Ngày 16/1, UBND TP.HCM vừa chỉ đạo các đơn vị liên quan thực hiện kết luận và kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước đối với dự án xây dựng tuyến Metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên.
UBND TP.HCM giao Sở Kế hoạch – Đầu tư TP rà soát toàn bộ quá hình thực hiện dự án metro Bến Thành – Suối Tiên, đặc biệt là các căn cứ pháp lý và xác định chính xác tổng mức đầu tư của dự án.
Rà soát các hợp đồng, biên bản đàm phán thương thảo hợp đồng của các gói thầu của dự án, để đảm bảo thực hiện đúng quy định của pháp luật và tránh thất thoát, thiệt hại cho ngân sách nhà nước.
Đồng thời, Sở Kế hoạch – Đầu tư phải có báo cáo trình UBND TP trước ngày 20/1 để đơn vị này cho ý kiến trước khi gửi Thủ tướng Chính phủ.
UBND TP.HCM cũng yêu cầu chủ đầu tư của dự án là Ban Quản lý đường sắt đô thị TP (MAUR) và các đơn vị có sai sót phải thực hiện nghiêm kết luận, kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước và báo cáo trước ngày 31-3.
Dự án Metro Bến Thành – Suối Tiên hiện nay đã thực hiện hơn 60% khối lượng công trình. Sau khi tăng tổng mức đầu tư lên 47.300 tỷ đồng, metro số 1 thuộc diện dự án công trình trọng điểm quốc gia.
Trước đó, Kiểm toán Nhà nước đã báo cáo kết quả về dự án metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên), chỉ ra nhiều sai phạm liên quan đến dự án.
Cụ thể,
Dự án này thuốc diện dự án công trình trọng điểm quốc gia phải trình Quốc hội xem xét, quyết định và cấp thẩm quyền quyết định đầu tư là Thủ tướng Chính phủ. Do đó, Kiểm toán Nhà nước nhận định việc UBND TP.HCM phê duyệt lại dự án vào năm 2011 là chưa đúng trình tự thủ tục và thẩm quyền.
Cũng theo kết quả kiểm toán, ông Hoàng Như Cương, Phó Trưởng ban Quản lý đường sắt đô thị TP phê duyệt điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư và quy mô của dự án vào năm 2014 tại Quyết định 178 là trái thẩm quyền.
Cơ quan kiểm toán cũng kết luận một số sai phạm khác và kiến nghị xử lý tài chính gần 2.900 tỷ đồng, như thu hồi nộp ngân sách hơn 18 tỷ đồng, nộp thuế giá trị gia tăng hơn 53 tỷ đồng, giảm trừ thanh toán cho các nhà thầu 96 tỷ đồng…
Đối với hơn 2.860 tỷ đồng còn lại, MAUR phải xử lý theo kết quả kiểm toán và phải đàm phán, thương thảo với các nhà thầu để giảm giá hợp đồng một số gói thầu, nhằm tránh thất thoát vốn đầu tư.