Trang chủĐời sốngThành lập Hội đồng Doanh nghiệp Việt Nam – Châu Âu (EVBC)

Thành lập Hội đồng Doanh nghiệp Việt Nam – Châu Âu (EVBC)

Trong bối cảnh Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) đã có hiệu lực vào ngày 1 tháng 8 năm 2020, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam (Eurocham) đã thống nhất cùng đưa ra sáng kiến thành lập Hội đồng Doanh nghiệp Việt Nam – Châu Âu ( gọi tắt là EVBC), một cơ chế hợp tác giữa hai tổ chức nhằm góp phần triển khai hiệu quả EVFTA, hỗ trợ doanh nghiệp hai bên tận dụng tối đa các cơ hội do Hiệp định mang lại.

Đồng thời góp phần tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu. Sáng kiến này đã được báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Cao ủy phụ trách thương mại của Liên minh châu Âu (EU) Cecilia Malmstrom và Phil Hogan và đã được hoan nghênh.

Hội đồng Doanh nghiệp Việt Nam – Châu Âu là một cơ chế hợp tác, quy tụ các đại diện của cộng đồng doanh nghiệp Châu Âu và Việt Nam, là nguồn chia sẻ thông tin hữu ích và là nơi thảo luận về thách thức chung trong việc thực thi Hiệp định mang tính lịch sử này.

Sứ mệnh của EVBC là xây dựng một cơ chế tham vấn song phương, đóng vai trò là một nền tảng nhằm tạo cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam và EU. Các doanh nghiệp hội viên có cơ hội được báo cáo và đối thoại trực tiếp với Lãnh đạo Chính phủ, các Bộ ngành và các cơ quan hữu quan của Việt Nam cũng như các cơ quan tại Ủy ban Châu Âu, Nghị viện Châu Âu và các cơ quan khác tại các quốc gia thành viên của Liên minh Châu Âu nhằm đóng góp ý kiến về các chính sách và chia sẻ thông tin về các quy định của Liên minh Châu Âu và/hoặc các quy định pháp luật Việt Nam liên quan đến việc áp dụng và thực thi các Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU.

Bên cạnh đó, EVBC còn đóng vai trò là cơ chế hỗ trợ cho cộng đồng doanh nghiệp hai bên tận dụng lợi thế từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU phát huy nội lực, tăng cường hoạt động kinh doanh đầu tư hiệu quả.

Mục tiêu của EVBC:

  • Thúc đẩy hỗ trợ chính sách, đối thoại và điều phối, trao đổi thông tin giữa các thành viên của các Bên liên quan (bao gồm cả các tổ chức EU và các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam, các nhóm kinh doanh và các bên liên quan) trong quá trình hoạt động,  thông qua các hoạt động  quảng bá, hỗ trợ, dự đoán và kiến nghị về các chính sách, luật và quy định pháp luật mà có hoặc có khả năng ảnh hưởng đến việc thực thi Hiệp định này;
  • Đánh giá, kiến nghị về các vấn đề liên quan đến việc thực thi Hiệp định có thể được đưa ra bởi các thành viên của các bên và đóng vai trò là kênh trao đổi và đưa các vấn đề này tới các Cơ quan Châu Âu và các Cơ quan Việt Nam có liên quan;
  • Thông qua Nhóm công tác, xây dựng và thống nhất các chiến lược, hoạt động phù hợp, thu thập các thông tin liên quan nhằm giảm thiểu những rào cản (về quy định pháp luật, khó khăn thực tế…) có thể ảnh hưởng đến các thay đổi tích cực tiềm năng trong các khung pháp lý của Việt Nam và các quốc gia thành viên Châu Âu cũng như trong việc áp dụng và thực thi Hiệp định của các bên;
  • Khuyến khích và phân tích các sáng kiến phục vụ cho việc thúc đẩy áp dụng và thực thi Hiệp định;
  • Xem xét khả năng cùng phối hợp hoặc hợp tác song phương trong các dự án thuộc phạm vi lợi ích của các thành viên tương ứng của các bên theo Hiệp định; 
  • Báo cáo các kiến nghị chung lên các cơ quan Chính phủ Việt Nam và Liên minh Châu Âu để áp dụng và thực thi Hiệp định;
  • Xây dựng chương trình hành động hiệu quả, cụ thể và có thể lượng hóa được nhằm mục đích quảng bá việc thực thi Hiệp định. Sẽ tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Doanh nghiệp Châu Âu – Việt Nam hàng năm nhằm quảng bá hợp tác trong lĩnh vực kinh tế, thương mại và đầu tư giữa Châu Âu và Việt Nam.

Cơ cấu tổ chức của EVBC:

  • Ban lãnh đạo: 10 thành viên (05 thành viên mỗi bên bao gồm 2 đồng Chủ tịch là Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc và Chủ tịch Eurocham Nicolas Audier), là các chuyên gia, lãnh đạo doanh nghiệp và Hiệp hội ngành nghề  của Việt Nam và EU. Ban lãnh đạo có trách nhiệm rà soát và phê duyệt bất kỳ vấn đề nào được nêu bởi các Nhóm Công tác.
  • Nhóm làm việc: 15 nhóm làm việc theo các ngành nghề chủ đạo trong nền kinh tế của Việt Nam và EU, đồng thời những ngành nghề này chịu tác động mạnh từ Hiệp định thương mại tự do. Dự kiến trong giai đoạn 1 sẽ tập trung vào các nhóm ngành bao gồm: dệt may, thủy sản, da giầy, thương mại điện tử, nông nghiệp, dược phẩm thiết bị y tế, du lịch, sở hữu trí tuệ, luật pháp, tăng trưởng xanh và phát triển bền vững, công nghiệp phụ trợ và logistic, đồ gỗ và nội thất, thuế và chuyển giá, tư vấn pháp luật và chính sách, rượu bia và đồ uống. Đứng đầu mỗi Nhóm làm việc là 02 Chủ tịch Nhóm làm việc (01 thành viên Việt Nam và 01 thành viên EU).  Chủ tịch các Nhóm công tác có trách nhiệm rà soát và xem xét/ quyết định đưa các đề xuất/ kiến nghị của các thành viên Nhóm công tác lên Ban lãnh đạo phê duyệt.
  • Ban thư ký: là các cán bộ Ban Quan hệ Quốc tế – VCCI và Eurocham. Ban thư ký có trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ do  hai đồng Chủ tịch, Ban lãnh đạo và Chủ tịch các Nhóm công tác chỉ đạo.
  • Hội viên: tất cả các doanh nghiệp Việt Nam và EU; các Hiệp hội ngành nghề của cả hai bên có mong muốn đẩy mạnh quan hệ hợp tác với thị trường EU đều có thể đăng ký tham gia là Hội viên của EVBC. Việc đăng ký tham gia Hội viên của EVBC là hoàn toàn tự nguyện và miễn phí.

Hoạt động ưu tiên trong năm 2020:

Hiệp định Thương mại Tự do giữa Việt Nam và EU (EVFTA) được coi là một điểm sáng và là sức mạnh mới mà Việt Nam có thể tận dụng để khẳng định vị thế và nhanh chóng khôi phục tốc độ phát triển kinh tế sau đại dịch Covid-19. Sự hình thành của EVBC sẽ là cánh tay đắc lực của Chính phủ, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp hai bên thực thi thành công Hiệp định này, góp phần tích cực vào quan hệ hợp tác thương mại giữa Việt Nam và EU.

Trước mắt, bên cạnh việc tập trung cung cấp thông tin về EVFTA, những lợi thế và rào cản doanh nghiệp phải đối mặt; EVBC sẽ xây dựng kế hoạch triển khai các hoạt động thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai bên đặc biệt trong bối cảnh COVID 19 đang tác động rất mạnh đến hoạt động doanh nghiệp.

Một số hoạt động dự kiến trong năm 2020, cụ thể:

  • Các Nhóm làm việc sẽ thu thập ý kiến doanh nghiệp trong các ngành nghề liên quan về các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai, bất cập về mặt thủ tục, chính sách, từ đó sẽ phối hợp với các Bộ ngành và Cơ quan liên quan hỗ trợ, giải đáp cho doanh nghiệp.
  • Triển khai thực hiện các hoạt động quảng bá, cung cấp thông tin, đào tạo chuyên sâu về thị trường, EVFTA với sự tham gia của các chuyên gia đầu ngành, lãnh đạo doanh nghiệp Việt Nam và EU sẽ được tổ chức để hỗ trợ doanh nghiệp khai thác thị trường và Hiệp định một cách hiệu quả. 
  • Báo cáo, kiến nghị chính sách theo ngành sẽ được các Nhóm làm việc tổng hợp và trình lên Chính phủ và các Bộ ngành liên quan.

Có hiệu lực kể từ ngày 1 tháng 8, EVFTA là Hiệp định thương mại tự do toàn diện và tham vọng nhất từng được ký kết giữa EU và một quốc gia đang phát triển, và là Hiệp định thứ hai EU ký kết với một quốc gia thành viên ASEAN. Hiện nay Hiệp định đã đi vào hiệu lực, với 65% hàng hóa xuất khẩu từ EU sang Việt Nam cùng với 71% hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang EU được miễn thuế. Con số này sẽ tăng lên 99% trong vòng 10 năm tới, giúp các doanh nghiệp Việt Nam có đặc quyền tiếp cận thị trường tiêu dùng rộng lớn của Châu Âu, và ngược lại, doanh nghiệp EU cũng có cơ hội tiếp cận tốt hơn với các lĩnh vực đang phát triển nhanh của Việt Nam.

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cho biết:

“Trong suốt những năm qua, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (Eurocham) đã luôn song hành, sát cánh thúc đẩy những nỗ lực của quá trình đàm phán, rà soát, trao đổi và thảo luận ký kết Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA). Chúng tôi vui mừng và trân trọng cảm ơn quyết tâm của Chính phủ Việt Nam và các Cơ quan có thẩm quyền của EU trong nhiều năm qua để hai Hiệp định được ký kết.

Hội đồng doanh nghiệp Việt Nam – Châu Âu ra đời xuất phát từ mong mong muốn hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và EU, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể “nhập làn cao tốc EVFTA”. Trên con đường cao tốc đó, doanh nghiệp Việt Nam biết chắc sẽ phải đối diện với rất nhiều khó khăn và không thể tránh khỏi tâm lý e ngại, lo lắng, nhưng không vì thế mà không “lên cao tốc”. Hội đồng sẽ đại diện cho tiếng nói của doanh nghiệp Việt Nam và EU trong quá trình thực thi EVFTA. Hội đồng sẽ là cầu nối đưa ý kiến của doanh nghiệp đến với Chính phủ, các cơ quan chức năng của cả Việt Nam và EU.

Cảm ơn Eurocham đã đồng lòng cùng chúng tôi. Cảm ơn sự tin tưởng và ủng hộ của cộng đồng doanh nghiệp. Tôi tin các bạn tận dụng tốt Hiệp định này”

Ông Nicolas Audier, Chủ tịch EuroCham cho biết:

 “EVFTA là một Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới. Trong thập kỷ tới, Hiệp định này sẽ giúp thúc đẩy thương mại và đầu tư phát triển giữa Việt Nam, một trong những thị trường phát triển nhanh và hấp dẫn nhất trên thế giới – với Liên minh châu Âu, khối thương mại lớn nhất thế giới. Đây là một cơ hội ‘đôi bên cùng có lợi’ thực chất đối với các công ty và người tiêu dùng.

 Giờ đây EVFTA đã có hiệu lực, việc Hiệp định được triển khai thành công và đảm bảo các bên có thể phát huy mọi tiềm năng hay không phụ thuộc rất lớn vào cộng đồng doanh nghiệp của cả hai bên. EuroCham tự hào thành lập nên Hội đồng Doanh nghiệp Việt Nam – Châu Âu cùng với VCCI, và chúng tôi muốn tái khẳng định sự hợp tác chặt chẽ và hiệu quả giữa EuroCham và VCCI khi mở ra chương mới trong quan hệ thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu.”

Đề xuất:

spot_img