc truyền bá kiến thức và các tư tưởng của ông thuận lợi hơn. Giai đoạn đó, cụ soạn riêng 2 quyển sách chuyên sâu là Kim cổ cách ngôn (năm 1925) bàn về cách buôn bán, làm giàu và đạo đức kinh doanh và Thương học phương châm (năm 1928) bàn về việc kinh doanh. 

Hai quyển này không thuần túy là sách để học, để phổ biến kiến thức kinh doanh mà rất chú trọng việc thực nghiệp nghề buôn, phát triển buôn bán để dân giàu nước mạnh. Từ tư tưởng trong 2 quyển sách này của cụ Lương Văn Can và tinh thần của Đông Kinh Nghĩa Thục, xã hội Việt Nam đầu thế kỷ XX đã xuất hiện nhiều doanh nhân người Việt, góp phần hình thành tầng lớp tiểu tư sản và tư sản trong một quốc gia thuộc địa. 

“Cụ Lương Văn Can và những đồng sự của ông là những người đại diện thế hệ mở đường cho kinh tế Việt Nam thời hiện đại – kinh tế thương mại. Với cụ, buôn bán hay thương mại là nghề chân chính, lương thiện.

Đó không chỉ là kết quả nhận thức của một quá trình thoát khỏi nhận thức cố hữu “ức thương trọng nông” mà còn là nhận thức mới, tiến bộ, vượt trội của một bộ phận giai tầng mới trong xã hội cận đại Việt Nam. Đây là bước chuyển quan trọng từ quan điểm “ức thương” sang “trọng thương’ – PGS.TS Minh Hồng cho biết.

Theo TS. Lê Hoàng Dũng – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (KHXH&NV), Đại học Quốc gia TP.HCM, tư tưởng kinh doanh của Lương Văn Can vừa tận dụng những giá trị đạo đức truyền thống được ông sàng lọc lại, vừa hướng tới tương lai với việc cung cấp cho hậu thế những tư duy kinh doanh và tri thức kinh doanh tiến bộ mà ông tích lũy được.

“Đất nước chúng ta đang trong quá trình hội nhập và phát triển văn hoá, kinh tế, khoa học và công nghệ. Quá trình ấy đã và đang gặp nhiều trở ngại, như trận đại dịch Covid-19 kéo dài hai năm qua. Để vượt qua những trở ngại ấy, chúng ta cần nhiều sức mạnh, kể cả sức mạnh trí tuệ, sức mạnh tinh thần”, TS. Lê Hoàng Dũng chia sẻ.

TS Lê Hữu Phước – Khoa Lưu trữ học và Quản trị văn phòng ĐH KHXH và NV TP.HCM nhận định trong hai tác phẩm Kim cổ cách ngôn và Thương học phương châm viết vào những năm cuối đời, Lương Văn Can gửi gắm cho người đương thời và hậu thế nhiều điều tâm huyết, đúc kết từ nhận thức và thực tiễn kinh doanh mà ông đã dấn thân trải nghiệm.

Nội dung chủ yếu của cả hai tập sách là đưa ra các phương thức nhằm xây dựng hình ảnh đẹp của giới doanh nhân Việt và hiện đại hóa, hiệu quả hóa việc kinh doanh; trong đó Kim cổ cách ngôn đi sâu vào nội dung đạo đức kinh doanh, văn hóa kinh doanh, vào chữ tâm của doanh nhân; còn Thương học phương châm bàn luận chủ yếu về phương thức kinh doanh, về những nguyên tắc để kinh doanh thành đạt, về chữ tài của người quản lý doanh nghiệp. Nói một cách cô đọng, có thể xem Lương Văn Can là người đầu tiên xây dựng triết lý về hai giá trị cốt lõi “thương đức” và “thương tài”, người đầu tiên định hình một cách có hệ thống “đạo làm giàu” cho doanh nhân Việt.

Trăn trở trước sự yếu hèn của đất nước vì không đủ thực lực kinh tế, ông nhắc nhở đồng bào về tầm quan trọng của kinh doanh – nhân tố tác động trực tiếp đến vận mệnh quốc gia: “Đương buổi thời thế cạnh tranh này, các nước phú cường không đâu là chẳng đua tài thi sức ở trong trường thương chiến, văn minh càng tiến bộ buôn bán càng thịnh đạt, buôn bán thịnh thời trong nước giàu mạnh không biết đến đâu là cùng, buôn bán suy thời trong nước nghèo yếu không biết đâu mà kể. Việc buôn bán thịnh suy có quan hệ đến quốc dân thịnh suy như thế, ta há nên coi thường xem khinh được sao?”.

Nhận thức được tầm quan trọng đó, ông lưu ý giới doanh nhân giữ gìn đạo đức kinh doanh: “Đã buôn thời phải trau dồi tư cách nhà buôn cho trọn vẹn (…), nếu ta biết giữ lòng thành thực, để làm cái cốt tử vững vàng cho sự buôn, có kiên tâm nghị lực để gây lấy sức mạnh cho sự buôn, lại biết trông gương người các nước trong sự buôn mà chuyên tâm về nghề buôn, lại khôn ngoan giao thiệp, cần kiệm ăn tiêu (…), thời dẫu nhà buôn ta chưa thi sức đua lị với các nước phú cường được, nhưng cũng có thể bởi đó mà khởi sắc dần dần, không đến nỗi càng ngày càng thua kém thái quá”.

Nhìn thẳng vào thực trạng của doanh nhân và doanh nghiệp Việt đầu thế kỷ XX, Lương Văn Can chỉ ra một cách xác đáng 10 điểm hạn chế, yếu kém: (1) Không có thương phẩm; (2) Không có thương hội; (3) Không có chữ tín; (4) Không có kiên tâm; (5) Không có nghị lực; (6) Không biết trọng nghề; (7) Không có thương học; (8) Kém đường giao thiệp; (9) Không biết tiết kiệm; (10) Khinh bỉ nội hóa [Ôn Như Lương Văn Can, 1928, tr.33-39].

Từ đó, ông chú trọng trang bị cho những người đang bước chân vào hoạt đông kinh doanh những tri thức nền tảng, bắt đầu từ các khái niệm cơ bản: Tư bản, Tổ chức sự buôn, Tính toán, Sổ sách, Thư từ, Mua hàng, Thương hiệu, Thương tiêu, Thương địa, Thương điếm, Bày hàng, Quảng cáo, Giao tế tiếp dẫn, Điều lệ nhà băng, Sự buôn bán ở nước ta. Quan trọng hơn, ông đặc biệt chú ý đến “văn hóa kinh doanh” (mà ông gọi là “thương đức”), có thể đúc kết thành mấy nội dung chính:

Cần phải học kinh doanh một cách nghiêm túc với tất cả “công phu”, “khí lực”, bởi đây là điều kiện tiên quyết để có thể thành công trên thương trường. “Nước ta ngày trước học Nho chỉ chí tại thi đỗ để ralàm quan, ngày nay học Tây chỉ chí tại tốt nghiệp để ra làm việc, ít người chí làm thực nghiệp.

Hoặc có một bọn muốn làm nghề buôn mà tư bản đã ít, học thức cũng kém, chỉ được mấy năm thì thất bại khánh tận ngay, ấy chỉ bởi không có thương học mà đến thế”. Từ thực tế đó, ông xác định mục tiêu khi viết sách là để “độc giả chọn lấy mà xem cho biết sự thể tình hình, may ra nghề buôn nước ta có phát đạt hơn trước được chăng”.

Ông tha thiết dặn dò: “Đã nhận một chức nghiệp gì thì phải nghiên cứu những sự vụ đó có gì quan thiết đến chức nghiệp mình, suy xét tình hình cho kỹ…, dẫu làm kỹ nghệ nhỏ cũng cốt phải dung cả khí lực, cũng cốt phải dùng công phu nhẫn nại mới được”.

Kinh doanh phải nhằm mục tiêu cao nhất là phụng sự xã hội, đem lại lợi ích cho cộng đồng. Muốn làm được điều này, không được xem lợi nhuận là mục tiêu duy nhất trong kinh doanh, mà phải biết đem của cải, lợi nhuận của mình đóng góp cho xã hội: “Cứu người nạn, giúp người ngặt, cho người nghèo, thương người khổ, những việc thiện đó là chỗ nên tiêu tiền”.

Và không dừng lại ở câu chữ trong sách vở, cũng không chỉ tương trợ người nghèo khổ, động thái của Lương Văn Can và gia đình ông khi bán gần như toàn bộ gia sản của mình phục vụ cho sự nghiệp giải phóng dân tộc chính là triết lý cao nhất, là bài học lớn nhất về tinh thần vì nước, vì dân Buôn bán, kinh doanh là một nghề lương thiện, đòi hỏi sự trung thực, không chấp nhận gian dối trong kinh doanh.

“Việc gì trái lương tâm mình thì không nên làm, việc gì trái công lý thì không nên làm, việc gì hại người thì không nên làm, việc gì gây nên ác nghiệp thì không nên làm”; “nguồn lợi thu về phải theo lẽ tự nhiên, đừng bao giờ vì lợi mà làm điều xằng bậy hoặc phiêu lưu mạo hiểm”; “người ta giàu nghèo ở tâm đức, ở lòng ngay thẳng, khoan hậu với người”; “cái sự lợi ích bởi ngay thẳng mà làm được thế mới là lợi ích chính đáng, nếu gian dối mà được thời chỉ là bất nghĩa mà thôi”. Những lời căn dặn đó của Lương Văn Can chính là thông điệp của triết lý kinh doanh phải minh bạch và chính trực.

Phải sử dụng của cải, tiền bạc sao cho có ích, đúng chỗ, đúng lúc: “Của cải là sự sống còn của con người…, khi dùng của cải phải xem nguồn gốc của nó có trong sáng không, có hợp nghĩa không…

Nguồn của cải đã trong sáng thì việc chi tiêu phải có đạo, phải tính toán cân nhắc việc nặng, việc nhẹ, việc khoan, việc gấp, việc trước, việc sau. Việc gì nên chi thì chẳng nên kiệm, việc gì cần phải kiệm thì chẳng nên chi”; “cần thì làm ra của, kiệm thì ít tốn của, cần mấy kiệm là cái đạo trị sinh vậy” [Ôn Như Lương Văn Can, 1925, tr.33, 8].

Để thành công trong kinh doanh, Lương Văn Can còn kêu gọi phải nêu cao ý thức đoàn kết giữa các doanh nghiệp và phát huy tinh thần tập thể trong nội bộ từng doanh nghiệp. Ở mỗi doanh nghiệp, cần làm cho “người trong hiệu tình nghĩa liên lạc với nhau…, lập hội sở, mỗi năm mấy kỳ đến hội, hoặc hát tuồng, hoặc diễn thuyết, hoặc đá bóng, hoặc ra ngoài đồng thể thao, để cho người trong hiệu đi lại thân mật kết thành đoàn thể với nhau, thật là một cách chơi phong nhã rất tốt”.

Đồng thời, phải biết quan tâm đến cộng đồng doanh nghiệp, “không những nên biết chức nghiệp trong hàng mình, lại nên biết tình hình bên ngoài nữa…, nếu chỉ biết lợi mình mà không nghĩ đến người…, mình cũng không chuyên lợi được mãi đâu” [Ôn Như Lương Văn Can, 1928, tr.27, 17-18].

Nhìn lại hành trạng và trước tác của Lương Văn Can trên dưới 100 năm trước, hậu thế càng thêm trân trọng một tấm gương được tôn vinh là “người thầy đầu tiên của giới doanh thương Việt Nam”, “người đầu tiên xây dựng đạo kinh doanh cho người Việt”, “người truyền cảm hứng khởi nghiệp kinh doanh”, “người có tư tưởng kinh doanh vượt thời gian”…

Ông thực sự xứng đáng với những lời ca ngợi đó. Gần mười năm trước, nhân kỷ niệm 85 năm ngày mất của Lương Văn Can (13/6/1927 – 13/6/2012), ngày 01/7/2012 Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã truy tặng ông danh hiệu “Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu”.

Thiết nghĩ, tầm vóc và cống hiến của ông trong phong trào “chấn hưng thực nghiệp” đầu thế kỷ XX nói riêng và trong lịch sử phát triển kinh tế của đất nước nói chung cần được tiếp tục ghi nhận và tôn vinh ở những chiều kích cao nhất, trang trọng nhất.

Đề xuất:

spot_img