Ở tuổi 72, cựu cán bộ Đoàn Dương Thị Tuyết (Bảy Tuyết) – Chủ tịch Hội Bảo trợ Người khuyết tật – trẻ mồ côi và bệnh nhân nghèo (NKT-TMC&BNN) tỉnh Bình Phước vẫn hăng hái cùng các tổ chức thiện nguyện trong tỉnh vận động nhiều tỷ đồng, xông pha chống COVID-19.
Trong suốt 24 năm kể từ ngày tái lập tỉnh Bình Phước (1997), bà Dương Thị Tuyết (SN 1950) – Chủ tịch Hội Bảo trợ NKT-TMC&BNN tỉnh Bình Phước (ngụ P. Tân Bình, TP Đồng Xoài) luôn gắn bó với các hoạt động thiện nguyện. Bà thường kết nối, vận động các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong và ngoài nước giúp đỡ các mảnh đời bất hạnh. Người dân Bình Phước thường trìu mến gọi bà là má Bảy.
Bà Tuyết từng là một cán bộ Đoàn đầy tâm huyết. Bà được bổ nhiệm làm Bí thư Huyện Đoàn Đồng Xoài vào dịp 26/3/1975. Sau khi 2 huyện Đồng Xoài và Phú Giáo sáp nhập thành huyện Đồng Phú vào năm 1976, bà tiếp tục làm cán bộ Đoàn; đến năm 1979, bà chuyển sang làm Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Đồng Phú. Trò chuyện với Bí thư Tỉnh Đoàn Bình Phước Trần Quốc Duy, bà Tuyết nói:
“Hồi đó, với chiếc xe đạp cọc cạch, cô thường lặn lội một mình, vượt đường xa, đến tận những vùng sâu ở địa phương để cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng tổ chức hoạt động, phong trào với lớp trẻ và người dân để tập hợp thanh niên vào tổ chức. Tuy vất vả nhưng rất vui khi được “cháy” hết mình để tạo sân chơi, môi trường cho thế hệ trẻ tham gia, rèn luyện, cống hiến và trưởng thành”.
Bà đồng quan điểm với anh Duy rằng cán bộ Đoàn hiện nay cần hy sinh bản thân cho việc chung, luôn gần gũi với mọi người, tích cực tham gia hoạt động thiện nguyện. Làm việc thiện để giúp những hoàn cảnh éo le tuy vất vả nhưng rất vui. Thế nên, hãy làm thật nhiều việc tốt để lan tỏa yêu thương và điều tử tế, qua đó truyền cảm hứng sống đẹp, sống có ích.
Hình ảnh một má Bảy hiền hòa, nhân hậu, luôn tìm mọi cách để đi khắp nơi, tiếp cận, giúp đỡ, chia sẻ với người nghèo, người yếu thế, khuyết tật, bệnh nhân nghèo, trẻ mồ côi và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn đã rất đỗi thân thuộc với mọi người.
Bà Tuyết từng là Chủ nhiệm Ủy ban Dân số – gia đình và trẻ em tỉnh Bình Phước trước khi nghỉ hưu vào năm 2006. Năm 2004, khi Hội Bảo trợ NKT-TMC&BNN của tỉnh được thành lập, bà làm Phó Chủ tịch Hội; đến năm 2016, bà được bầu làm Chủ tịch Hội.
Đến nay, dù nghỉ hưu nhưng bà thực sự chưa hề ngơi nghỉ ngày nào. Bên cạnh hoạt động ở Hội Bảo trợ NKT-TMC&BNN tỉnh, bà hiện là ủy viên BCH Hội CCB tỉnh – Trưởng Ban liên lạc Nữ CCB tỉnh.
Ngoài ra, bà còn là Chủ nhiệm Câu lạc bộ (CLB) dưỡng sinh P. Tân Bình. Ngoài việc mời thầy về dạy khiêu vũ cho các thành viên, mỗi sáng, bà dậy rất sớm để dẫn dắt CLB tập luyện; nhờ vậy, CLB nhiều lần đạt giải cao ở các hội diễn của Hội Người cao tuổi trong khu vực. Sau đó, bà tất bật cả ngày với công việc đến tận khuya.
Hoạt động của Hội Bảo trợ NKT-TMC&BNN của tỉnh luôn cuốn hút đến nỗi bà không thể dứt ra. Hiện Hội quy tụ 25 CLB, đội, nhóm thiện nguyện ở Bình Phước, gồm 11 tổ chức thành viên chính thức và 14 tổ chức thành viên liên kết.
Suốt 4 mùa dịch, 25 tổ chức này đã quyên góp, tặng hàng trăm nghìn phần quà cho các tuyến đầu và người dân gặp khó trong mùa dịch; nấu hàng nghìn suất ăn 0 đồng mỗi ngày để gửi các chốt kiểm dịch trong tỉnh. Tiêu biểu có nhóm Trái Tim Ấm tích cực nấu cơm miễn phí cho Bệnh viện Đa khoa tỉnh, bệnh viện dã chiến, các chốt chống dịch ở TP Đồng Xoài.
Mùa dịch thứ 4, thực hiện Chương trình “Chia sẻ yêu thương, đẩy lùi đại dịch”, Hội Bảo trợ NKT-TMC&BNN tỉnh cùng Đài PTTH và Báo Bình Phước đã trao hàng nghìn phần quà, trị giá hơn 1,9 tỷ đồng cho những người gặp khó khăn và các lực lượng tuyến đầu chống dịch. Số tiền, quà này đến từ các nhà tài trợ, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh; các câu lạc bộ thiện nguyện thuộc Hội.
Tuy COVID-19 khiến việc vận động kinh phí và kết nối để hỗ trợ các nhân vật không chút dễ dàng nhưng Hội cùng Đài PTTH và Báo Bình Phước vẫn tiếp tục thực hiện các chương trình “Chắp cánh ước mơ”, “Chia sẻ nỗi đau”, “Khát vọng sống” để giúp 13 hoàn cảnh khó khăn với tổng số tiền hơn 1,55 tỷ đồng.
Mới đây, ngày 29/8, Hội Bảo trợ NKT-TMC&BNN tỉnh và một số tổ chức thiện nguyện thuộc Hội gồm: CLB Hạt Gạo Nhân ái, CLB Hương Từ Tâm, CLB Vòng Tay Nhân Ái đã cùng Tỉnh Đoàn Bình Phước, Nhóm Bất Động Sản TP Đồng Xoài, CLB Xe bán tải Bình Phước tổ chức chuyến xe “Chung dòng sông Bé” chở hơn 12 tấn hàng hóa tổng trị giá 425 triệu đồng đến hỗ trợ Bình Dương.
Chuyến xe đã mang thông điệp “Ấm tình quê hương, nặng nghĩa đồng bào” cùng 600 hũ thịt kho mắm ruốc, 500 bánh tét, 1.000 hũ mắm cà, đu đủ do người Bình Phước tự làm; gạo, mì tôm, nước mắm, dầu ăn, rau, củ, quả… đến chốt kiểm dịch tại xã Tân Lập (H.Đồng Phú) – giáp ranh với Bình Dương để phía Bình Dương tiếp nhận, gửi đến người dân gặp khó ở TP Thuận An, TX Tân Uyên.
Hết lòng vì việc thiện, má Bảy thường nhận được những cuộc điện thoại của người hoạn nạn, lắm lúc lại là các tổ chức thiện nguyện thuộc Hội, nhà hảo tâm báo về một hoàn cảnh khó khăn cần giúp đỡ khẩn cấp. Những lúc ấy, bà soạn kỹ một thông báo, đăng ngay trên facebook để loan tin và kêu gọi mọi người giúp sức.
Hưởng lương hưu ngót nghét 7 triệu đồng/tháng nhưng bà có thể vận động hàng tỷ đồng để giúp những người khó khăn, cơ nhỡ. Quanh bà có nhiều tấm lòng vàng sẵn sàng đóng góp vì họ luôn tin ở bà – một vị “Bang chủ của Cái Bang” luôn sống và làm việc bằng cả trái tim, kiên trì liên lạc, trao đổi với những nhà hảo tâm để tìm cách giúp những cảnh đời cơ cực.
Nhờ đó, mỗi năm, bà Tuyết cùng Hội vận động hàng chục tỷ đồng để trao hàng nghìn phần quà cho hộ nghèo, trẻ em đặc biệt khó khăn; làm nhiều hoạt động thiện nguyện để mang lại niềm vui, thậm chí giành lại sự sống cho những bệnh nhân nghèo và trẻ em có hoàn cảnh éo le…
Với nhiều cống hiến, bà Dương Thị Tuyết đã được Thủ tướng Chính phủ, Hội Bảo trợ NKT-TMC&BNN Việt Nam tặng nhiều bằng khen. Năm 2005, bà vinh dự được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng III. Đầu năm 2017, bà được bình chọn là 1 trong 20 công dân Bình Phước ưu tú nhân kỷ niệm 20 năm ngày tái lập tỉnh.
Đạt nhiều thành tích, bằng khen, giải thưởng nhưng đối với bà, không có giải thưởng nào cao quý hơn là có sức khỏe để còn được phục vụ nhân dân.
(Thắng Trân)