Ngấm “đòn” sau 4 lần bùng phát dịch Covid-19, mặt bằng cho thuê trên các tuyến đường tại TP.HCM tiếp tục sự bỏ trống ngày càng nhiều, giá thuê mặt bằng kinh doanh tiếp tục rớt thêm 20-40% dù đã lao dốc năm ngoái.
Với 4 lần bùng phát dịch Covid-19, hoạt động kinh doanh cho thuê mặt bằng rất ế ẩm. Những con đường trung tâm TP.HCM như quận 1, quận 3, Bình Thạnh, Phú Nhuận.. trước đây nhộn nhịp người bán, người mua; hiện nay thì trở nên vắng lặng, tình trạng bỏ trống ngày càng nhiều. Bởi vậy, các chủ cho thuê liên tục các nhiều động thái trợ giá từ 20 – 40% để kích cầu, sâu song khó giữ chân khách hoặc không tìm được khách thế vào.


Theo thống kê của batdongsan.com.vn, trong những tháng đầu năm 2021, hoạt động giao dịch của phân khúc này tại TP.HCM vẫn rất ảm đạm do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Nếu như tháng 1/2021, lượng tin rao cho thuê nhà riêng, nhà phố giảm 32-34%, nhu cầu tìm kiếm nhà phố cho thuê cũng tiếp tục giảm 16% so với tháng 12/2020.
Đến tháng 4/2021, nhu cầu thuê nhà riêng, nhà mặt phố trong giảm tiếp 11-18%, nhu cầu thuê cửa hàng/ki-ốt giảm khoảng 25% so với tháng 3.
Báo cáo thị trường bất động sản của đơn vị này trong tháng 5 cũng tiếp tục ghi nhận mức giảm 20% đối với nhu cầu tìm kiếm thuê mặt bằng nhà mặt phố, trong khi các chủ nhà cũng giảm lượng tin rao cho thuê 19% so với tháng 4.
Theo các chuyên gia, đại dịch Covid-19 đã tác động mạnh mẽ đến thị trường cho thuê nhà phố mặt tiền theo hướng tiêu cực nhất trong vòng một thập kỷ qua.
Cụ thể, thời điểm tháng 2/2020, giá cho thuê nhà mặt phố đồng loạt điều chỉnh giá 10 – 20% so với năm 2019, mức giảm cao nhất thời điểm này là 25%.
Đến khi đợt dịch thứ hai bùng phát tại tháng 7/2020, giá thuê nhà phố mặt tiền tiếp tục lao dốc, đợt này điều chỉnh xuống 25 – 35%.
Đến đầu năm 2021 đã đẩy giá thuê nhà phố mặt tiền vào giai đoạn rẻ chưa từng có. Giai đoạn này, mức giảm phổ biến 30 – 40% với nhiều gói thuê chia nhỏ diện tích hoặc chia theo sàn để dễ tiếp cận khách thuê hơn. Thậm chí có không ít căn nhà phố mặt tiền đã hạ nhiệt giá thuê đến 50% so với năm 2019 đối với khách bao trọn nguyên căn.
Với đợt bùng phát dịch thứ 4 này, tình trạng kinh doanh tiếp tục khó khăn, buộc các chủ nhà phố phải giảm 20-40% giá thuê, nhằm giữ được hợp đồng thuê.
Theo Bà Võ Thị Khánh Trang, Giám đốc bộ phận nghiên cứu Savills TPHCM cho biết thị trường đang chuyển sang hướng khách thuê dẫn dắt thị trường còn chủ nhà đang giảm dần sự lạc quan, đã bắt đầu tiếp nhận việc thương lượng để có thể cho thuê mặt bằng.
Giá thuê tiếp tục lao dốc, giảm từ 20% – 40% giá chào thuê hiện tại. Thời hạn hợp đồng vẫn duy trì ở mức 3 đến 5 năm, tuy nhiên, khách thuê đề xuất không tăng giá thuê trong suốt thời hạn thuê mặt bằng. Nếu đợt giãn cách quá dài và mức giảm tiền thuê không được thống nhất, chủ nhà phố cũng đã nghĩ đến giải pháp tìm kiếm khách thuê mới và ưu tiên cho khách thuê văn phòng, trụ sở công ty.
Theo Savills, với đợt dịch Covid-19 lần thứ 4, một vài mặt bằng cho thuê tại TP HCM dù đã dựng vách thi công vẫn chấp nhận chịu lỗ, trả lại không thuê. Tỷ lệ lấp đầy mặt bằng nhà phố cho thuê tăng trưởng chậm lại. Nhà phố căn góc ở những tuyến đường có lượng giao thông cao được thuê tốt hơn, còn lại đều bị ảnh hưởng. Một số chủ nhà đã phải hỗ trợ giảm 20 – 40% giá thuê nhằm giữ được hợp đồng thuê.
Trong ngắn hạn, thị trường nhà phố cho thuê có thể tiếp tục đối mặt với việc trả hoặc giảm bớt diện tích thuê để cắt giảm chi phí từ các khách thuê hiện tại và khó khăn trong việc tìm kiếm khách thuê mới. Chủ nhà sẽ không còn ở thế thượng phong, thay vào đó, khách thuê sẽ chiếm lợi thế.
Trong dài hạn, thị trường mặt bằng bán lẻ nói chung và thị trường nhà phố cho thuê nói riêng được kỳ vọng sẽ có nhiều tín hiệu tích cực. Các chỉ số vĩ mô vẫn được dự báo tăng trưởng mặc dù có chậm lại; doanh thu bán lẻ hàng hóa tại TP HCM đã có sự hồi phục sau mỗi đợt dịch và đạt các mức tăng trưởng 12% trong năm 2020. Các thương hiệu quốc tế hạng sang vẫn tìm kiếm các mặt bằng thương mại tại khu vực trung tâm thành phố cho kế hoạch mở rộng, thâm nhập thị trường Việt Nam.
Hồng Hạnh