Trang chủĐời sốngTuổi thơ trong miền ký ức

Tuổi thơ trong miền ký ức

Tuổi thơ luôn là những gì đẹp nhất trong cuộc đời mỗi chúng ta. Dẫu bước chân có chậm lại theo hình hài năm tháng của thời gian, để lòng bỗng dưng ngẩn ngơ về những điều đã lâu chưa gặp.

Thế hệ chúng tôi sinh ra trong giai đoạn “hành trình đổi mới của đất nước”, đám “trẻ quê” tôi hồi đó phát triển trong điều kiện còn nhiều thiếu thốn, sự định hướng của tương lai dường như một bản năng vốn có, ngoài thời gian đi học, phụ giúp gia đình ra, đám trẻ tự tìm cho mình những trò để chơi, mùa nào trò chơi ấy, điểm vui chơi “sang trọng” của bọn trẻ ngày đó là sân Kho của xóm.

Ngày ấy, làng tôi đa phần là nhà vách đất, lợp ra, sân đất, thi thoảng có nhà mái ngói. Tôi chẳng biết cái kho ấy có từ bao giờ nhưng kho được xây bằng gạch kiên cố, mái lợp ngói xi măng, có sân rộng lát gạch; kho rồi dần chuyển đổi công năng sử dụng thành công trình của cộng đồng, chỗ tập thiếu niên, lớp mẫu giáo, nhà họp xóm…

Thói quen của bọn trẻ hình thành như cái đồng hồ sinh học, không ai hẹn ai, cứ trưa đến là có mặt ở sân kho để tụ tập: đá bóng, chơi khăng, đánh đáo, chơi bi, chơi đuổi nhau trốn tìm, rủ nhau đi tắm ao, tắm sông, ăn quả dâu chín, chiều đến chơi kéo mo cau chạy quanh sân, sự hồn nhiên, vô tư, nghịch ngợm lấm lem đó hiện hữu bằng nụ cười, giọt nước mắt vì ngã đau.

Bọn trẻ ngày đó chơi đá bóng trong điều kiện thiếu thốn đến nỗi quả bóng nhựa mua 2 nghìn đồng về đá được mấy hôm thì vỡ đôi; lại nhồi nhét nilon, rơm vào trong sau đó khâu lại để đá tiếp. Sau cơn bão, đi mót hoa quả rụng, nhặt quả Bòng rụng về nướng cho mềm ra làm bóng để đá. Gợi nhớ về tuổi thơ của đám trẻ quê trong mỗi chúng ta, ai đã từng trải qua và không thể nào quên được kỷ niệm về những lần đi nhặt vỏ chai, lông ngan, lông vịt, sắt vụn, dép nhựa rách để đổi kẹo kéo, kem mút, đổi bi, đổi vòng nịt.

Tôi vẫn nhớ nguyên hình ảnh cô bán kẹo kéo, tay cầm nắm kẹo quấn trong cái khăn, kéo dài, kéo dài ra từng đoạn để đổi cho bọn trẻ như tôi. Cái hương và vị của kẹo kéo ngày xưa nó thơm, dẻo có vị đặc trưng của sự thiếu thốn; không giống như vị kẹo kéo mà tôi mới ăn gần đây.

Mỗi khi hè về nghe tiếng gọi râm ran của lũ ve bên cửa sổ, hay “chuồn chuồn bay thấp thì mưa, bay cao thì nắng, bay vừa thì râm” để dự báo thời tiết cho ngày hôm đó. Chúng tôi lại rủ nhau đi câu chuồn chuồn, tôi chẳng còn nhớ đi câu chuồn chuồn về để làm gì nữa. Trưa hè trốn ngủ đi chặt cây găng, cây ruối về đẽo cù, chặt tre làm Diều, làm súng đốp.

Quê tôi, phong trào chơi diều rộ lắm, quy ước đơn vị tính để làm diều là “Thước”, 01 thước bằng 40cm; chúng tôi còn nhỏ nên làm diều một hoặc hai thước; người lớn làm diều đeo sáo từ bốn, năm thước trở lên. Ngày đó, trẻ con bọn tôi mê diều lắm, chiều đến mang diều ra cánh đồng sau làng để thả; dây để thả diều là dây bao tải nối lại, có điều kiện hơn thì thả bằng dây cước.

Tôi nhớ không có tiền mua dây diều; tôi nhặt hạt Mít gom lại nhờ bác tôi đi chợ bán được 2 nghìn đồng để lấy tiền mua dây diều. Đấy là diều nhỏ, diều to đeo sáo phải thả bằng dây tre (Dây tre là dây được làm bằng tre, chẻ nhỏ vót tròn, rồi nối lại với nhau, vanh tròn lại thành từng “đạc” tròn như khoanh sắt; đạc chính là đơn vị tính thay cho cuộn dây)

Hiện nay, phong trào chơi diều ở quê tôi vẫn duy trì và được đẩy cao hơn; nguyên liệu làm diều sẵn có; dùng vải để phất diều, sáo diều có cái to đường kính lên đến 20-25cm, chiều dài 1,5-1,6m. Giờ lên diều không nhất thiết phải mùa hè mà cứ có gió là lên diều. Ký ức đó in sâu trong tâm khảm về quãng thời gian vui vẻ, không lo toan mà khi trưởng thành mới thấy nó quý giá, thổn thức trong tôi bằng những câu thơ mộc mạc, chất chứa đầy kỷ niệm.

Cánh Diều gắn với tuổi thơ

Vi vu tiếng gọi giữa trưa hè

Trộm tre, chặt nhựa, phất diều

Hồ thì chẳng có toàn bằng nhựa cây

Bầm lên thân Ruối, thân Chay

Là nhát dao ấy nhựa tuôn thành dòng.

Tôi nghĩ và thấy tiếc cho bọn trẻ con bây giờ. Chúng được sống trong điều kiện đầy đủ về vất chất hơn nhiều lần so với bố mẹ, ông bà trước đây; nhưng chúng lại thiếu thốn, gò bó về mặt tinh thần; đúng hơn là thiếu đi sự vui chơi, hồn nhiên, lấm lem, kiến thức thực tế; thay vào đó chúng phải giam mình trong lớp học, trong căn phòng với cái điện thoại, Ipad, tivi hay lên mạng… nhà có điều kiện cuối tuần được bố mẹ cho đi ăn nhà hàng, siêu thị, trung tâm thương mai, hè đến được đi du lịch. Những trò chơi dân gian kia chúng chẳng còn được biết đến.

Những người sinh ra từ làng, từ đồng đất, có tuổi thơ vô tư, hồn nhiên, lấm lem kia, được nếm và trải nghiệm thực tế sẽ hiểu được giá trị của cuộc đời khi vững đôi chân ở mọi miền tha hương. Phải chăng ký ức luôn là lớp bụi bám vào tấm gương phản chiếu cho sự trưởng thành để cho đám “trẻ quê” tự lau sáng bằng những giọt nước mắt của chính mình.

Theo Tạ Hữu Thuật/ Tạp chí Truyền thống và Phát triển

Đề xuất:

spot_img