Trang chủĐời sốngQuảng cáo sử dụng cụm từ "Mở lon Việt Nam": Coca Cola...

Quảng cáo sử dụng cụm từ “Mở lon Việt Nam”: Coca Cola Việt Nam cố tình “đùa giỡn” với pháp luật và ngôn ngữ tiếng Việt?

Cộng đồng mạng Việt Nam đang có sự tranh luận về việc đúng – sai trong việc Coca Cola Việt Nam quảng cáo có sử dụng cụm từ “Mở lon Việt Nam”.

Theo quan điểm của cơ quan quản lý Nhà nước là Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) thì “Việc sử dụng cụm từ nêu trên trong nội dung quảng cáo có dấu hiệu về hành vi quảng cáo thiếu thẩm mỹ, không phù hợp thuần phong mỹ tục Việt Nam, đồng thời không đảm bảo thông tin rõ ràng của nội dung quảng cáo với sản phẩm, hàng hóa được quảng cáo, vi phạm các quy định tại khoản 3 Điều 8 và khoản 1 Điều 19 Luật Quảng cáo”.

Là một tập đoàn đa quốc gia với đội ngũ tư vấn luật hùng hậu, chắc hẳn đa số cư dân mạng không thể tin rằng Coca Cola lại thiếu hiểu biết pháp luật để dẫn đến mức vi phạm như kể trên. Nhiều cư dân mạng cho rằng đây là hành vi cố tình nhằm tạo hiệu ứng viral và pr ngược cho chiến dịch quảng cáo của công ty này.

Theo quy định xử lý vi phạm trong quảng cáo thì chỉ bị phạt tiền tối đa đến 100 triệu đồng. Đây là con số quá nhỏ bé với một tập đoàn có doanh thu tỷ đô như Coca Cola Việt Nam.

Có thể thấy kế hoạch của Coca Cola đã có hiệu quả và ngay lập tức lan truyền bằng tốc độ tên lửa trên mạng xã hội Facebook. Do đó khi bị cơ quan quản lý Nhà nước “sờ gáy” thì họ nhanh chóng ra quyết định bỏ “lon” khỏi slogan quảng cáo và đổi thành thành “Cơ hội trúng vàng mỗi ngày”.

Ở một góc nhìn khác, nhiều người cho rằng Coca Cola Việt Nam đã cố tình “đùa giỡn” với sự trong sáng của ngôn ngữ tiếng Việt – tài sản quý báu mà cả dân tộc ta gìn giữ ngàn năm nay và hiện cũng đã được quy định rõ trong Hiến pháp và pháp luật.

Cụ thể, ngày 6/6/2019, tại phiên giải trình trước Quốc hội (QH) của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam về vấn đề bảo vệ ngôn ngữ tiếng Việt, Phó thủ tướng cho biết nội dung này đã có khung pháp lý trong Hiến pháp và văn bản pháp luật khác; các quy định này không ngừng được hoàn thiện, bổ sung, sửa đổi, khi đã ban hành thì thực hiện nghiêm, ai vi phạm phải bị xử lý.

Cũng theo Phó thủ tướng Vũ Đức Đam: Chính phủ đã giao Viện hàn lâm Khoa học Xã hội và Nhân văn Việt Nam, trong đó Viện Ngôn ngữ nghiên cứu 10 đề tài cấp Bộ về các khía cạnh khác nhau, chuẩn bị luận cứ, đến thời điểm thích hợp để trình cấp có thẩm quyền dự án Luật về ngôn ngữ tiếng Việt.

Chính phủ cũng giao Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Bộ Khoa học Công nghệ và Bộ Giáo dục Đào tạo phối hợp chuẩn bị.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng cho hay, trong chương trình soạn thảo sách giáo khoa mới, Chính phủ yêu cầu Bộ Giáo dục Đào tạo giữ gìn sự trong sáng của Tiếng Việt trong sách giáo khoa từ mẫu giáo trở lên.

Thiết nghĩ cũng cần nhắc lại lời nhà văn Nam Cao như một lời cảnh tỉnh cho sự “đùa giỡn” của Coca Cola Việt Nam với sự trong sáng ngôn ngữ tiếng Việt: “Sự cẩu thả trong bất cứ nghề gì cũng là một sự bất lương rồi. Nhưng sự cẩu thả trong văn chương thì thật là đê tiện”.

Đề xuất:

spot_img