Sáng 22/6, UBND Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) tổ chức hội nghị sơ kết, đánh giá 18 tháng triển khai đề án xây dựng TP.HCM trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017 – 2020, tầm nhìn đến năm 2025.
Đã triển khai hệ thống tích hợp và chia sẻ dữ liệu quan trọng
Theo báo cáo của Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM tại hội nghị, sau 18 tháng triển khai thực hiện, Đề án xây dựng TP.HCM trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017 – 2020, tầm nhìn đến năm 2025 đã đạt được một số kết quả bước đầu, là bước chuẩn bị cơ bản, quan trọng để triển khai các nội dung của đề án trong các giai đoạn tiếp theo.
Cụ thể, về xây dựng kho dữ liệu dùng chung và phát triển hệ sinh thái dữ liệu mở, TP đã triển khai hệ thống tích hợp và chia sẻ dữ liệu, thực hiện tích hợp một số cơ sở dữ liệu (CSDL) quan trọng như CSDL văn bản điện tử, CSDL một cửa điện tử, CSDL khiếu nại tố cáo, CSDL đường dây nóng, CSDL đăng ký doanh nghiệp, CSDL đầu tư nước ngoài, CSDL chứng chỉ hành nghề y… về kho dữ liệu dùng chung của TP đặt tại Công viên phần mềm Quang Trung.
Ngoài ra, TP đã triển khai thử nghiệm cổng thông tin dữ liệu mở tại địa chỉ http://data.hochiminhcity.gov.vn, đã cung cấp thông tin về cơ sở khám chữa bệnh và chứng chỉ hành nghề y, thông tin về cơ sở giáo dục và dịch vụ, thông tin về các dự án đầu tư nước ngoài và các dự án đầu tư công nhằm chia sẻ tài nguyên dữ liệu đến đông đảo người dân và doanh nghiệp.
Về xây dựng trung tâm điều hành chỉ huy của đô thị thông minh, trong giai đoạn 1, TP đã triển khai thí điểm kết nối, tích hợp dữ liệu các hệ thống camera giám sát của Sở Giao thông vận tải TP, UBND các quận (Quận 1, 12, Phú Nhuận, Gò Vấp). Tổng số camera đã được tích hợp về Trung tâm điều hành hơn 1.000 camera, trong đó phân tích nâng cao dữ liệu cùng lúc 50 camera gồm: Nhận diện khuôn mặt, nhận dạng loại phương tiện, phát hiện đám đông, các sự cố về giao thông, an ninh trật tự…
Ngoài ra, Trung tâm đã kết nối thông tin tổng hợp từ hệ thống tiếp nhận và xử lý phản ánh sự cố hạ tầng kỹ thuật đô thị, hệ thống một cửa điện tử,… Cùng với đó, từng bước nâng cấp hệ thống 1022 thành cổng thông tin tiếp nhận và giải đáp thông tin cho người dân, tổ chức và doanh nghiệp với nhiều phương thức tiếp nhận phản ánh như gọi điện thoại, nhắn tin đến đầu số 1022, gửi email, website, ứng dụng 1022 trên điện thoại thông minh hay fanpage 1022 trên mạng xã hội Facebook.
Về xây dựng trung tâm mô phỏng và dự báo kinh tế – xã hội, đã hoàn thành tập tài liệu tổng hợp các phương pháp khoa học dự báo. Từ đó, đã ứng dụng các mô hình dự báo chuỗi thời gian để dự báo một số chỉ tiêu kinh tế – xã hội chủ yếu cho các năm 2019 và năm 2020; đã ứng dụng công nghệ trực quan hóa dữ liệu để xây dựng bộ dashboard trình diễn dự liệu và kết quả dự báo xu hướng phát triển của các chỉ số kinh tế. Phát triển mô hình kinh tế lượng, các bộ dự liệu vĩ mô và vi mô được khai thác trong điều kiện kỹ thuật cho phép để mô hình hóa nhằm phân tích một số nội dung thuộc về đặc điểm kinh tế – xã hội trên địa bàn TP.
Về thành lập trung tâm an toàn thông tin, UBND TP đã phê duyệt Đề án thành lập Công ty Cổ phần vận hành Trung tâm An toàn thông tin TP. Trên cơ sở đề án được phê duyệt, sẽ tổ chức thành lập công ty với phần vốn góp của nhà nước chiếm từ 51% trở lên vốn điều lệ, với sự tham gia góp vốn của các doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân có kinh nghiệm trong lĩnh vực an ninh thông tin.
Bên cạnh đó, việc triển khai thí điểm đề án tại một số khu vực cũng đạt một số kết quả bước đầu. Cụ thể, tại UBND Quận 1, đã triển khai thí điểm Trung tâm điều hành đô thị thông minh đặt tại trụ sở UBND Quận 1, trong đó đã tích hợp hệ thống camera tại địa bàn dân cư và trụ sở công an 10 phường trên địa bàn quận với trên 750 mắt camera; đầu tư lắp đặt các camera quan sát tầm nhìn xa tại các vị trí trọng điểm phục vụ an ninh trật tự trên địa bàn quận. Trong hơn 1 năm triển khai thí điểm, hệ thống đã hỗ trợ, phục vụ tốt cho đơn vị trong công tác chỉ đạo, điều hành xử lý các tình huống phát sinh vào các ngày lễ, tết…; phòng chống các tình huống bạo động, biểu tình, các hành vi gây rối trật tự công cộng.
Tại UBND Quận 12 đã triển khai xây dựng Trung tâm chỉ huy hình ảnh và an ninh Quận 12 đặt tại Trụ sở Công an quận, trong đó đã tích hợp hơn 600 camera hiện hữu tại các khu dân cư. Đồng thời, quận cũng triển khai ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của đơn vị, cụ thể triển khai phần mềm quản lý văn bản và hồ sơ công việc; phần mềm quản lý hồ sơ hành chính; hệ thống quản lý địa bàn khu dân cư; hệ thống thông tin quản lý quy hoạch; triển khai ứng dụng ảnh viễn thám trong công tác quản lý đô thị, tài nguyên môi trường.
Cùng với đó, nhằm tăng cường tính kết nối, phục vụ tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp, Quận 12 đã tăng cường triển khai dịch vụ công trực tuyến và thanh toán trực tuyến; triển khai hệ thống đánh giá sự hài lòng của người dân, hệ thống trả lời tự động để hướng dẫn thủ tục hành chính…
Tăng tốc và quyết liệt chuyển sang giai đoạn ứng dụng rộng rãi
Tại Hội nghị, đại diện một số doanh nghiệp công nghệ gồm Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT); Tập đoàn viễn thông Quân đội (Viettel); Tập đoàn FPT, Công ty cổ phần Tiến bộ Quốc tế AIC đã đóng góp với TP.Hồ Chí Minh một số ý kiến, giải pháp trong xây dựng đô thị thông minh.
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân ghi nhận các ban ngành cùng toàn thể nhân dân các địa phương, các doanh nghiệp đã phấn đấu tối đa trong 18 tháng qua để triển khai Đề án xây dựng TP. Hồ Chí Minh trở thành Đô thị thông minh và qua đó, TP cũng rút ra những kinh nghiệm trong công tác triển khai đề án trong thời gian tới.
Theo Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân, bước đầu TP đã có những kết quả trong các ngành, lĩnh vực như: giao thông, giáo dục, y tế, chống ngập, quy hoạch… Sau những thành công đó, thời gian tiếp theo TP phải thực hiện những vấn đề: Tăng tốc và quyết liệt để chuyển sang giai đoạn ứng dụng một cách rộng rãi, bài bản từ TP đến các quận – huyện. Bên cạnh đó, khối phê duyệt cơ sở dữ liệu cần có hướng dẫn bài bản về toàn bộ cổng dữ liệu từng ngành để cuối năm 2019 có thể hoàn thiện cập nhật dữ liệu. Đặc biệt, gắn với cơ sở dữ liệu này là quy chế sử dụng dữ liệu bởi đây là tài nguyên quan trọng cần được bảo vệ.
Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân cũng cho biết, trên cơ sở báo cáo tại cuộc họp này, sắp tới sẽ có buổi họp chuyên đề với các quận huyện để cùng nhau phối hợp triển khai đồng bộ. Đối với các sở – ngành có một số tiêu chí chung nhưng cũng những đặc thù, vì vậy các sở – ngành phải xây dựng cơ sở dữ liệu của mình để hướng tới việc quản lý ngành thông minh.
Đặc biệt, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân đề nghị phải có chương trình nâng cao trình độ người dân về sử dụng các dịch vụ đã số hóa để người dân trở thành một yếu tố tích cực, trở thành công dân thông minh, thậm chí có thể đem ứng dụng thông minh vào trường học như tự kiểm tra, tự chấm điểm…
Thay mặt cho Ban điều hành đề án, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong – Trưởng ban điều hành Đề án tiếp thu các chỉ đạo của Bí thư Thành ủy, đồng thời cam kết sẽ nỗ lực thực hiện đề án, vượt qua khó khăn để xây dựng đô thị thông minh đúng theo yêu cầu, tiến độ đề ra. Theo Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong, trong năm 2019, Ban điều hành Đề án đã dành 500 tỷ đồng để thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của Đề án. Hiện 3 trụ cột của Đề án đã triển khai giai đoạn 1 (trừ trụ cột Trung tâm An toàn thông tin, dự kiến tháng 9/2019 thành lập công ty quản lý). Dù vậy, Thành phố cũng gặp nhiều khó khăn, thách thức trong quá trình triển khai như nguồn nhân lực và hạ tầng hạn chế; các giải pháp khoa học và công nghệ thay đổi liên tục, nhưng thành phố chưa áp dụng đa dạng các phương thức triển khai phù hợp như đầu tư công, thuê dịch vụ, đối tác công tư.
Trong thời gian tới, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong giao cho Sở Thông tin và Truyền thông TP trình UBND TP trước tháng 8 năm 2019 chi tiết kế hoạch thực hiện đề án từng năm cho đến năm 2025, cụ thể thời gian hoàn thành, sản phẩm hoàn thành, cá nhân, đơn vị phụ trách báo cáo và giám sát thực hiện; Lập danh mục toàn bộ các dự án cần thông qua chủ trương đầu tư theo luật đầu tư; Khảo sát, lựa chọn địa điểm xây dựng triển khai thí điểm thử nghiệm các dịch vụ viễn thông thế hệ 5G, Quận 1, Quận 3, khu công nghệ cao TP; Xây dựng quy chế tích hợp và vận hành kho dữ liệu dùng chung, trong đó quy định cụ thể trách nhiệm tích hợp, chia sẻ dữ liệu cho các sở ngành, quận huyện; Xây dựng quy chế vận hành, phương thức hoạt động của trung tâm điều hành đô thị thông minh.
Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong cũng giao Viện Nghiên cứu Phát triển TP xây dựng Quy chế vận hành Trung tâm Nghiên cứu mô phỏng dự báo kinh tế – xã hội, trình UBND TP trong tháng 8/2019. Sở Nội vụ TP khảo sát và xây dựng chương trình đào tạo nguồn nhân lực riêng cho Đề án xây dựng ĐTTM trình UBND TP trong tháng 7/2019.
Ngoài ra, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong yêu cầu các sở, ngành, quận, huyện khi xây dựng các chương trình, kế hoạch, dự án phát triển kinh tế – xã hội của cơ quan, đơn vị và địa phương phải gắn với ứng dụng công nghệ thông tin, để góp phần sớm hoàn thành Đề án ĐTTM của TP.
Liên quan Kho dữ liệu dùng chung và phát triển Hệ sinh thái dữ liệu mở của TP, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong giao Sở Thông tin và Truyền thông TP chủ trì, phối hợp các sở, ngành, quận, huyện khẩn trương hoàn thành việc tích hợp toàn bộ cơ sở dữ liệu hiện có của TP trước tháng 12/2019. Đồng thời, nghiên cứu kết nối cơ sở dữ liệu hiện có của TP với cơ sở dữ liệu của các bộ ngành, địa phương, hoàn thành trong tháng 8/2020. Định kỳ 3 tháng/lần, phát triển các dữ liệu của Kho dữ liệu dùng chung trong quá trình thực hiện Đề án ĐTTM như: cơ sở dữ liệu môi trường, cấp thoát nước, hạ tầng ngầm, lao động,… Xây dựng phương án triển khai bản đồ số dùng chung của TP trong thời gian chờ bản đồ nền địa hình, nền địa chính được triển khai cập nhật hoàn chỉnh, trình UBND TP trong tháng 10/2019.
Đồng thời, giao Sở Tài nguyên và Môi trường TP thực hiện chỉnh lý biến động bản đồ địa chính, xây dựng hồ sơ địa chính và cơ sở quản lý dữ liệu đất đai của TP; triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu nền thông tin địa chính tỷ lệ 1/2000, 1/5000 khu vực TP.HCM.
Đối với Trung tâm điều hành ĐTTM, Sở Thông tin và Truyền thông TP chủ trì, phối hợp các sở, ngành, quận, huyện khẩn trương tích hợp các trung tâm quản lý chuyên ngành hiện có của TP về Trung tâm điều hành ĐTTM của TP, hoàn thành trước tháng 12/2020. Đồng thời, tiếp tục mở rộng, hoàn thiện Trung tâm điều hành ĐTTM, bổ sung các cấu phần của Trung tâm như: Trung tâm tiếp nhận và xử lý thông tin khẩn cấp, cứu nạn cứu hộ của TP thông qua một đầu số viễn thông duy nhất; cổng thông tin tiếp nhận và giải đáp thông tin cho người dân, doanh nghiệp, …để phát huy hiệu quả cao nhất Trung tâm điều hành ĐTTM.
Về Trung tâm mô phỏng và dự báo phát triển kinh tế – xã hội TP, Viện Nghiên cứu Phát triển TP chủ trì, phối hợp các sở ngành, quận, huyện khẩn trương khánh thành Trung tâm Mô phỏng và dự báo kinh tế – xã hội thành phố trong tháng 7/2019. Xây dựng kịch bản dự báo phát triển kinh tế – xã hội TP giai đoạn 2021 – 2025 trình UBND TP trong tháng 10/2019.
Đối với Trung tâm an toàn thông tin, Tổng Công ty Công nghiệp Sài Gòn khẩn trương triển khai Đề án thành lập Công ty Cổ phần vận hành Trung tâm An toàn thông tin TP và đưa Công ty vào hoạt động trong tháng 12/2019.