Năm nào anh trai ở Pháp cũng nhắn mình chụp hình mấy cây mai trong vườn qua cho anh ấy ngắm. Đặc điểm chung của hai anh em là rất yêu mai, tình yêu này có thể nói là được truyền lại từ mẹ.
Nói đến văn hóa chơi mai ở nông thôn và thành thị cũng khác hẳn. Riêng cái khoản này mình đảm bảo thành thị nghèo hơn nông thôn xa lắc.
Ở Sài Gòn, đa phần mỗi nhà chỉ có khoảng 1-2 cây mai be bé vì diện tích nhà phố nhỏ, đất trồng trọt không nhiều. Mỗi năm gần tết, mọi người xúm lại nâng niu, lặt từng lá, mỗi ngày trông từng cái nụ nẩy lên rồi vui sướng khi thấy từng bông hoa e ấp nở. Cách chơi mai của dân thành thị khá thanh tao, tết uống trà, bia, nước ngọt, ăn bánh ngắm mai đoán xem năm tới sẽ thịnh vượng thế nào, cây càng nở hoa nhiều càng may mắn và đặc biệt phải đúng lúc, từ tối Giao thừa đến sáng mùng 1 là thời điểm đẹp nhất để hoa nở rộ.
Ở nông thôn phần lớn các gia đình dù là nhà nghèo cũng có vô số mai, và những cây bé nhất trong vườn cũng bằng những cây mai được các gia đình thành phố trưng bày. Còn lại là những thân mai lớn và nhiều không kể xiết, vì vậy, gần đến tết, mấy đứa nhỏ mà nghe người lớn kêu lặt lá mai là… xanh mặt. Để lặt hết lá mai phải mất 2-3 ngày, lặt ở trên ngọn người ta sử dụng các loại thang chuyên dụng và có kỹ thuật để lặt nhanh mà không làm rụng nhiều nụ.
Cách ngắm và đánh giá mai của nông thôn hào nhoáng hơn thành thị nhiều. Gần đến tết, dân quê thường túm tụm tán dóc về những cây mai lớn trong vùng và đưa ra đánh giá xem cây nào là đẹp nhất. Những gia đình có mai lớn và đẹp sẽ là nơi có nhiều người dân ghé thăm trong dịp cuối năm cũ và đầu năm mới, người ta có thể lái xe đi ngang qua hoặc xin vào nhà tận mắt ngắm, toàn là những người không thân thích hoặc thậm chí xa lạ nhưng gia chủ vẫn sẵn sàng đón tiếp, đối với họ đó là niềm tự hào vì mai nhà có đẹp thì mới có người tới xin ngắm.
Cách đánh giá mai đẹp ở nông thôn cũng khác thành thị, có rất nhiều tiêu chuẩn, dáng mai, thân mai, gốc mai, rễ mai, tàn mai, hoa mai. Hoa mai không phải cứ nhiều cánh là đẹp, vì nhiều cánh có nghĩa là mai ghép, sẽ sống không thọ. Đa phần những cây mai cao, gốc to, tàn lớn, bề hoành rộng có tiềm năng lên hàng cổ thụ sau này thì sẽ có 5 cánh. 5 cánh tượng trưng cho ngũ hành, rơi vào cung sinh trong sinh lão bệnh tử. Mùa xuân tượng trưng cho sự sinh sôi nẩy nở, bắt đầu những điều mới mẻ tốt đẹp. Còn để đánh giá một gia đình năm mới có hên không thì người ta sẽ nhìn vào vườn mai chứ không riêng một cây nào, ví dụ năm nay vườn nhà ông A mai nở rợp trời vào mùng 1 tết thì người ta đoán năm nay ông ấy sẽ ăn nên làm ra, gia đình sung túc.
Cách chơi mai của dân chuyên nghiệp thì phức tạp hơn nhiều nhưng mình không bàn ở đây vì sẽ “múa rìu qua mắt thợ”. Còn đối với dân quê, trong một vườn mai cả mấy chục thậm chí hàng trăm cây may ra mới có được một cây mai lên hàng “celeb” nghĩa là “hiện tượng”.
Các cây này thường rất đẹp và hiếm vì người trồng không hề can thiệp kỹ thuật hay uốn éo gì nhưng trời sinh ra đã vốn đẹp. Các cây mai đẹp ấy thường có dáng thẳng, không cong queo (gọi là dáng trực tượng trưng cho người quân tử), dân quê không phải nghệ nhân để có thể tự tạo ra dáng mai bonsai uốn éo theo những hình dáng có dụng ý riêng. Gốc mai to, càng xù xì càng đẹp, bề hoành có thể trên 10, tán rộng đều hiên ngang dang tay giữa trời, rể cây nổi lên như những con rắn bò trên mặt đất tạo thế vững chãi.
Dân chuyên nghiệp cũng rất nghiện những cây mai dạng “hiện tượng” như vậy. Mỗi năm họ phải cất công vào sâu các vườn mai trong tận cùng làng xã nông thôn để chào mua mai đẹp với giá hàng tỉ nhưng thường gia chủ sẽ không bán vì đã là hiện tượng thì rất hiếm, bán đi rồi sợ sẽ không có duyên để có cây mai như vậy lần nữa. Nếu biết được gia chủ đang gặp khó khăn về tài chính thì bất cứ thời điểm nào trong năm họ cũng sẽ lặn lội tới để chào mua cây mai đó với hy vọng người trồng quá bế tắc đành phải bán. Một người chủ biết yêu mai nếu vì hoàn cảnh mà phải bán đi cây mai hiện tượng của mình có thể sẽ cảm thấy buồn và hối tiếc rất lâu.
Nhìn mai lại ngẫm chuyện đời, người ta thường phải sử dụng những giá trị vật chất để nhận diện và đánh giá giá trị của con người. Nhưng đôi khi, giá trị chân thật và hiếm thấy như người quân tử tài năng thì chỉ có tạo hóa mới có thể tạo ra và phải trong vô số người, trải qua một thời gian dài mới có một.
Do đó, đối với người quân tử, tiền bạc lại khó đo lường và mua được. Như vậy mới hiểu tại sao ngày xưa Lưu Bị phải 3 lần lên núi để thuyết phục Khổng Minh đồng ý phò tá và tại sao Lý Quang Diệu phải xây dựng chính sách trọng dụng người tài để đưa Singapore lên như ngày nay.
Vậy mà, ở nước ta, người tài đã hiếm lại còn bị cô độc và rẻ rúng, chẳng trách mà “chảy máu chất xám”. Quả là buồn và hối tiếc lắm!
(Theo Trần Hương Giang – Một Thế Giới)