Trong tuần vừa qua, hàng loạt trang Fanpage và website giả mạo Lancôme Việt Nam xuất hiện tràn lan trên Facebook, Instagram và quảng cáo rầm rộ một thương hiệu mỹ phẩm Pháp với giá từ 400.000 đồng/ sản phẩm (25% giá gốc). Những trang này quảng cáo sử dụng ảnh thật nhưng sản phẩm lại là giả.
Trong tuần vừa qua, trùng với sự kiện thương hiệu Pháp là Lancôme có mặt trên LazMall của Lazada, hàng loạt trang Facebook và website giả mạo Lancôme xuất hiện, bán hàng với giá chỉ bằng 25% – 50% giá hàng chính hãng. Những Fanpage này tạo ra giao diện giống với Lancôme Việt Nam, thậm chí sao chép y hệt 100% trang chính hãng từ nội dung đến hình ảnh, với chương trình bán hàng giảm giá cực sốc, đã thu hút nhiều người theo dõi và mua hàng giả do các trang này cung cấp vì lầm tưởng đây là Fanpage chính thống của Lancôme Việt Nam.
Với tốc độ quảng cáo và lan truyền nhanh của các trang giả mạo, nhiều khách hàng mua phải hàng giả từ các trang này đã gọi điện đến hotline của thương hiệu này để khiếu nại về các chương trình giảm giá sốc này, cùng chất lượng và nguồn gốc của sản phẩm.
Các trang Fanpage và website bán hàng giả mạo với giá giảm cực sốc, khách hàng có thể mua sản phẩm trẻ hóa da Advanced Génifique 30ml với mức giá chỉ bằng 25% giá chính hãng (2.500.000 đồng).
Khoảng cuối năm 2019, các cơ quan liên ngành Quản lý thị trường, Cảnh sát kinh tế và Biên phòng đã phát hiện và bắt giữ một lượng hàng Lancôme giả khổng lồ được vận chuyển vào Việt Nam qua đường biên giới Trung Quốc. Các sản phẩm này có bao bì được làm giả tinh vi, tuy nhiên sản phẩm bên trong đều là các loại hóa chất pha trộn và được bán với mức giá rẻ khoảng 400.000 – 599.000đ cho một sản phẩm giả mạo đã gây ra nhiều thiệt hại cho người mua dùng không những về việc mất tiền cho sản phẩm giả, còn đang tự gây bệnh cho da với những loại sản phẩm này.
Mua sắm trên mạng xã hội ngày càng thu hút nhiều người tiêu dùng vì sự tiện lợi và đa dạng về nhãn hàng, tuy nhiên đi kèm là các chiêu trò lừa đảo ngày càng tinh vi của những thành phần bán hàng online giả mạo.
Sau đây là 6 cách để phân biệt Fanpage và website chính hãng với các trang online giả mạo:
1. Fanpage không có dấu tick xanh
Các Fanpage giả mạo thường sao chép từ nội dung đến logo, hình ảnh của Fanpage chính hãng nên nếu nhìn lướt qua bạn khó lòng phân biệt được. Tuy nhiên dấu hiệu đầu tiên và dễ nhận biết nhất là Fanpage chính thức của nhãn hàng thường có có dấu tick xanh, kế bên tên Fanpage và ngay dưới ảnh đại diện, là dấu hiệu của Facebook dành cho những Fanpage của thương hiệu chính hãng và hợp pháp.
2. Số lượng người theo dõi Fanpage giả mạo thường thấp
Các trang Fanpage giả mạo được lập ra với mục đích chạy quảng cáo bán hàng giả mạo theo từng đợt, do vậy thời gian thành lập trang tương đối ngắn nên số lượng người theo dõi trang cũng sẽ thấp. Các trang Fanpage chính hãng uy tín và lâu đời nên có lượng người theo dõi cao, có thể từ vài trăm ngàn đến vài triệu người theo dõi.
3. Địa chỉ website hiển thị trên Fanpage giả mạo thường có tên miền không phổ biến
Website của nhãn hàng chính hãng thường sẽ có những tên miền như .vn, .com, hay .com.vn… là những tên miền cấp cao, đòi hỏi thương hiệu sở hữu phải đăng ký với cơ quan chức năng, và được Google ưu tiên khi xếp hạng trên công cụ tìm kiếm này.
Các website bán hàng giả mạo sử dụng tên miền không phổ biến và dài, ví dụ như demopage.me, pagedemo.me hay ladi.me… đây là những tên miền miễn phí được cung cấp bởi các nền tảng cho phép tạo trang web bán hàng một cách nhanh chóng mà không cần bất cứ thông tin xác thực nào, do đó cần kiểm tra độ tin cậy với hotline hay trang fanpage chính thống của Lancôme
4.Kiểm tra thông tin liên lạc được hiển thị trên Facebook và website
Để tạo lòng tin cho khách hàng, các trang Fanpage và website giả mạo còn sử dụng cả địa chỉ, số điện thoại và tên website chính hãng của thương hiệu, tuy nhiên khi bạn nhấp chuột vào địa chỉ website đó lại dẫn đến một trang web lạ khác. Do vậy đừng ngần ngại kiểm tra mọi thông tin bằng cách click vào địa chỉ website hoặc gọi số hotline chính thức của nhãn hàng để xác nhận thông tin các bạn nhé.
5. Các website liên tục hiện lên thông tin người mua hàng ảo
Nhằm tạo thêm lòng tin cho những khách hàng nhẹ dạ, các website bán hàng giả mạo còn liên tục hiện lên thông tin người mua hàng “chốt đơn”, theo cấu trúc như: Họ tên Nguyễn Thị A, tỉnh/thành, vừa đặt đơn hàng thành công; hoặc Trần Văn B, số điện thoại, đã mua và sử dụng sản phẩm, rất hài lòng…
Website chính thống của nhãn hàng sẽ không tiết lộ thông tin cá nhân của khách hàng như địa chỉ, số điện thoại… do vậy nếu bạn đang vào một website liên tục hiển thị thông tin người mua hàng, chắc chắn đó là thông tin ảo và website đó không đáng tin cậy để mua hàng.
6.Giá rẻ một cách bất thường
Một trong những điểm hấp dẫn nhất khi mua hàng online đó là người tiêu dùng sẽ được chào mua những mỹ phẩm cao cấp với giá rẻ bất ngờ, cùng những dòng quảng cáo như: sales khủng, siêu off siêu khủng, sales off 50%, 70%… Do chính sách và nguồn hàng giới hạn của các thương hiệu cao cấp, các sản phẩm cao cấp thường không có chương trình giảm giá đến 70% giá chính hãng, nếu bạn nhìn thấy, hãy kiểm tra thông tin để không mất tiền oan. Những thương hiệu mỹ phẩm cao cấp chính hãng sẽ không giảm giá, thay vào đó là các chương trình ưu đãi tặng kèm quà hấp dẫn vào những sự kiện hoặc ngày lễ lớn như Ngày Valentine’s 14/2, Quốc tế Phụ nữ 8/3 hay Ngày của Mẹ 10/5…
Những khách hàng mua nhầm hàng giả, hàng không chính hãng sẽ không nhận được bất kỳ phản hồi nào từ người bán nếu như có những khiếu nại về chất lượng sản phẩm sau khi mua. Do vậy, khi bắt gặp một Fanpage giả mạo hoặc nghi ngờ lừa đảo, khách hàng có thể sử dụng tính năng Báo cáo với Facebook, bằng cách chọn vào dấu ba chấm kế bên nút Thích và Chia sẻ của Fanpage, sau đó chọn Báo cáo (Report).
Việc chung tay báo cáo các trang giả mạo sẽ giúp các quản trị viên của Facebook nhanh chóng tiến hành xác thực và xử lý nhanh chóng các trang giả mạo, bảo vệ người tiêu dùng.