Theo thống kê trong 5 tháng đầu năm 2019, Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) đã hủy niêm yết bắt buộc đối với 14 cổ phiếu. Nguyên nhân chủ yếu do các công ty này kinh doanh thua lỗ trong 3 năm liên tiếp (2016-2018).
HNX hủy niêm yết bắt buộc 14 cổ phiếu trong 5 tháng đầu năm
Cụ thể, trong tháng 2, cổ phiếu SDP của CTCP SDP bị hủy niêm yết (từ ngày 21/2).
Tháng 4, có 2 cổ phiếu bị hủy niêm yết là ORS của CTCP Chứng khoán Phương Đông (từ 9/4) và SDE của CTCP Kỹ thuật điện Sông Đà (từ 19/4).
Trong tháng 5, có 5 cổ phiếu bị hủy niêm yết gồm SCJ của CTCP Xi măng Sài Sơn (từ 20/5), PCN của CTCP Hóa phẩm dầu khí DMC miền Bắc (từ 23/5), PVV của CTCP Vinaconex 39 (từ 24/5), DCS của CTCP Tập đoàn Đại Châu (từ ngày 24/5) và DLR của CTCP Địa ốc Đà Lạt (từ 24/5).
Tháng 6 tới, sẽ có 6 cổ phiếu bị hủy niêm yết, gồm KHB của CTCP Khoáng sản Hòa Bình (từ 18/6), ALV của CTCP Đầu tư và phát triển hạ tầng ALV (từ 14/6), ASA của CTCP Hàng tiêu dùng ASA (từ 13/6), CMI của CTCP CMI STONE (từ 6/6), SDD của CTCP Đầu tư xây lắp Sông Đà (từ 4/6) và LTC của CTCP Điện nhẹ Viễn thông (từ 13/5).
Lý do các cổ phiếu này bị hủy niêm yết chủ yếu là do kết quả kinh doanh thua lỗ trong 3 năm liên tiếp (2016-2018), chậm công bố báo cáo tài chính 3 năm liên tiếp (ALV, ASA, CMI), bị kiểm toán từ chối ra báo cáo kiểm toán đối với báo cáo tài chính năm 2018 (LTC, SDD, DCS).
Xuống rồi lại xin lên
Việc các doanh nghiệp niêm yết trên các sàn chứng khoán có nhiều kế hoạch “nhảy sàn” từ UPCoM, HNX sang HOSE và ngược lại có lẽ đang là xu hướng mới để xoay chuyển nguồn vốn.
Điển hình như ngày hôm nay 31-5, Sở GDCK Hà Nội (HNX) chính thức đưa 4,5 triệu cổ phiếu DLR, trị giá 45 tỷ đồng, của CTCP Địa ốc Đà Lạt vào giao dịch trên sàn UPCoM, mệnh giá 10 nghìn đồng/cổ phần. Trước đó, ngày 24/05 DLR đã bị hủy niêm yết trên sàn HNX.
CTCP Địa ốc Đà Lạt có trụ sở tại 25 Trần Phú, phường 3, TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng, được thành lập từ việc cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước Công ty Kinh doanh và Phát triển nhà Lâm Đồng, ngày 19-12-2006.
Cũng trong ngày 7-6 tới, CTCP Kinh doanh Thủy hải sản Sài Gòn cũng sẽ đưa 8,8 triệu cổ phiếu APT, mệnh giá 10 nghìn đồng, tương ứng giá trị đăng ký giao dịch theo mệnh giá là 88 tỷ đồng, vào giao dịch trên thị trường UPCoM tại HNX, với giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên là 2.500 đồng/cổ phiếu.
Thủy Sản Sài Gòn có vốn điều lệ 88 tỷ đồng, trong đó vốn Nhà nước chiếm 30%; là thành viên của Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn TNHH MTV (SATRA), thành viên Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), thành viên Hội Lương thực TP Hồ Chí Minh (FFA), và các tổ chức, hiệp hội khác…
Bên cạnh các thông báo của sàn HNX thì sàn HOSE cũng sôi động với việc doanh nghiệp xin được chuyển sàn.
Cụ thể, CTCP Tư vấn xây dựng điện 2 – PECC2 (mã TV2) đã nộp hồ sơ chuyển niêm yết sang HOSE từ tháng 3/2019 và dự kiến chính thức giao dịch trên sàn này trong tháng 6/2019. TV2 có vốn điều lệ 123 tỷ đồng, từng lên kế hoạch chuyển sàn từ HNX sang HOSE trong năm 2018, nhưng nay mới thực hiện được.
CTCP Tập đoàn Dabaco Việt Nam (mã DBC) cũng đăng ký niêm yết 91 triệu cổ phiếu trên HOSE. Việc DBC lên kế hoạch chuyển niêm yết từ HNX sang HOSE từ vài năm trước, khi có thông tin sáp nhập 2 Sở nên Công ty lùi lại.
Thực tế, DBC lên kế hoạch chuyển niêm yết từ HNX sang HOSE từ vài năm trước, khi có thông tin sáp nhập 2 Sở nên Công ty lùi lại.
HOSE đã có quyết định hủy niêm yết bắt buộc đối với 150 triệu cổ phiếu VHG của CTCP Đầu tư cao su Quảng Nam từ ngày 23/5/2019. VHG đang tiến hành các thủ tục đăng ký giao dịch trên UPCoM để đảm bảo việc giao dịch chuyển nhượng cổ phần của cổ đông.
Việc hủy niêm yết hay chuyển sàn nhiều khi cũng là một “nước cờ” để thu phục các mục tiêu trong từng thời điểm. Song vẫn có nhiều doanh nghiệp chuyển sàn nhằm nâng tầm thương hiệu, giúp thanh khoản của cổ phiếu gia tăng, từ đó kỳ vọng giá cổ phiếu tăng theo.
Tuy nhiên, theo một số chuyên gia cho rằng, việc chuyển sàn là quyền của DN và không phải cứ chuyển sàn là kỳ vọng giá cổ phiếu sẽ tăng. Khi chuyển sang niêm yết trên các sàn chứng khoán, dựa vào bản cáo bạch, cổ phiếu sẽ được định lại giá tham chiếu và thị giá cổ phiếu phụ thuộc phần lớn vào hiệu quả kinh doanh của DN.
Nếu Doanh nghiệp không đáp ứng được yêu cầu để thu hút nhà đầu tư thì cổ phiếu của DN khó có thể được lựa chọn, việc thua lỗ có thể tiếp tục kéo dài.
(Tổng hợp)