Trang chủĐời sốngSự tiến hóa của không gian làm việc

Sự tiến hóa của không gian làm việc

Để chứng minh cho tiềm năng “tiến hóa” mạnh mẽ của không gian làm việc tại các đô thị đương đại, các đơn vị tiên phong tiếp tục giới thiệu những dự án mới, tập trung vào hệ sinh thái trải nghiệm đa chức năng. Đơn cử là không gian làm việc tại số 188 Võ Thị Sáu, P.7, Q.3, vận hành bởi Toong.

Những thử thách tiếp tục bủa vây, thị trường bất động sản cho thuê đã và đang chịu nhiều rủi ro từ đại dịch. Tuy nhiên, giá trị của những không gian làm việc vật lý lại đang được xác minh rõ ràng hơn bao giờ hết. Khi thời gian làm việc tại nhà (work from home) tăng, người làm việc càng nhận thấy rõ nhu cầu giao tiếp, kết nối và xây dựng những tương tác đa chiều khó có thể được thay thế hoàn toàn bởi internet.

Từ phế tích đô thị, thành không gian làm việc thời thượng

Mảnh đất số 188 Võ Thị Sáu bao trọn diện tích 1250m2, nằm trong con hẻm đối diện Nhà Thiếu nhi Thành phố, tiền thân là Dinh Phó Tổng thống Sài Gòn. Khi được phát hiện, công trình đang ở trong hiện trạng hoang tàn đổ nát. Từng là nơi ở cho các trợ tá phục vụ trong dinh, căn nhà chính từ lâu bị bỏ không, gian bên trở thành bãi đỗ xe tải, còn nhà hậu được cơi nới thành khu ở tạm cho những người công nhân làm việc trong thành phố.

Việc khai thác công trình gặp phải nhiều hạn chế bởi phải giữ nguyên khung nhà cổ. Vì thế, Toong kết hợp cùng đơn vị phát triển đô thị chiến lược GốcCreation, để tìm cách xây dựng và kiến tạo ngay trên những gì đã sẵn có. Từ trước đến sau, không gian được phân bố hợp lý với các khu vực vừa biệt lập, cùng lúc gặp gỡ nhau tại gian trung tâm rộng lớn. Dự án men theo bố cục này để xây dựng một hệ sinh thái văn phòng, nơi làm việc và nghỉ ngơi cho tầng lớp doanh nhân đương đại.

Ở mặt tiền, hàng hiên cột trắng mang ảnh hưởng kiến trúc thời thuộc địa từng bị vùi lấp trong bê tông, được trùng tu và tái hiện. Mái tôn trần rỉ sét được tái sử dụng để ốp hai bên tường, mang đến cảm nhận về thời gian và tính kiên cố. Từ lối đi, đến song cửa, Toong nỗ lực kiến tạo một đời sống mới cho những nguyên vật liệu tưởng như vô dụng.

Hai gian bên được tái kiến thiết để trở thành văn phòng làm việc độc đáo cho doanh nghiệp, mang âm hưởng của những “công xưởng” đương đại với trần tôn cao, dồi dào ánh sáng. Phần nhà hậu quy hoạch thành tổ hợp tiện ích với phòng họp, khu pantry mở và phòng ngủ tĩnh mịch. Tất cả được nối với nhau bằng cầu thang lộ thiên và khoảng sân lát sỏi trắng, thừa hưởng vùng trời thoáng rộng với những lát cắt táo bạo của kiến trúc đương đại.

Hệ sinh thái trải nghiệm xoay quanh người làm việc

Ra mắt vào tháng Năm, cổng chào Toong Võ Thị Sáu la liệt hoa chò nâu báo hè về, còn hàng tre xanh ở nhà hậu thì rì rào trong gió. Đây là tín hiệu của những không gian đô thị rất mềm – đối lập với những chiếc hộp làm việc cứng nhắc của văn phòng trong quá khứ.

Theo chia sẻ của anh Dương Đỗ – CEO của Toong và GốcCreation – dự án 188 Võ Thị Sáu được quy hoạch cảnh quan – nội thất chặt chẽ và tỉ mỉ nhằm “gia tăng sự nhạy cảm của người dùng, tạo cơ hội để người làm việc chứng kiến được sự sinh sôi nảy nở và chuyển biến liên tục của tự nhiên trong không gian”. Theo anh, những “sự làm phiền” tích cực của tự nhiên và nghệ thuật trong môi trường làm việc sẽ góp phần mài giũa các giác quan của người dùng. Từ đó, giúp mỗi người phát huy tốt hơn tiềm năng của bản thân, mang lại hiệu quả cho công việc.

Ở gian trung tâm đa chức năng, Toong bố trí các phòng họp, studio sáng tác và không gian nghệ thuật. Tại đây có Trạm cà phê Đặc sản Sơn Pacamara đầu tiên tại Sài Gòn, mở cửa đón cả khách hàng là thành viên của Toong và người yêu cà phê công chúng.

Với những ai chưa biết, cà phê Sơn Pacamara được nghiên cứu, trồng, thu hoạch và chế biến tại Đà Lạt, Lâm Đồng, với quy mô thủ công siêu nhỏ. Sản phẩm cà phê Sơn được đánh giá cao bởi Hiệp hội cà phê Đặc sản Thế giới (SCA), với hương vị được ngợi khen là “ngon nhất Đông Nam Á”. Trước khi có mặt tại Toong Võ Thị Sáu, người yêu cà phê Sơn phải lên tận trang trại tại Đà Lạt để thưởng thức những ly pour over với vị sạch, sâu và dải hương tinh tế.

Môi trường làm việc đang tiến hóa

Giữa quý II năm 2021, Toong Võ Thị Sáu sẽ tiếp tục mở rộng sang căn nhà số 186 kế bên để đáp ứng nhu cầu của khách hàng – một bước đi bất ngờ giữa tình hình dịch biến động tại Việt Nam. Trước khi chính thức đi vào vận hành, văn phòng làm việc của Toong tại Quận 3 đã được doanh nghiệp đặt trước 75%, chứng tỏ nhu cầu hiện hữu kể cả trong giai đoạn bất an của nền kinh tế. Bởi suy cho cùng, không gian làm việc chính là một dịch vụ thiết yếu.

Tại không gian mở rộng, Toong dự kiến phát triển thêm Studio sáng tác dành cho nghệ sĩ, không gian thương mại sáng tạo (concept store), và phòng làm việc quy mô từ 5-10 người. Từ nay đến hết ngày 10/06/2021, Toong cộng tác GốcCreation để tổ chức sự kiện đầu tiên thuộc khuôn khổ chương trình nghệ thuật Art Resider nhằm cung cấp không gian “lưu trú” và tạo cơ hội thực hành dành cho nghệ sĩ. Điểm đặc biệt trong mô hình tổ chức Art Resider là nghệ sĩ được toàn quyền sáng tác trực tiếp trước người xem trong không gian, cấu trúc của triển lãm cũng được liên tục cập nhật và đảo đổi. Theo cách này, quy trình sáng tạo trở thành trọng tâm chính, và khán giả có thể quan sát được phần “hậu trường” của nghệ thuật thay vì chỉ thưởng thức tác phẩm hoàn thiện.

Càng tiến sâu hơn vào những giai đoạn ‘work from home’, người làm việc càng nhận ra tính khả thi, song không toàn diện, của trực tuyến. Làm việc tại nhà chính là một sự bất thường tạm thời, thay vì sự bình thường mới. Theo anh Dương Đỗ: “Tương lai sẽ đánh dấu sự chuyển dịch sang các mô hình sống và làm việc hỗn hợp, cấu thành bởi công năng và các trải nghiệm cảm tính đa chiều được tích hợp trong cùng một không gian”. Tương tự, môi trường làm việc hiện đại cũng sẽ tiến hóa về phía hỗn hợp, để trở thành nơi mà con người vừa lao động và tái tạo, cống hiến và thụ hưởng, với các thành tố nghệ thuật, thiên nhiên, con người được tuyển chọn và quy hoạch thấu đáo.

Đề xuất:

spot_img