Kể từ khi dịch bùng phát tại Bình Phước đến nay, Chơn Thành là huyện có số ca nhiễm cao nhất trong các địa phương đã có ca nhiễm trong tỉnh. Trước tình hình ấy, Công an huyện Chơn Thành đã thực hiện kịp thời, hiệu quả nhiều phần việc để nhanh tay chặn dịch.
Qua đó, Công an huyện Chơn Thành luôn nỗ lực cùng hệ thống chính trị chống dịch; đẩy mạnh tuyên truyền trong cộng đồng; nhiều cán bộ, chiến sỹ hăng hái xung phong trực tại các chốt kiểm soát giao thông, phòng chống dịch trên các tuyến đường huyết mạch và tại các khu vực cách ly – phong tỏa; truy vết khẩn cấp các F1, F2, F3… với tinh thần “chống dịch như chống giặc” mà không ngại khó khăn.
Theo Trung úy Ngô Minh Hợp, Đội Xây dựng phong trào và bảo vệ an ninh Tổ quốc (Công an huyện Chơn Thành) – một nữ công an trẻ tuổi đang ở cữ, có chồng tham gia trực chốt kiểm soát liên ngành, phòng chống dịch tại xã Minh Long (H. Chơn Thành), những ngày qua, chị “nằm ổ” theo dõi các tin tức, diễn biến về dịch bệnh và chỉ mong sao sớm có thông báo trên địa bàn tỉnh không còn ca nhiễm.
Trong tâm hồn chị Hợp luôn hiện diện hình ảnh những đồng đội, đội ngũ y tế, lực lượng chức năng trắng đêm truy vết, xét nghiệm, khoanh vùng… trên mặt trận không tiếng súng với kẻ thù vô hình đầy hiểm nguy.
Vì đang ở cữ, chị Hợp không thể sát cánh cùng đồng đội mà chỉ biết gửi lời thăm hỏi đến tuyến đầu; tranh thủ đăng tải các thông tin về phòng chống dịch trên hàng chục trang mạng xã hội; vận động bạn bè, người thân ủng hộ Quỹ Vaccine phòng chống Covid-19 và góp kinh phí để trao quà cho người khó khăn bị tác động bởi dịch bệnh.
Chồng chị Hợp – Thượng úy Bùi Tấn Thành, Đội An ninh (Công an huyện Chơn Thành) ra trận, trực chốt từ đầu mùa dịch thứ 4 đến nay. Con trai anh hiện 4 tháng tuổi nhưng ngày gặp bố chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Mỗi ca trực chốt của anh kéo dài 6 tiếng đồng hồ liên tục, trắng đêm không ngủ nên không có nhiều thời gian để điện thoại về thăm vợ con. Tranh thủ hết ca là anh phải ngủ bù.
Được biết, anh Thành tốt nghiệp Đại học An ninh nhân dân (TP. Hồ Chí Minh) còn chị Hợp là cựu sinh viên trường Cao đẳng An ninh nhân dân II (TP. Biên Hòa, Đồng Nai). Sau khi ra trường, hai anh chị nhận quyết định phân công công tác về Bình Phước vào năm 2018. Đi làm một thời gian thì cả hai đã phải lòng nhau, tiến đến tìm hiểu và đăng ký kết hôn vào ngày 1/6/2020; hôn lễ lẽ ra được tổ chức vào ngày 8/8/2020 nhưng phải hoãn lại do dịch bệnh nên đến ngày 8/11/2020, hai anh chị mới “về chung một nhà”.
Hiện tại, chị Hợp đang chăm con ở nhà ba mẹ ruột tại thành phố Đồng Xoài – cách chốt chặn dịch – nơi anh Thành thực hiện nhiệm vụ 30 km nhưng do yêu cầu công việc và tính chất nguy hiểm của công tác phòng chống dịch, anh trực chiến tại chốt và không về nhà thăm hai mẹ con chị được.
Những tháng hè, lúc nắng gắt, lúc mưa to, ở chốt nơi chồng chị Hợp thực hiện nhiệm vụ, các lực lượng trực chiến nằm nghỉ ở lều dựng, ghế xếp, ai cũng sợ mình đổ bệnh thì sẽ gây áp lực cho đồng đội nên đều cố gắng chiến đấu. Nhưng nhiều người điều khiển phương tiện giao thông vẫn ý thức kém, chỉ tính đến ngày 8/7, trên toàn tỉnh Bình Phước, đã phát hiện và yêu cầu quay đầu xe 1.600 trường hợp không qua chốt kiểm soát khai báo y tế; lập biên bản 28 trường hợp cố tình “né” chốt, ra quyết định xử lý vi phạm hành chính 177,5 triệu đồng.
Lâu lâu, chị Hợp nén nỗi nghẹn ngào, động viên chồng gắng hết dịch rồi về ôm con. Dù nghĩ con chỉ bé một lần mà bố phải bỏ qua quãng thời gian đẹp nhất đó nhưng chị lại dặn lòng vững chí, gạt đi tất cả những cảm xúc ấy khi nghĩ đến biết bao chiến sỹ khác đang phải xa gia đình, nhiều khi người thân ốm đau mà không thể về chăm sóc, lo lắng bộn bề trộn vào những nỗi nhớ mong nhưng vẫn kiên cường quyết chiến với đại dịch.
Với giọng rắn rỏi, chị Hợp chia sẻ: “Chúng tôi – những chiến sĩ công an nhân dân không sợ phải xa cách gia đình, không ngại hiểm nguy hay cuộc chiến kéo dài. Đây là cuộc chiến mà tinh thần trách nhiệm của mỗi người dân có vai trò rất quan trọng”.
“Mỗi người dân cần bình tĩnh, nâng cao ý thức phòng dịch, cùng chính quyền và lực lượng chức năng đẩy lùi dịch bệnh. Tôi sẽ thường xuyên động viên chồng vững tin hơn để tiếp tục chống dịch với nhiệt huyết của tuổi trẻ và trách nhiệm của một công dân Bình Phước.”, chị Hợp tiếp lời.
Với anh Thành, quãng thời gian qua là một vinh dự vì được xả thân ở tuyến đầu chống dịch. Dù nhớ con lắm nhưng anh vẫn không chút nao lòng, luôn gắng thực hiện nhiệm vụ. Nghe chị Hợp kể khi mới lập chốt, điều kiện cơ sở vật chất còn khó khăn cộng với tiết trời nắng gắt khiến mọi người không tránh được những lúc mệt mỏi.
Thêm nữa, vừa phải tiếp xúc với nhiều người từ các địa phương khác, nguy cơ lây nhiễm cao; vừa tập trung cao độ trong công việc nên lực lượng trực chốt rất áp lực. Ngay sau khi nghe tin lập chốt, nhiều người dân địa phương đã đến chốt động viên và tặng ít thực phẩm, mớ rau, dăm quả trứng gà…; qua đó góp phần làm mọi mệt mỏi, lo lắng đều tan biến. Anh em ai nấy đều cảm thấy vui vì được người dân tin yêu, từ đó tự nhủ sẽ nỗ lực cống hiến hết mình vì bình yên cho nhân dân.
Bí thư Tỉnh Đoàn Bình Phước Trần Quốc Duy nhận định: “Cuộc chiến chống Covid-19 đang diễn biến phức tạp trên cả nước và Bình Phước đang đối đầu với những ca nhiễm bùng phát ở nhiều địa phương. Trong cuộc chiến cam go này, dù ở “hậu phương” hay “tiền tuyến”, các lực lượng tham gia chống dịch cùng toàn quân, toàn dân phải luôn vững tâm, đoàn kết một lòng, chung tay “dập dịch” thì “bóng ma” Covid-19 sẽ sớm phải lùi xa. Cần lan tỏa những điều tử tế trong mùa dịch như câu chuyện của hai chiến sĩ công an trẻ tuổi trên đây…”.
Thắng Trân